Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch ICDREC - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cuối tháng 4 vừa qua đã công bố sản xuất thành công chip cảm biến áp. Đây là con chip có hàm lượng khoa học cao và tạo được nhiều ứng dụng trong cuộc sống. Điều đáng nói, lại một lần nữa, đơn vị nghiên cứu này khẳng định hướng đi đúng của việc kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng bởi ngay sau thành công này, Công ty Global Technical Service đã ký kết thỏa thuận hợp tác để ứng dụng chip cảm biến áp suất trong sản xuất thiết bị đo và lưu trữ thông tin mực nước.
Một con chip- nhiều ứng dụng
ThS. Trương Hữu Lý, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, đây là con chip theo công nghệ vi cơ điện tử (MEMS) đầu tiên của Việt Nam được sản xuất ở quy mô nhiều chip trên một wafer (tấm nền silicon), với nhiều kích thước và dải đo khác nhau. Bước đầu, chip được sản xuất ở trong phòng thí nghiệm với độ đồng nhất trên 80%. Nếu sản xuất trên dây truyền công nghiệp, độ đồng nhất dự kiến đạt trên 95%. Đây là con chip theo công nghệ vi cơ điện tử (MEMS - Micro-Electro-Mechanical Systems) đầu tiên của Việt Nam được sản xuất ở quy mô nhiều chip trên một wafer với nhiều kích thước và dải đo khác nhau. Được biết, ngay sau khi sản phẩm được công bố, Tạp chí EE Times - Asia một tạp chí uy tín về ngành điện và điện tử thế giới đã lập tức viết bài ca ngợi Việt Nam thành công trong việc thiết kế và chế tạo cảm biến áp suất.
Việc nghiên cứu và sản xuất thành công chip cảm biến áp suất hứa hẹn sẽ mở ra nhiều ứng dụng và điều đó cũng có nghĩa là có nhiều sản phẩm thiết thực cho đời sống được ra đời. Chip cảm biến áp suất được biết đến với nhiều ứng dụng rộng rãi trong đời sống như dùng trong thiết bị kiểm soát áp suất đường ống khí gas; cho các thiết bị đo mực nước của máy giặt, máy rửa bát, bồn nước; đo mực nước trong các công trình thủy lợi, chống ngập, thiết bị đo huyết áp…
Hiện nay, chip cảm biến áp suất đã được Công ty Global Technical Service (Khu Công nghệ phần mềm Quang Trung) ký thỏa thuận hợp tác để ứng dụng trong sản xuất thiết bị đo áp suất trong các phòng sạch (phòng thí nghiệm). Đây là hướng ra trước mắt của sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm R&D và ICDREC.
Nghiên cứu kết hợp ứng dụng- mô hình cần nhân rộng
Nói về thành công của con chip cảm biến áp suất, Th.S Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC cho rằng, không thể phủ nhận yếu tố kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng. Sự mạnh dạn nghiên cứu cùng quyết tâm đưa sản phẩm ra ứng dụng chính đã cho ra đời nhiều sản phẩm ứng dụng của ICDREC, mà một trong những kết quả đó là chip cảm biến áp suất. Các nhà khoa học, nhà quản lý của Khu CNC Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã biết lựa sức mạnh của hai đơn vị khoa học là Trung tâm R & D (khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh) và ICDREC (ĐHQG TP Hồ Chí Minh). Sự kết hợp này thể hiện rõ lợi thế của hai bên đó là, Trung tâm R&D có cơ sở vật chất, phòng nghiên cứu, thiết bị đạt chuẩn để chế tạo; còn ICDREC thiết kế cấu trúc chip cảm biến và phát triển ứng dụng.
Các nhà khoa học trẻ của ICDREC
Điều có ý nghĩa hơn khi sản phẩm chíp cảm biến áp suất là sản phẩm được phát triển trên cơ sở một đề tài cùng đối tượng nghiên cứu đã được hội đồng khoa học Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh nghiệm thu tháng 7/2013. Tuy nhiên, ICDREC đã phải đầu tư thêm 2 tỷ đồng để đưa kết quả nghiên cứu ra được sản phẩm ứng dụng. Đầu tư cho nghiên cứu là một câu chuyện dài và luôn là khó khăn chồng chất khó khăn, vấn đề ở đây là nhận thức và tầm nhìn của người lãnh đạo. Với phương châm, không thể nghiên cứu suông, muốn bán được kết quả nghiên cứu, phải có sản phẩm nhìn được, sờ được và ứng dụng được- lý thuyết suông là không thể thuyết phục nhà đầu tư. Chính từ tư duy đó, lãnh đạo ICDREC đã chọn con đường nghiên cứu phải có ứng dụng làm kim chỉ nan cho hoạt động của mình. Có lẽ với quyết tâm đó mà theo như thông báo của ICDREC, từ nay đến cuối năm trung tâm này sẽ có 30 sản phẩm sẽ được ra mắt. Hãy cùng chờ đón và chúc cho những nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp của ICDREC sẽ có nhiều sản phẩm ứng dụng thành công, phục vụ thiết thực cho cuộc sống.
Bài và ảnh: Minh Châu