Chương trình đã hoàn thành có giá trị kinh tế cao. Hoàn thiện 200 công nghệ và quy trình công nghệ, hơn 100 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật; thiết kế và hoàn thiện công nghệ, chế tạo được 60 dây chuyền thiết bị và gần 800 thiết bị máy móc.
Đây là một trong những chương trình có quy mô khá rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, với 34 nhiệm, kinh phí thực hiện 200 tỷ đồng trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ gần 100 tỷ đồng.
Với mục tiêu chung là nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, chương trình nghiên cứu được triển khai trên 4 lĩnh vực: cơ khí nông nghiệp, chế biển bảo quản nông sản, ngành nghề nông thôn và môi trường. Trong 5 năm qua, chương trình nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của vùng nông thôn trong cả nước.
Hầu hết các công nghệ và thiết bị do đề tài nghiên cứu đều được thử nghiệm tại các mô hình thực tế để kiểm tra tính phù hợp, khả năng ứng dụng và lấy ý kiến của bà con nông dân và các doanh nghiệp. Nhiều công nghệ, thiết bị có giá trị khoa học và thực tiễn rõ rệt, ví dụ như thiết bị chữa cháy rừng; thiết bị thu gom, vận chuyển làm sạch muối công nghiệp; công nghệ và thiết bị nuôi cá lồng biển mở; công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh vật ứng dụng trong chế biến thực phẩm lên men truyền thống,…Trong 21 đề tài có 12 đề tài (chiếm 57%) đã được Bộ KH&CN cho thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm.
Bên cạnh đó, chương trình cũng đã triển khai được 13 dự án sản xuất thử nghiệm (DASX) chiếm gần 40% nhiệm vụ của chương trình. Nhiều dự án cho sản phẩm tốt như các thiết bị cắt tách vỏ cứng hạt điều, bóc vỏ lụa nhân điều, dây chuyền chế biến nhựa thông, thiết bị đánh bóng cà phê theo phương pháp ướt, máy gặt đập lúa liên hợp, phân bón lá Permior và Agrodream,…
Những sản của chương trình đã được thương mại hóa mang lại giá trị kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân và góp phần hiện đại hóa nông thôn.
Nguyễn Uyên - Phương Hoàn