Đây chính là thời điểm mà yếu tố về năng lực sáng tạo phải thể hiện được vai trò tích cực và quan trọng với phát triển kinh tế- xã hội, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, qua đó nhanh chóng đưa Việt Nam là một quốc gia phát triển dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay vì dựa vào vốn, tài nguyên, lao động như hiện tại.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh cho biết như trên tại hội thảo “Hướng tới nền kinh tế dựa vào Đổi mới sáng tạo: Lý thuyết và Kinh nghiệm quốc tế”.
Hội thảo do Ban Quản lý Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức từ ngày 14/3/2018 đến 15/3/2018 tại Hà Nội.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Thắng cùng đại diện một số cơ quan có liên quan đến hoạt động KH&CN từ các Bộ, Ngành và đại diện một số cơ quan có liên quan của Bộ KH&CN.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại thời cơ cũng như thách thức thực mà chúng ta cần vượt qua. Để làm được điều này cần có sự tham gia của các cơ quan quản lý và các tổ chức xã hội, từ khu vực công tới khu vực tư nhân, từ các đối tác trong nước và các đối tác nước ngoài… cần tới sự thay đổi cách thức quản lý, thay đổi cách thức phối hợp và tổ chức thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ví dụ như, quản lý phải dựa trên số liệu thống kê, dựa trên kết quả theo dõi và đánh giá, hội nhập quốc tế, tuân theo các thước đo thông lệ chung của quốc tế - đây cũng chính là đổi mới sáng tạo trong quản lý nhà nước.
Trong bài tham luận của GS.Stefan Kulmann đến từ trường Đại học Twente, Hà Lan với nhan đề “Quản trị đổi mới sáng tạo cho các nền kinh tế mới nổi hướng tới những mô hình ưu việt” đã đặt ra câu hỏi: tại sao các hoạt động tri thức, khoa học, công nghệ và đổi mới không góp phần đáng kể vào tốc độ mong muốn ở nhiều nước mới nổi? GS.Stefan Kulmann đã nhấn mạnh đến vai trò của Quản trị đổi mới sáng tạo. Ông cho rằng nhân tố lớn nhất để phân biệt sự thịnh vượng giữa các quốc gia là chất lượng quản trị. GS.Stefan Kulmann đưa ra hình ảnh “sàn nhảy” để ví von “Quản trị giống như một sàn nhảy” mà ở đó nhấn mạnh đến vai trò của chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, vai trò của Chính phủ, nhận thức về những thách thức của chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các tiêu chí phân loại kết quả hoạt động…
Tham gia tham luận “Thái Lan 4.0: Tiến đến một quốc gia dựa vào đổi mới sáng tạo”, ông Parinand Varnasavang, Văn phòng Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Thái Lan cho biết, Chiến lược nghiên cứu và đổi mới quốc gia của Thái Lan lấy tăng cường nghiên cứu và cơ sở hạ tầng liên quan đến đổi mới nguồn nhân lực và các cấu trúc hệ thống làm trung tâm với 3 hướng phát triển: Nghiên cứu và đổi mới hướng đến thịnh vượng kinh tế; Nghiên cứu và đổi mới hướng đến phát triển xã hội và môi trường; Nghiên cứu và đổi mới hướng làm giàu bể tri thức cối lõi của Thái Lan. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng chia các gói Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cho khởi nghiêp và phát triển công nghiệp tương lai hư: Những dịch vụ tư vấn, nghiên cứu, phát triển và đổi mới; Hỗ trợ tài chính và khuyến khích thuế; Hỗ trợ nhân lực và liên kết với các trường đại học; Dịch vụ và cơ sở hạ tầng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp start-up.
Toàn cảnh hội thảo
Bên cạnh đó, hội thảo cũng được nghe các tham luận của các diễn giả đến từ Hà Lan, Thái Lan, Đài Loan, Đức với những nội dung thiết thực như: Hệ thống tri thức, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hiệu quả; Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đài Loan; Các hệ thống đối mới sáng tạo – Một mô hình để phát triển Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam…
Tại hội thảo, phía Việt Nam cũng trình bày về Hệ thống Đổi mới sáng tạo của Việt Nam từ đó trao đổi, thảo luận về các vấn đề về quản trị Đổi mới sáng tạo, phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trên cơ sở những kinh nghiệm thực tế tại các quốc gia đã và đang thu được những thành công.
Đây là cơ hội quý báu để Việt Nam có thể học hỏi được nhiều bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế, trao đổi được nhiều thông tin bổ ích về đổi mới sáng tạo, về hệ thống đổi mới sáng tạo, về nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo… qua đó có được những gợi suy cho Việt Nam trong thời gian tới đây.
Tin, ảnh: PV