Đó là khẳng định của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Lịch sử - Văn hóa tại buổi giao lưu trực tuyến trên báo Tuổi trẻ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN phối hợp báo Tuổi trẻ tổ chức vừa diễn ra ngày 17/8 tại Hà Nội.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (HCM) và Giải thưởng Nhà nước (NN) về KH&CN năm nay quá chặt chẽ (từ 61 công trình chỉ chọn được có 16). Là một trong những ủy viên Hội đồng Nhà nước xét chọn Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, ông bình luận gì về nhận xét trên?
GS Vũ Minh Giang: Sau khi 17 Hội đồng chuyên ngành thẩm định và xét tuyển, đã có 61 công trình được lựa chọn gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước. Từ 61 công trình, Hội đồng cấp Nhà nước đã lựa chọn trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước cho 16 công trình, chiếm tỷ lệ khoảng 26%. Trong 61 công trình gửi lên Hội đồng cấp Nhà nước, riêng xã hội nhân văn đóng góp 31 công trình (chiếm hơn 50%).
Đánh giá số lượng các công trình được lựa chọn trao giải tương đối ít so với các lần xét giải thưởng trước đây. Nhưng điều mà tất cả các ủy viên Hội đồng nhận thấy là chất lượng của các công trình đạt giải lần này rất cao. Chẳng hạn như lĩnh vực Khoa học tự nhiên có cụm công trình của tập thể Viện toán do Giáo sư Ngô Việt Trung đại diện đã công bố được hàng trăm bài báo quốc tế có giá trị. Ủy viên phản biện công trình này là Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đánh giá cao cụm công trình này.
Về lĩnh vực KHXH&NV, công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận” của Giáo sư Phan Huy Lê được coi là một bước đột phá về mặt lý luận và phương pháp trong nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam, được giới khoa học quốc tế đánh giá cao; cơ sở khoa học cho việc làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa Thế giới.
Trong quá trình làm việc, Hội đồng làm việc dân chủ, công tâm và ý thức rất cao về việc chọn ra những công trình tiêu biểu của đất nước. Tôi cho rằng, kết quả xét chọn lần này sẽ góp phần nâng cao giá trị và uy tín của Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
PV: GS nhận xét gì về các công trình/cụm công trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tham gia xét chọn Giải thưởng?
GS Vũ Minh Giang: Nhìn chung các công trình thuộc lĩnh vực KHXH&NV tham gia xét chọn đều là những tác phẩm có giá trị và là kết quả của một quá trình lao động tâm huyết của các nhà khoa học. Có những công trình có thể coi là sự nghiệp của cả một đời người, như công trình về “Ngữ dụng học” của cố Giáo sư Đỗ Hữu Châu, hay công trình về chữ Nôm của Giáo sư Nguyễn Quang Hồng,..
Ngoài ra, có nhiều công trình đóng góp lớn cho nhận thức về lịch sử, văn hóa, tư tưởng của dân tộc như công trình “ Lịch sử và Văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận” của Giáo sư Phan Huy Lê; công trình “Lịch sử tư tưởng Việt Nam” do Giáo sư Nguyễn Tài Thư chủ trì.
Tuy nhiên, vì số lượng được đề nghị khá nhiều, dẫn tới tình trạng phân tán khi bỏ phiếu. Do đó, tổng số các công trình được Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng Giải thưởng HCM và Giải thưởng thưởng NN về KH&CN chỉ còn 4 công trình.
GS.TSKH Vũ Minh Giang (ngoài cùng bên trái) tham gia giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi trẻ sáng 17/8/2016
PV: Giáo sư có thể cho biết những tiêu chí quan trọng để một công trình/cụm công trình được xét tặng Giải thưởng HCM và Giải thưởng NN về KH&CN?
GS Vũ Minh Giang: Các công trình được đề nghị xét giải thưởng HCM và Giải thưởng NN cần đạt được 3 tiêu chí sau: Đối với giải thưởng HCM: công trình KH&CN phải đặc biệt xuất sắc; có giá trị khoa học đặc biệt, thể hiện diện mạo khoa học của đất nước trong một thời kỳ và cuối cùng là có đóng góp đặc biệt với đất nước, với sự nghiệp cách mạng - có ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Đối với Giải thưởng NN về KH&CN cũng dựa trên ba tiêu chí trên nhưng chỉ cần đạt ở mức độ xuất sắc, có giá trị khoa học cao và đóng góp lớn. Các giá trị này được cụ thể hóa thành các tiêu chí cụ thể.
PV: Giải thưởng HCM và Giải thưởng NN về KH&CN là đỉnh cao của khoa học nước ta. Thế giới có thể nhìn vào đấy để hiểu được trình độ khoa học nước ta trong 5 năm qua. Ông đánh giá gì về ý nghĩa của những công trình đạt giải đối với nền khoa học nước nhà?
GS Vũ Minh Giang: Khi xây dựng Giải thưởng HCM và Giải thưởng NN về KH&CN, chúng ta đã nghĩ tới uy tín quốc tế của những giải thưởng này. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đó cần một quá trình phấn đấu, bởi theo tôi, khoa học Việt Nam so với trình độ quốc tế vẫn còn khoảng cách.
Chính vì vậy, trong xét tuyển lần này, ảnh hưởng, uy tín quốc tế của các công trình được đặc biệt quan tâm. Với những công trình đã được Hội đồng NN đề nghị, tôi tin đều là những công trình đỉnh cao, xứng đáng là diện mạo của khoa học Việt Nam trong thời gian qua.
Tiêu biểu như cụm công trình thuộc lĩnh vực toán học do Giáo sư Ngô Việt Trung đại diện là một ví dụ điển hình. Những kết quả của cụm công trình này đã được công bố trong hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín.
Công trình Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạnh thuộc lĩnh vực y học do Giáo sư Phạm Minh Thông chủ trì ; cụm công trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác do Giáo sư Mai Trọng Khoa chủ trì đều đã đạt tới những công nghệ tân tiến nhất của thế giới hiện nay.
Bên cạnh đó, công trình của Giáo sư Phan Huy Lê - Lịch sử văn hóa Việt Nam – Tiếp cận bộ phận trong lĩnh vực KHXH&NV đã từng được giới khoa học quốc tế viết bài đánh giá cao. Qua đó, có thể khẳng định những công trình được xét chọn xứng đáng là diện mạo của khoa học nước nhà trên trường quốc tế.
Giải thưởng HCM và Giải thưởng NN về KH&CN được tổ chức xét tặng 5 năm 1 lần nhưng điều kiện về thời gian công bố công trình cách thời điểm xét ít nhất là 36 tháng, do đó các công trình được xét chọn có thể được coi là diện mạo khoa học Việt Nam trong nhiều năm chứ không chỉ giới hạn trong 5 năm.
Hoàng Phiêu (ghi)