Tự động hóa là một trong những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bao trùm nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nhằm tạo ra sản phẩm ứng dụng trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng, an ninh… Thế nhưng, việc phát triển lĩnh vực này ở nước ta đang gặp không ít khó khăn, thách thức, cần phải được quan tâm, ưu tiên.
Việt Nam chưa có ngành công nghiệp tự động hóa
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Mạnh, Viện Cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), công nghệ robot là một lĩnh vực công nghệ cao, phức tạp, liên quan đến đa lĩnh vực và liên ngành, bao gồm cơ khí - điện tử, điều khiển tự động, công nghệ cảm biến, công nghệ máy tính, vật liệu mới, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo...
Trong những năm gần đây, đã có không ít doanh nghiệp ở nước ta đầu tư vào công nghệ tự động hóa, gia tăng sử dụng robot. Tiến sĩ Trịnh Thu Nga, Phó Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện có tới 94% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ mới và tự động hóa để phục vụ cho mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, trước tình hình dịch Covid-19, việc doanh nghiệp đầu tư máy móc công nghệ hiện đại, giảm nhân công truyền thống, thủ công cũng là điều tất yếu để bảo vệ hệ thống sản xuất.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, lĩnh vực tự động hóa ở Việt Nam đang ở trình độ thấp và mức độ rất hạn chế, các thiết bị tự động, dây chuyền sản xuất tự động và robot hầu hết đều nhập khẩu. Việt Nam chưa có ngành công nghiệp tự động hóa nói chung và robot nói riêng.
Tiến sĩ Nguyễn Quân cũng cho rằng, nghiên cứu và ứng dụng robot ở Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu chuyên sâu về robot còn yếu và thiếu; robot được chế tạo rất ít và hầu hết sử dụng công nghệ cũ của thế giới, chưa có đủ khả năng làm chủ công nghệ cũng như phát triển công nghệ phù hợp...
Về phía các doanh nghiệp, do trình độ công nghệ còn thấp, nên nhu cầu tự động hóa các dây chuyền sản xuất không bức bách. Một số doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ buộc phải đầu tư cho tự động hóa, thì nhập khẩu thiết bị và công nghệ nước ngoài, đáp ứng ngay nhu cầu trước mắt, không quan tâm đầu tư cho nghiên cứu hoặc ứng dụng sản phẩm trong nước.
"Doanh nghiệp khi đầu tư cho tự động hóa phải phụ thuộc công nghệ của đối tác nước ngoài và khi muốn thay thế, nâng cấp thì rất bị động", Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại Nguyễn Văn Thủy cho hay.
Cần chính sách hỗ trợ phù hợp
Để có thể hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa, lĩnh vực tự động hóa Việt Nam cần có một cộng đồng rộng lớn các chuyên gia tâm huyết, có môi trường học tập, nghiên cứu tốt và một chính sách hỗ trợ phù hợp.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, trước tiên phải thay đổi tư duy tăng trưởng bằng khoa học, công nghệ, chứ không phải bằng khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ. Muốn vậy, cơ quan quản lý phải tìm ra giải pháp hợp lý giữa năng suất lao động và tỷ lệ thất nghiệp, phải huy động nguồn lực xã hội cho đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao. Ngoài ra, cần tính đến việc xây dựng chiến lược và hành động cụ thể cho robot công nghiệp; triển khai việc đánh giá toàn diện về vai trò của công nghiệp robot đối với sự phát triển dài hạn.
Hiện tại, nghiên cứu phát triển robot đã và đang được triển khai ở hầu hết các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước, như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Cơ học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Học viện Kỹ thuật quân sự... Các nhà khoa học trong nước đã quan tâm và tập trung giải quyết một số vấn đề liên quan tới hệ thống robot như: Thiết kế tối ưu, động học, động lực học, điều khiển, thiết kế phần cứng, lập trình phần mềm... Những nghiên cứu này phần lớn liên quan tới vấn đề học thuật, tạo cơ sở khoa học, làm nền tảng ban đầu cho giai đoạn phát triển robot tiếp theo.
Vươn lên làm chủ công nghệ, không lệ thuộc vào nước ngoài là quá trình khó khăn, không chỉ đòi hỏi chính sách đồng bộ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, mà còn cần các doanh nghiệp phải thực sự dũng cảm để hỗ trợ sản phẩm trong nước. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại Nguyễn Văn Thủy cho rằng, nếu doanh nghiệp sợ mất an toàn, vẫn đấu thầu mua sắm thiết bị của nước ngoài, thì cơ hội để nội địa hóa sản phẩm sẽ mãi xa vời.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện Bộ đang chủ trì Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025 về “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cơ khí và tự động hóa”. Một trong những mục tiêu của chương trình là nghiên cứu, làm chủ công nghệ lõi trong thiết kế, chế tạo, tích hợp các hệ thống tự động hóa thế hệ mới cho các ngành kinh tế trọng điểm.
Nguồn:hanoimoi.com.vn