Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: KH&CN đã đạt được rất nhiều thành tựu
TS. Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN. Ảnh: NH
Ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân đã đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9.
Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trả lời các câu hỏi liên quan đến các giải pháp khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập hiện nay để áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của ngành KH&CN trong việc đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường KH&CN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững; thực hiện chuyển đổi các tổ chức KH&CN theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực KH&CN bởi đây là lĩnh vực ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nước nhà và tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thời gian qua, sự nghiệp nghiên cứu KH&CN của nước nhà đã đạt được rất nhiều thành tựu. Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà khoa học, công nhân, trí thức, cán bộ KH&CN, chiến sĩ quân đội,… tất cả đều tham gia làm khoa học và đã có những kết quả cần được đánh giá cao.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, qua tâm sự của Bộ trưởng Nguyễn Quân cho thấy còn nhiều nỗi lo lắng. Cụ thể, KH&CN chưa thực sự là quốc sách hàng đầu. Cùng với đó là hàng loạt vấn đề như: đầu tư cho KH&CN còn quá thấp; huy động đầu tư xã hội cho KH&CN cơ bản là khó khăn; cơ chế quản lý nhà nước, cơ chế tài chính (đếm từng công đoạn để chi tiền chứ không đếm sản phẩm) cho KH&CN còn nhiều bất cập; thị trường KH&CN ra đời quá chậm; cơ chế tự chủ trong các đơn vị nghiên cứu khoa học cũng chưa hoàn thiện;…
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổng kết lại những vấn đề còn tồn tại để đưa ra định hướng và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội giải quyết; xây dựng, phát triển các sản phẩm quốc gia, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam với lượng chất xám, giá trị công nghệ cao, giá thành hợp lý, được thị trường trong nước và quốc tế chấp nhận,... Cần tổng kết lại xem các sản phẩm đó đã được xã hội công nhận đến đâu, ứng dụng thế nào và mở rộng phát triển.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm, công nghệ vào cuộc sống, vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và các ngành dịch vụ khác. Làm sao kết nối được nhà khoa học với nhà sản xuất, đưa sản phẩm tới người tiêu thụ. Sàng lọc, giải quyết được tình trạng đề tài “xếp ngăn kéo” thì hàm lượng chất xám trong nền sản xuất sẽ nâng cao. Bộ KH&CN cần vận dụng rộng hơn mô hình liên kết 4 nhà, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đồng thời, kiên quyết thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm, triển khai tổng kết, rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục những hạn chế; có chính sách khuyến khích đủ mạnh với những cá nhân, tổ chức sản xuất ra sản phẩm KH&CN cao, xây dựng cơ chế để chuyển giao công nghệ nhanh nhạy, định giá công nghệ, cơ chế tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học,…
Việc trả lời chất vấn lần này là một dịp đặc biệt vì 4 nhiệm kỳ qua Bộ không có đại diện ở Quốc hội nên chúng tôi ít có cơ hội tham gia vào hoạt động nghị trường. Tôi xác định đây là một thách thức rất lớn với cá nhân vì KH&CN luôn được coi là quốc sách hàng đầu, được kỳ vọng nhiều sẽ trở thành động lực của đổi mới, trọng tâm của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong khi đó, những kiến thức của tôi còn khiêm tốn nên có thể không đáp ứng hết, không thoả mãn được các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thức đây là cơ hội để Quốc hội và cử tri cả nước biết những việc chúng tôi đang làm, những thách thức chúng tôi phải trải qua và qua việc chất vấn chúng tôi tiếp tục xác định những việc mình phải khắc phục, hoàn thiện để đóng góp hơn nữa cho đất nước.
(TS. Nguyễn Quân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN)