Những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả để báo Đảng được phát triển đa kênh, đa nền tảng nhằm tiếp cận đa dạng đối tượng công chúng đã được chia sẻ tại phiên thảo luận 6 diễn ra chiều 12/11 trong khuôn khổ Hội nghị Nâng cao Chất lượng Báo Đảng toàn quốc.
Phiên thảo luận 6 với chủ đề “Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng” vinh dự được đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tới dự.
Các đại biểu dự Phiên thảo luận
Chủ động tham gia các nền tảng để tiếp cận công chúng
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ nhấn mạnh: Đối với những người làm công tác truyền thông, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phải chủ động, tận dụng mạng xã hội để phục vụ cho sự nghiệp của chúng ta. “Chúng ta làm chậm thì mạng xã hội sẽ chiếm lĩnh và phủ sóng thay các nguồn thông tin chính thống”, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm lưu ý.
Tuy nhiên, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ cho rằng, việc chủ động tham gia mạng xã hội không chỉ đơn thuần là lập ra một trang fanpage đại diện cho cơ quan mình để truyền tải các nội dung.
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm nêu thí dụ câu chuyện bánh mỳ xảy ra tại Khánh Hòa gây xôn xao dư luận trong thời gian giãn cách vì đại dịch. Khi đó, Báo Điện tử Chính phủ là cơ quan đầu tiên đưa lên mạng xã hội nội dung thông tin chính thống của sự việc này để người dân hiểu, chính quyền xã, địa phương bình tĩnh và hiểu đúng quy định chống dịch của Chính phủ.
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm chia sẻ từ thực tiễn vận hành trang facebook Thông tin Chính phủ
Dẫn chứng câu chuyện đó, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm cho rằng, cần hiểu chủ động tham gia mạng xã hội cũng cần đến việc lắng nghe “hơi thở, tiếng lòng của nhân dân”, những vấn đề mà người dân thực sự quan tâm, có ảnh hưởng sâu sát tới đời sống của họ, đồng thời cần tuyệt đối tránh khuynh hướng “lá cải”, “câu view”, hay “chạy theo” thị hiếu của một bộ phận công chúng…
Dù mới ra đời từ tháng 8/2021, cho đến nay, Radio Nhân Dân, kênh phát thanh trên nền tảng số của Báo Nhân Dân đã xây dựng được phong cách riêng và có lượng khán thính giả theo dõi khá ổn định và ngày càng tăng, trên kênh Youtube đã có hơn 1.000 subscribers với hàng trăm tới hàng nghìn lượt nghe/xem mỗi truyện. Các kênh còn lại cũng có hàng chục nghìn lượt nghe/xem và tải xuống.
Chia sẻ về Radio Nhân Dân, nhà báo Phan Thanh Phong, Trưởng Ban Nhân Dân hằng tháng, Báo Nhân Dân cho rằng, xu thế tiếp cận mới cũng đã buộc các cơ quan báo chí tìm những cách đi mới để tiếp cận và thu hút độc giả một cách nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất. Các nền tảng streamming trên mạng là đích đến của nhiều cơ quan báo chí, bắt đầu bằng các nền tảng nghe nhạc trực tuyến chất lượng cao với hàng triệu người dùng là một trong những cách thức nhiều cơ quan truyền thông lựa chọn để tiếp cận độc giả.
Báo Nhân Dân cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Báo Nhân Dân hiện có các ấn bản giấy, điện tử, truyền hình và radio là kênh non trẻ nhất, sự ra đời của nó đánh dấu một bước trong việc mở rộng các loại hình truyền thông đa phương tiện để tiếp cận độc giả của báo Đảng.
Cách tiếp cận mới này của Báo Nhân Dân không chỉ thu hút được lượng lớn thính giả, đặc biệt là đối tượng người trẻ mà thực tế theo dữ liệu, Radio Nhân Dân đã có lượng người nghe xem đáng kể từ Đức, Nhật, Mỹ, Australia, Nga, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Nhà báo Phan Thanh Phong chia sẻ về sự thành công của Radio Nhân Dân.
Theo nhà báo Phan Thanh Phong, “Sản phẩm đưa ra rồi thì phải nghĩ đến chuyện chăm sóc khách hàng để nắm bắt phản hồi của họ, tiếp tục cải thiện và cải tiến chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, phải nghĩ ra những sản phẩm sáng tạo mới, nhắm đến những khách hàng mới, chứ không thể chỉ bám lấy một sản phẩm, cho dù đạt được những thành công nhất định. Đó chính là cái đích mà Radio Nhân Dân hướng tới”.
Liên tục sáng tạo, đổi mới phương thức truyền thông các thông tin chính thống của báo Đảng tới mọi đối tượng người dân là cách Báo Nhân Dân nói chung, Radio Nhân Dân nói riêng đang miệt mài thực hiện với những dự định mới.
Tại phần thảo luận mở, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh cho hay, không chỉ dừng lại ở việc đưa Radio Nhân Dân trở thành thói quen cho người dân tại đô thị, trong một tháng qua, Báo Nhân Dân đang hợp tác với MobiFone phát nội dung Podcast tới khu vực vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, mỗi ngày, phần tin tức, đọc truyện được phát 2 lần trên khoảng 10 nghìn loa ở khắp các vùng sâu, vùng xa và được bà con đồng bào đón nhận tích cực.
“Từ lâu nay khi nói đến đa kênh, chúng ta chỉ nói đến báo in, báo điện tử, phát thanh truyền hình và gần đây trên nền tảng digital. Nhưng gần đây, nhất là trong thời gian dịch bệnh vừa qua, có nhiều nơi ở thành phố lớn rất khó chịu với loa phường nhưng ở địa phương (vùng sâu, vùng xa) người dân rất cần những loa ấy để phổ biến thông tin”, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cho hay.
Theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, từ hiệu quả của chương trình hiện nay, dự kiến thời gian tới sẽ có khoảng 100 nghìn loa để đưa thông tin của Radio Nhân Dân tới đồng bào.
Cũng là câu chuyện chủ động tiếp cận độc giả, nhà báo Hoàng Lâm, Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn Báo Lao Động đã chia sẻ kinh nghiệm về việc lựa chọn và phát triển truyền hình có tính tương tác trên báo Lao Động.
Giải thích kỹ hơn về truyền hình có tính tương tác, nhà báo Hoàng Lâm cho biết, gọi là tương tác nhưng bản chất là tạo một trò chơi ở nền tảng truyền hình. Khi đó, một chương trình giải đáp đề thi, đặc biệt giải đáp pháp luật giao thông đường bộ,… được thể hiện bằng cách cho bạn đọc chọn các đáp án như một trò chơi thư giãn.
“Tôi nghĩ đây sẽ là hướng đi lâu dài bởi bạn đọc của báo Lao Động quan tâm đến câu chuyện giải đáp chính sách liên quan đến người lao động. Khi chuyển hóa những vấn đề này sang trạng thái nhẹ nhàng hơn thì hiệu quả tác động sẽ tốt hơn”, nhà báo Hoàng Lâm nói.
Quản lý nội dung trên đa kênh, đa nền tảng
Bà Lê Thị Bảo Ngọc - Trưởng Ban Hợp tác sản xuất và Phát hành Nội dung Tập đoàn MCV cho biết, trong những năm gần đây, số lượt người dùng mạng xã hội tại Việt Nam thật sự gia tăng nhanh chóng. Tại Việt Nam, có rất nhiều cơ quan báo chí (thí dụ như Báo Nhân Dân, Báo Người Lao động) đã có mở các kênh mạng xã hội chính thức của báo để cập nhật thông tin liên tục cho khán giả và đã có rất nhiều độc giả ủng hộ.
Bà Lê Thị Bảo Ngọc nói về việc quản lý nội dung trên đa kênh, đa nền tảng.
Tuy nhiên, khi phát triển nội dung đa kênh, đa nền tảng, một số vấn đề cơ quan báo chí cũng gặp phải một số vấn đề như: tuân thủ nguyên tắc nền tảng khi liên tục bổ sung thêm chính sách mới; sự khác biệt về định dạng, thời lượng, số lượng, nội dung của các video trên mọi nền tảng; vấn đề bản quyền; thao tác vận hành các kênh; bảo mật thông tin tài khoản.
Do đó, bà Bảo Ngọc nhấn mạnh, các cơ quan báo chí cần có giải pháp để có thể quản lý tối ưu, dễ dàng, hợp lý, nhanh chóng sử dụng trong công việc hằng ngày, đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho nhiều bộ phận trong đơn vị.
Từ kinh nghiệm thực tiễn vận hành trang facebook Thông tin Chính phủ để vừa bảo đảm được độ “phủ sóng” cao, vừa bảo đảm được tính an toàn, đúng định hướng truyền tải thông tin chính xác, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm đã đưa ra một số nguyên tắc cần lưu ý.
Theo đó, điều đầu tiên là cơ quan báo Đảng cần có công nghệ hiện đại. Nội dung đăng tải trên mạng xã hội phải rất súc tích, ngắn, ấn tượng. Trong thể hiện phải bám theo hơi thở cuộc sống (phải bắt trend) những vấn đề rất nóng, thời sự. Cần có người vận hành chuyên nghiệp tận tâm, đam mê, giỏi đồ họa. Thêm vào đó, cần trình bày đẹp mắt, nổi rõ thông điệp muốn truyền tải.
Đặc biệt, cần phải thực hiện kiểm soát thật tốt bình luận trên mạng xã hội. Để làm được điều này cần áp dụng thuật toán và kỹ năng xử lý. “Nếu không thể kiểm soát tốt thì không nên dùng mạng xã hội vì đây là con dao 2 lưỡi”, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm lưu ý.
Nhà báo Nguyễn Hồng Sâm cho hay, từ thực tiễn triển khai, việc chủ động tham gia mạng xã hội cần sự an toàn, linh hoạt, nhạy bén, hiệu quả. Tùy từng loại hình, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cần lựa chọn việc tham gia một cách phù hợp, có thể là lập đại diện trên trang mạng xã hội hoặc không, nhưng việc nắm bắt thông tin trên mạng xã hội là rất cần thiết cho công tác chỉ đạo, điều hành.
“Nhưng điều nên nhớ, mạng xã hội không thể thay thế chức năng của báo chí, báo chí vẫn là kênh không thể thay thế và luôn cần được chú trọng, thậm chí trong nhiều trường hợp, đây chính là nguồn gốc, “ngòi nổ” cho một số luồng thông tin trên mạng xã hội”, nhà báo Nguyễn Hồng Sâm nhấn mạnh.