Sáng 09/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2016 (VDF 2016) với chủ đề “Chính phủ kiến tạo và hành động: Động lực mới cho phát triển”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự Diễn đàn. Cùng tham dự, lắng nghe ý kiến của các nhà đầu tư, các định chế tài chính, các chuyên gia quốc tế tại Diễn đàn còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới đồng tổ chức với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan của Việt Nam, Trưởng đại diện các cơ quan phát triển song phương, các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ. Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương đã tham dự sự kiện.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết gần đây, với nhiều giải pháp đã được ban hành và thực hiện quyết liệt, nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua những khó khăn rất lớn trong nửa đầu năm 2016, lấy lại đà phục hồi và phát triển từ đầu quý III/2016 cũng như sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong tương lai.
“Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng một Chính phủ kiến tạo và hành động với mục tiêu biến các giải pháp thành hiện thực, đưa các mục tiêu kế hoạch thành những những kết quả cụ thể trên thực tiễn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã cùng phân tích triển vọng kinh tế của Việt Nam và các gợi ý chính sách cho Chính phủ; đóng góp của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) cho tăng trưởng bền vững; quản lý tài khóa hướng tới tăng trưởng bền vững và toàn diện;…
Về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016-2020, các đại biểu cho rằng những động lực tăng trưởng nhìn chung đã bị hạn chế về sức ảnh hưởng. Năng suất lao động của các doanh nghiệp trong nước thấp hơn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Jonathan Dunn nhấn mạnh đến các nhân tố có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng và các gợi ý chính sách để tạo động lực mới cho phát triển bền vững. Cải cách vĩ mô để tăng trưởng cần tập trung vào các vấn đề như hiện đại hóa khung điều hành chính sách tiền tệ, với một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn cùng các công cụ dự phòng rủi ro đi kèm. Bên cạnh đó, giải quyết nhanh nợ xấu sẽ giúp hệ thống tín dụng có khả năng hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp tư nhân có khả năng cạnh tranh. Cần có các chính sách để hạn chế rủi ro tài chính và cải thiện các trung gian tài chính, để các nguồn lực tới được những doanh nghiệp tư nhân có tính cạnh tranh cao.
Toàn cảnh Diễn đàn VDF 2016
Về quản lý tài khóa và nợ công bền vững phục vụ tăng trưởng, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề điều chỉnh chính sách tài khóa, huy động vốn cho phát triển hạ tầng cơ sở, từ đó đưa ra khuyến nghị chính sách và cách tiếp cận phù hợp cho Việt Nam.
Theo ông John Panzer, Giám đốc phụ trách kinh tế vĩ mô và quản lý tài chính khu vực Châu Á - Châu Âu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiên đoán trước và độ tin cậy của định hướng chính sách, thực hiện một cách kiên định, có chủ đích quá trình điều chỉnh tài khóa theo lộ trình phù hợp, đưa ra các biện pháp điều chỉnh cơ cấu tài khóa, và quản lý nợ tốt hơn với trọng tâm là phát triển mạnh thị trường trái phiếu trong nước.
Một số đại biểu cho rằng trong những năm tới, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc hoàn thành mục tiêu mà Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 đặt ra, trong đó có thách thức về năng suất lao động, môi trường trong tăng trưởng, về xóa nghèo và an sinh xã hội cũng như việc huy động nguồn lực tài chính.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng đã nêu 8 định hướng điều hành thời gian tới trên quan điểm xây dựng hệ thống hành chính quốc gia thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Cụ thể: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh - coi đây là một trọng tâm của năm 2017; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo cơ chế thị trường trong thực hiện kế hoạch 2016-2020; kiểm soát việc sử dụng vốn vay, hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh Chính phủ, chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ, tiếp tục cơ cấu lại nợ công, sửa đổi khung pháp lý có liên quan; ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội; chủ động hội nhập quốc tế và nỗ lực để triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên