Đó là một trong những nội dung nổi bật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 04/01 tại Hà Nội.
Năm 2017, Bộ đã tiến hành điều chỉnh cơ cấu các nhiệm vụ khoa học công nghệ và khuyến nông theo hướng ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, kỹ thuật thâm canh tiên tiến để giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong sản xuất như: cơ cấu giống, chất lượng vật tư nông nghiệp, phòng trừ dịch bệnh, tái canh cà phê, tưới tiết kiệm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2017, Bộ cũng đã xây dựng và công bố 94 tiêu chuẩn, ban hành 17 quy chuẩn, nâng tổng số tiêu chuẩn lên 851 và quy chuẩn là 217; triển khai 35 gói hỗ trợ kỹ thuật (19 gói kỹ thuật trồng trọt; 8 gói kỹ thuật chăn nuôi; 4 gói kỹ thuật thủy sản; 3 gói kỹ thuật trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và 01 gói kỹ thuật về khuyến công) để hướng dẫn người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đã được quan tâm của cả Chính phủ, các doanh nghiệp, người dân. Thủ tướng Chính phủ đã phát động chủ trương thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.
Để có cơ sở pháp lý cho hoạt động sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề nghị và được Chính phủ cho phép nghiên cứu, xây dựng và chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ "Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập";… Hiện đã có 33 tỉnh/thành phố có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 70.000 ha với các hình thức, quy mô, sản phẩm đa dạng.
Đến nay, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ làm hướng đi chính để đầu tư và đạt được những thành công rõ rệt. Hướng đầu tư này của các doanh nghiệp đã góp phần làm tăng năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm được cải thiện nhiều.
Nhằm tăng cường công tác chuyển giao và ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra một số giải pháp cơ bản, trong đó trọng tâm là tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng KH&CN. Trong đó, ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và tăng cường đầu tư vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu và chuyển giao KH&CN.
Tin: Hoàng Anh