Với phương châm học tập sáng tạo gắn liền với thực tiễn, "Diễn đàn gặp mặt các nhóm nghiên cứu khoa học trẻ Bách khoa 2016" được tổ chức mới đây đã tạo điều kiện để các nhóm nghiên cứu giao lưu, học hỏi, chủ động đề xuất các đề tài sát với nhu cầu doanh nghiệp.
Xoay quanh nội dung này phóng viên đã phỏng vấn TS. Vũ Duy Hải, Bí thư Đoàn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn.
PV: Xin ông cho biết mục tiêu tổ chức “Diễn đàn gặp mặt các nhóm nghiên cứu khoa học trẻ Bách khoa 2016”?
- TS. Vũ Duy Hải: Tham dự diễn đàn có gần 300 thành viên của 45 nhóm nghiên cứu đến từ 17 Viện và Trung tâm nghiên cứu. Với lòng đam mê khoa học, các nhóm nghiên cứu trong Trường đang được hình thành và phát triển bởi các thành viên là các cán bộ trẻ có độ tuổi dưới 40. Đây là số cán bộ chiếm tỷ lệ hơn 60% của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Tổ chức diễn đàn Ban Tổ chức mong muốn các nhóm nghiên cứu sẽ có một diễn đàn chính thức, kênh thông tin chính thức để chia sẻ thông tin về nhóm nghiên cứu của mình. Đặc biệt là tìm kiếm cơ hội hợp tác, phối hợp giữa các nhóm nghiên cứu với nhau để có thể tạo ra được những đề tài, sản phẩm nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực. Một trong những mục tiêu Ban Tổ chức cũng hướng tới là để cho các nhóm nghiên cứu trẻ được tiếp cận với các doanh nghiệp mà hiện nay đang có nhu cầu phát triển mạnh về nghiên cứu và triển khai (R&D).
PV: Kết quả ban đầu những nhóm nghiên cứu trẻ đã đạt được trong thời gian vừa qua là gì thưa ông?
- Trong số 45 nhóm nghiên cứu khoa học trẻ đã có một số nhóm có kết quả nghiên cứu tốt như bộ định vị chính xác của Trung tâm NAVIS, hệ thống rửa quả lọc và dây dẫn máu để tái sử dụng trong điều trị thận nhân tạo, hệ thống theo dõi bệnh nhân trung tâm không dây của Trung tâm Điện tử Y sinh và một số nhóm về công nghệ thông tin và truyền thông. Những sản phẩm đã nghiên cứu được có khả năng chuyển giao, ứng dụng vào trong thực tế cuộc sống… Tuy nhiên, đến nay số lượng những sản phẩm nghiên cứu chưa nhiều. Vì vậy khi tổ chức diễn đàn này Ban Tổ chức mong muốn đưa ra một số giải pháp sao cho các nhóm nghiên cứu đưa sản phẩm nghiên mình đến được thị trường và chuyển giao công nghệ đến doanh nghiệp. Để đạt được như vậy đòi hỏi có sự kết hợp đa ngành, đa lĩnh vực thì mới có thể tạo ra được những sản phẩm có giá trị thực tiễn cao và khả năng thương mại hóa cao. Đồng thời, diễn đàn cũng hướng tới làm sao cho các nhóm cùng kết hợp, tạo ra những sản phẩm hoàn chỉnh có ý nghĩa và giá trị thực tiễn cao.
Mô hình xe ô tô Hybrid xăng - điện sử dụng hai nguồn động lực và được điều khiển từ xa bằng điện thoại di động
PV: Vậy theo ông, đâu là khó khăn khi đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường?
- Có một số khó khăn để đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường. Tôi cho rằng một trong những khó khăn đó là sản phẩm của nhóm nghiên cứu chưa thực sự hoàn thiện mới chỉ dừng lại ở kết quả nghiên cứu, mới chỉ chạy thử nghiệm. Từ kết quả thử nghiệm ra ngoài thực tế còn nhiều khâu tưởng như đơn giản như: mẫu mã để người tiêu dùng nhìn thấy sản phẩm đáng tin cậy để sử dụng. Thứ hai là thiếu sự đầu tư cho một sản phẩm nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra ngoài thị trường. Sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu với các tính năng đơn giản, dễ sử dụng, tính hiệu quả, tính ổn định… Đặc điểm này bản thân nhóm nghiên cứu không giải quyết được mà cần có sự đầu tư của các nhà đầu tư. Sự hỗ trợ từ các quỹ sao cho các sản phẩm nghiên cứu có thể phát triển thành những sản phẩm thương mại.
PV: Hiện nay, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã có chính sách gì tạo điều kiện cho nhóm nghiên cứu trẻ nghiên cứu khoa học?
- Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong cả nước. Vì thế nhiệm vụ nghiên cứu của các giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ nhà trường hết sức coi trọng. Thời gian vừa qua, cùng với sự thay đổi trong quản lý, nhà trường đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhóm nghiên cứu trẻ nghiên cứu khoa học đã đem lại kết quả tốt như ưu tiên các nhóm nghiên cứu trẻ trong việc đăng ký và thực hiện các đề tài nghiên cứu cấp trường, thưởng “nóng” các bài báo đăng trên các tạp chí ISI, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp… Chính vì thế Đoàn trường đã phối hợp với các đơn vị tổ chức diễn đàn này đã cố gắng tìm kiếm, mời các doanh nghiệp hiện nay đang có nhu cầu thực sự để phát triển sản phẩm. Đến với diễn đàn, doanh nghiệp đến đây nói ra các nhu cầu và mong muốn của họ. Họ muốn phát triển về KH&CN như thế nào, từ những thông tin đó mà các nhóm nghiên cứu sẽ chủ động đề xuất các hướng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu của mình sát thực với chính nhu cầu của các doanh nghiệp. Tôi cho rằng đây là một trong những giải pháp sao cho sản phẩm nghiên cứu của các nhóm có thể phục vụ ngay cho chính lĩnh vực sản xuất của các doanh nghiệp hiện đang có sản phẩm trên thị trường rồi. Từ đó các sản phẩm của các nhóm nghiên cứu trẻ sẽ dễ dàng được chấp nhận và chuyển giao vào thực tiễn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Chi (thực hiện)