Tiềm lực KH&CN Thứ ba, 07/05/2024 , 08:11 pm
Cập nhật : 23/10/2021 , 19:10(GMT +7)
Chương trình KC.02 – Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ tiên tiến cho nguồn nguyên vật liệu bền vững
Toàn cảnh Hội thảo
Ngày 23/10 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Tổng kết Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới, mã số: KC.02/16-20. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Trần Tuấn Anh; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Nhiều kết quả mang tính thực tiễn cao
 
Mục tiêu của Chương trình là tiếp thu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến sản xuất các nguyên liệu, vật liệu từ các loại khoáng sản Việt Nam có tiềm năng lớn; Qua đó, tạo ra và phát triển các công nghệ mới sản xuất vật liệu phục vụ công nghiệp hỗ trợ; vật liệu thông minh, thân thiện môi trường; vật liệu có tính năng đặc biệt phục vụ các ngành kinh tế và an ninh quốc phòng. Tiến tới hình thành, hỗ trợ phát triển một số dây chuyền sản xuất nguyên liệu, vật liệu mới quy mô công nghiệp phục vụ cho các ngành kinh tế và an ninh quốc phòng.
Báo cáo tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm Chương trình cho biết, hiện nay, hầu hết các đề tài, dự án của chương trình đã nghiệm thu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Nội dung và lĩnh vực nghiên cứu của chương trình KC.02/16-20 không có sự đan xen (chồng lấn) với các Chương trình KH&CN cấp quốc gia khác. Tuy nhiên, Chương trình vẫn đảm bảo sự kế thừa, liên kết và liên thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.
 
Về kết quả khoa học của Chương trình, có 6/29 nhiệm vụ (đạt 21%) hình thành được hướng nghiên cứu mới có giá trị đối với Việt Nam cũng như trên thế giới như hướng nghiên cứu về chất dẻo tính năng đặc biệt, hợp kim titan y sinh, công nghệ plasma xử lý vải chống cháy, vật liệu bê tông asphalt tái chế ấm, chất phủ chống cháy trên bề mặt các loại vật liệu, vật liệu compozit xốp dẫn điện; có 9/29 nhiệm vụ (đạt 31%) công bố được 18 bài báo khoa học trên các tạp chí và hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế và 27/29 nhiệm vụ (đạt 93%) công bố được 81 bài báo trên các tạp chí, hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia.
 
Trong số các công bố quốc tế, có 12 bài báo thuộc 7 nhiệm vụ được đăng trên các tạp chí có uy tín thuộc danh mục ISI (SCI và SCIE), Scopus. Các đề tài có nhiều công bố quốc tế (>2) là KC.02.11/16-20, KC.02.13/16-20, KC.02.22/16-20. Đề tài KC.02.24 có 01 bài báo quốc tế được đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Q1; có 16/29 nhiệm vụ (đạt 55%) tạo ra được các vật liệu, sản phẩm có chất lượng tương đương với sản phẩm thương mại hoặc sản phẩm cùng loại nhập ngoại.
 
So với giai đoạn 2011-2015, số lượng các bài báo khoa học quốc tế và quốc gia đều giảm. Tuy nhiên nếu xét trung bình theo số lượng nhiệm vụ thì số công bố quốc tế của giai đoạn 2016-2020 tăng (31% so với 28,9% nhiệm vụ có công bố quốc tế).
 
Kết quả nghiên cứu, ứng dụng của các nhiệm vụ  thuộc chương trình phục vụ phục vụ sản xuất và đời sống cho thấy, đã phát triển được 194 sản phẩm dạng I (trong đó bao gồm 30 mẫu, mô hình; 36 sản phẩm dạng hàng hóa có thể tiêu thụ; 92 loại vật liệu; 18 thiết bị, máy móc; 17 dây chuyền công nghệ và 11 sản phẩm khác) và 331 sản phẩm dạng II (trong đó bao gồm 117 giải pháp, quy trình công nghệ; 2 nguyên lý ứng dụng; 8 cơ sở dữ liệu, số liệu; 82 bản vẽ thiết kế; 5 sơ đồ, bản đồ; 26 báo cáo phân tích; 46 tài liệu dự báo; 33 tiêu chuẩn, 9 luận chứng kinh tế - kỹ thuật và 3 báo cáo nghiên cứu khả thi). Các công nghệ, dây chuyền và thiết bị và vật liệu được tạo ra có tính năng kỹ thuật, chất lượng tương đương với sản phẩm tiên tiến cùng loại của các nước trong khu vực và trên thế giới
 
Xét về hiệu quả kinh tế - xã hội do Chương trình mang lại, việc thực hiện thành công của Chương trình sẽ đóng góp cho kinh tế xã hội những sản phẩm khoa học có chất lượng cao. Tạo ra các quy trình công nghệ tiên tiến, các loại vật liệu mới, các thiết bị khoa học mới với giá thành hạ là nền tảng để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm cuối cùng, góp phần tạo thêm việc làm, tăng doanh thu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở Việt Nam.
 
GS.TS Nguyễn Việt Bắc phát biểu tại Hội thảo
Ngoài ra, Chương trình đã tạo ra được nhiều tài liệu về khoa học công nghệ như: các quy trình công nghệ chế tạo, bản vẽ thiết kế thiết bị, sản phẩm mới, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật...là những tài liệu có thể ứng dụng vào thực tế; nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học, tăng cường tiềm lực cho các cơ quan nghiên cứu; tạo ra được các vật liệu, công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam và có thể ứng dụng trong các ngành kinh tế - kỹ thuật ở giai đoạn tiếp theo; tạo ra được những công nghệ và vật liệu mới, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động,...
 
“Các kết quả khoa học của chương trình cho thấy một số lĩnh vực đã tiệm cận hoặc ngang bằng so với trình độ khoa học trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là một tín hiệu vui cho thấy việc phát triển các công nghệ, vật liệu mới, có giá trị ở tầm thế giới đã được quan tâm nghiên cứu”. GS.TS Nguyễn Việt Bắc nói.
 
Hướng tới những sản phẩm theo nhu cầu xã hội
 
Chủ nhiệm Nguyễn Việt Bắc cho rằng, các nhiệm vụ thuộc Chương trình có tính liên ngành rõ rệt và để giải quyết trọn vẹn một vấn đề từ nghiên cứu tạo ra vật liệu, sản phẩm mới cho đến ứng dụng, triển khai thực tế và thương mại hóa thì vẫn rất cần sự phối hợp mang tính thực chất giữa các ngành, lĩnh vực, các chuyên gia có liên quan.
 
Để Chương trình có được hiệu quả tích cực hơn nữa, Chủ nhiệm Nguyễn Việt Bắc thẳng thắn nêu ra những bất cập, thách thức trong quá trình xây dựng, triển khai. Theo đó, Chương trình cần tiếp tục bổ sung cơ chế quản lý, giám sát việc triển khai ứng dụng kết quả của nhiệm vụ sau nghiệm thu. Đồng thời, cần cung cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu KH&CN quốc gia cho Ban chủ nhiệm, các tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ để có thể tìm kiếm thông tin, tra cứu, tham khảo tài liệu phục vụ nghiên cứu.
 
Đánh giá về hiệu quả của từ các nhiệm vụ của Chương trình, TS. Vũ Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế  - Kỹ thuật, Bộ KH&CN cho rằng, các nhiệm đã hướng tới ứng dụng nhiều hơn, các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn. Ngoài kinh phí ngân sách nhà nước, việc huy động nguồn lực khác từ xã hội hóa ngày càng có tỷ lệ cao, xấp xỉ như nhau, đây là sự tiến bộ so với các giai đoạn trước đây.
  
Tuy nhiên, Vụ trưởng Nguyễn Đình Hậu cũng chỉ ra hai tồn tại lớn, đó là chưa có nhiệm vụ có quy mô đủ lớn để tạo ra hiệu ứng, nhu cầu đủ lớn đối với thị trường vật liệu và việc ứng dụng kết quả vẫn còn hạn chế, sản phẩm được tạo ra chưa đủ tạo sức thuyết phục, thu hút đối với doanh nghiệp. Nguyên nhân có thể đến từ các nhà khoa học chưa thực sự gắn với thực tiễn, vấn đề khó đưa vào ứng dụng. Mặt khác, có thể do quản lý, thiếu sự liên kết liên tục bởi vấn đề liên quan đến vật liệu cũng cần phải từ 5-10 năm mới ra được sản phẩm.
 
Trong giai đoạn 2021-2025, ngoài việc tiếp tục xây dựng khung chương trình cho giai đoạn mới, Vụ trưởng đề xuất với các công trình khoa học ứng dụng cần nâng khung thời gian nhiệm vụ (khung 10 năm). Ngoài ra, việc định hướng trong xây dựng chỉ tiêu khoa học ứng dụng cần sự sự tham gia tích cực hơn nữa từ phía doanh nghiệp, đồng thời chỉ nên hình thành các nhiệm vụ có tính khả thi, thực tiễn, không ôm đồm, lựa chọn ít vấn đề cũng như nâng tầm quy mô, hướng tới những lĩnh vực mà doanh nghiệp, tập đoàn lớn có nhu cầu; những vật liệu mới, phục vụ cho lĩnh vực an ninh – quốc phòng,... “Cần sắp xếp các chủng loại vật liệu có tiềm năng, dựa trên doanh nghiệp, xã hội có nhu cầu, phát triển vật liệu thân thiện với môi trường, giải quyết bài toán cấp thiết đối với xã hội”, Vụ trưởng Nguyễn Đình Hậu nói.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng ghi nhận và đánh giá cao từ những kết quả của Chương trình bởi theo Thứ trưởng, những sản phẩm của Chương trình mang tính thực tiễn cao bởi những nỗ lực từ sáng chế, sở hữu đăng ký,... còn dẫn đến việc hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ, khẳng định công nghệ cũng như việc đào tạo nguồn nhân lực vật liệu cho đất nước.
Thứ trưởng Tùng cho rằng, giai đoạn tới cần nhìn “trúng” vấn đề, đặt ra các đầu bài, và cơ chế quản lý định hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm.  Ngoài những đề xuất từ phía các nhà khoa học, cần có cả các ý kiến của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, vấn đề của cuộc sống đặt ra, nhìn vào nhu cầu của doanh nghiệp từ đó có đầu bài tốt cho Chương trình.
 
Ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu, các nhà khoa học cần phải tính toán được bài toán hiệu quả kinh tế, khi ấy doanh nghiệp mới có thể đầu tư, tham gia và đồng hành cùng các nhà khoa học. Để tạo hướng đi và có đầu bài tốt cho giai đoạn tới, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được những chia sẻ, góp ý đến từ phía các nhà khoa học, doanh nghiệp để Chương trình sẽ tập trung hơn nữa những sản phẩm gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội, đồng thời tiếp tục rà soát Chương trình nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà khoa học yên tâm, cống hiến cho hoạt động nghiên cứu.
 
Bài, ảnh: Tần Quỳnh
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner