Sở hữu trí tuệ Thứ bảy, 20/04/2024 , 12:58 pm
Cập nhật : 19/11/2021 , 12:11(GMT +7)
Cấp bằng độc quyền sáng chế cho 2 sản phẩm đề tài cấp Nhà nước
Cấp bằng độc quyền sáng chế cho sản phẩm đề tài cấp Nhà nước
Mới đây, sản phẩm đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc" đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp hai bằng độc quyền sáng chế mới.

Được biết, 2 sáng chế độc quyền được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp cho Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) là “Hỗn hợp chứa cao chiết của các cây trứng quốc và dứa dại, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa hỗn hợp này có tác dụng bảo vệ gan và lợi mật” và “Phương pháp chiết tách hợp chất Capparilosit A từ cây trứng quốc”.

Chủ nhân của 2 bằng độc quyền sáng chế trên là GS.TS Phạm Hùng Việt và nhóm nghiên cứu –gồm các cán bộ của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Khoa Y Dược (ĐHQGHN), Trường ĐH Dược Hà Nội, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Việc có thêm 02 bằng độc quyền sáng chế vừa được cấp đã nâng tổng số bằng sở hữu trí tuệ từ đề tài lên 03 bằng độc quyền sáng chế và 01 bằng giải pháp hữu ích. Như vậy, cho đến nay, từ các kết quả nghiên cứu, đề tài "Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc" đã được cấp 03 bằng độc quyền sáng chế, 01 bằng giải pháp hữu ích, 09 bài báo khoa học trong nước và 04 bài báo khoa học quốc tế.

Có thể nói, giữa những đề tài nghiên cứu về các loại cây trồng, cây dược liệu của Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, “Nghiên cứu đánh giá và phát triển một số bài thuốc dân gian có tác dụng điều trị bệnh gan, mật của các dân tộc vùng Tây Bắc” có một vị thế đặc biệt. Đây là đề tài duy nhất mà các nhà nghiên cứu đi từ việc sưu tầm, tuyển chọn các bài thuốc dân gian do các ông lang, bà lang ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc áp dụng từ thế hệ này sang thế hệ khác và soi tỏ dưới lăng kính khoa học để tìm ra cách tách chiết những dược chất quý giá, đưa nó thành những sản phẩm dưới dạng bào chế hiện đại và tiện lợi trong sử dụng.

Chia sẻ về đề tài, GS.TS Phạm Hùng Việt cho biết: “Chúng tôi nghĩ đến pha tiếp theo của đề tài để mình có thể nghiên cứu sâu hơn về các cây thuốc dân gian trong những bài thuốc đã được chắt lọc. Trong cuộc đời làm khoa học, tôi đã thực hiện nhiều bài toán trong những lĩnh vực khác nhau, từ các hợp chất POPs (hợp chất hữu cơ khó phân hủy), chất chống cháy PBDE… trong thuốc trừ sâu, rác thải điện tử… đến ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường đất, nước nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghiên cứu về các bài thuốc”.

Hứng thú với đề tài này như vậy nhưng ông và cộng sự lại đến với những bài thuốc lợi gan lợi mật một cách tình cờ. “Ban chủ nhiệm chương trình Tây Bắc gợi ý với chúng tôi về một đề xuất rất hay của Lạng Sơn là phát triển các bài thuốc lợi gan lợi mật sẵn có ở địa phương nhưng chưa có nhà nghiên cứu nào nhận cả. Nguyên nhân là việc nghiên cứu về một số bài thuốc thì rất phức tạp so với nghiên cứu về một loại cây nhất định”, ông giải thích. Với tâm thế của người sẵn sàng đón nhận thử thách mới “miễn là nó không quá xa với phạm vi chuyên môn của mình”, giáo sư chuyên ngành hóa phân tích Phạm Hùng Việt đồng ý ngay tắp lự vì trong đầu ông đã hình dung ra “công việc mới rất phụ thuộc vào công cụ phân tích, những việc liên quan đến phổ, cấu trúc, thành phần mà tôi tương đối có kinh nghiệm”.

Do nhận biết được độ phức tạp của đề tài, ông cho rằng một mình nhóm nghiên cứu ở Trung tâm ông phụ trách không thể giải quyết được vấn đề: “Tôi nghĩ ngay nếu làm thì phải có sự hợp tác của các nhà nghiên cứu liên quan đến phân loại thực vật, hóa học hợp chất thiên nhiên, độc chất cấp bán trình diễn, tác dụng dược lý, kiểm nghiệm dược chất trên động vật…”. Đó là điểm khởi đầu của việc hình thành một nhóm liên ngành, gồm các nhà nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu và phát triển môi trường bền vững, Khoa Y dược ĐHQGHN (nay là trường Y dược ĐHQGHN), Viện Hóa (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), trường Đại học Dược HN.

PGS.TS. Dương Hồng Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (Trường ĐHKHTN), thư ký đề tài cho biết: “Là một quốc gia có mức độ đa dạng sinh học và văn hóa cao, Việt Nam có khoảng 5.000 loài cây thuốc với hàng trăm ngàn bài thuốc đang được sử dụng trong dân gian để chữa bệnh. Ở vùng Tây Bắc Việt Nam thuộc Chương trình Tây Bắc, ngoài người Kinh (Việt), còn có 30 dân tộc thiểu số cùng sinh sống với dân số khoảng 9 triệu người. Theo các tài liệu hiện nay, mới có 9 dân tộc bao gồm Dao, Giáy, Hoa, Mông, Mường, Sán chay, Sán dìu, Tày, Thái được nghiên cứu về sử dụng cây cỏ làm thuốc, đây là các dân tộc có dân số lớn hơn 10.000 người. Với điều kiện tự nhiên và sự đa dạng về dân tộc có thể nói Tây Bắc là khu vực giàu tiềm năng về kho tàng thuốc dân gian để sàng lọc, nghiên cứu, từ đó phát triển thành các loại thuốc chữa bệnh nói chung và chữa bệnh về gan mật nói riêng”.

Các bài thuốc dân gian đã được sử dụng qua thời gian dài, với hiệu quả điều trị cho nhiều bệnh nhân, đây chính là ưu điểm khởi đầu. Tuy nhiên các bài thuốc dân gian chưa được đảm bảo định lượng chính xác và về mặt khoa học chưa được thử nghiệm để chứng minh tác dụng. Việc nghiên cứu các bài thuốc dân gian điều trị bệnh gan mật của khu vực Tây Bắc, trước hết có mục tiêu bảo tồn tri thức văn hóa bản địa, sau đó là dùng khoa học minh chứng cho tri thức đó. Xa hơn nữa, việc nghiên cứu nhằm tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả các bài thuốc dân gian, phát triển các vùng dược liệu, chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao để phát triển sinh kế cho cộng đồng, từ đó góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội cho vùng Tây Bắc.

Nguồn tin: Tạp chí SHTT và Sáng tạo

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner