“Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ cho nông nghiệp và nông thôn, ưu tiên tập trung đầu tư vào những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của từng vùng.”
Đó là khẳng định của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ trong phiên giải trình trước Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về chủ đề “Khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới” tổ chức sáng 8/4.
Dự phiên giải trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, một số đại biểu Quốc hội và lãnh đạo một số Bộ, Ngành Trung ương. Phiên giải trình được phát thanh và truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi.
Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ: Trong thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai rộng khắp và thu được nhiều kết quả. Trong trồng trọt, đã tạo được nhiều giống cây mới cho năng suất cao, chất lượng; trong chăn nuôi đã áp dụng thành công chăn nuôi bò sữa, gà ri và nhiều loại vaccine phòng dịch. Nhiều nguồn gen quý hiếm được khai thác phát triển. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những nhiều hạn chế, bất cập trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khiến sản phẩm nông nghiệp sức cạnh tranh thấp, khó tiêu thụ, nhiều loại vật tư nông nghiệp giả làm nông dân gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Trần Xuân Hùng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam băn khoăn vì hiện tại, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, giống cây, thức ăn chăn nuôi giả, kém chất lượng làm giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng tới đời sống của người dân, Vậy ai là người chịu trách nhiệm với những thiệt hại của người dân và giải pháp tháo gỡ vấn đề này như thế nào?
Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu tại phiên giải trình
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời, để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó đứng đầu là Bộ trưởng. Thời gian qua, Bộ rất chú ý vấn đề này. Đây là yêu cầu, mệnh lệnh của nhân dân đối với ngành nông nghiệp. Quốc hội nhiều lần nêu về vấn đề này và đã có Nghị quyết. Vì thế, chúng tôi xác định việc tăng cường quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng vật tư nông nghiệp cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số một của ngành.
Các đại biểu cũng nêu lên thực tế về tình trạng đầu tư khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn còn dàn trải, nên chưa phát huy hiệu quả cao. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã gửi 4 câu hỏi tới hai vị Bộ trưởng, trong đó có câu hỏi, để phát triển ngành nông nghiệp chất lượng, có sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế, trong tái cơ cấu cây trồng cần có giải pháp nào, nhất là với cây lúa, ngô, đỗ tương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ Nguyễn Quân đều thừa nhận là đang tồn tại những bất cập này và hứa sẽ sớm khắc phục. Cụ thể, trong thời gian tới, hai Bộ sẽ phối hợp đầu tư vào những giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, thế mạnh của các vùng, trong đó ưu tiên đầu tư khoa học công nghệ cho vùng núi, vùng sâu để nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: “Chúng ta phải điều chỉnh lại cơ cấu tổ chức sản xuất, tập trung vào những cây, con là thế mạnh của Việt Nam, của từng vùng. Có phát huy những lợi thế đó chúng ta mới có cơ hộ để cạnh tranh trên trường quốc tế. Đó là bài học suốt hơn 20 năm qua chúng ta đã rút ra. Bên cạnh đó, để thực hiện chủ chương đó chúng ta tiếp tục điều chỉnh cơ chế, chính sách, khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, không chạy theo số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, xây dựng thương hiệu”.
Trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm, tránh tình trạng “ được mùa, rớt giá” như hiện nay khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tham dự phiên giải trình nêu rõ: “Bộ Công thương có chương trình quy hoạch các thương nhân cho thu mua nông sản, lúa gạo, tiêu thụ vật tư nông nghiệp và nông sản. Chương trình cũng đã được phê duyệt và được thí điểm tại 12 tỉnh, cho kết quả tốt. Có sự liên kết giữa các chủ thể. Các địa phương cũng tham gia tích cực vào chuỗi sản phẩm”.
Các đại biểu cũng đề nghị, hai Bộ trưởng làm rõ việc sử dụng ngân sách nhà nước cho các đề tài nghiên cứu khoa học. Các đề tài này đóng góp cho GDP, bao nhiêu đề tài đạt chất lượng và được đưa vào ứng dụng thực tiễn, việc đầu tư nghiên cứu khoa học sẽ được tập trung như thế nào, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nêu rõ: “Để tránh tình trạng các nhà khoa học đề xuất vấn đề, nghiên cứu xong không có địa chỉ ứng dụng và không hiệu quả. Với cơ chế mới của Luật Khoa học công nghệ, trong thời gian tới, chúng tôi hy vọng những sản phẩm nghiên cứu sẽ tập trung vào sản phẩm chủ lực của nền kinh tế và theo nhu cầu của nền kinh tế, theo đề xuất của các bộ, ngành địa phương, không đề xuất nếu không có đầu ra và không có địa chỉ ứng dụng, hay không phát huy hiệu quả”.
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm như việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường làng nghề; Đầu tư công nghệ cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn đáp ứng yêu cầu hội nhập phát triển. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, sẽ ưu tiên đầu tư đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, nhất là vùng núi. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các trung tâm nghiên cứu chuyên ngành, cùng với đó là tăng cường kiểm soát chặt chẽ đối với tình trạng thuốc trừ sâu, phân bón, thức ăn chăn nuôi giả.
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong thời gian tới, các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ cần có các giải pháp đột phá cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tổ chức khuyến nông hiệu quả gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Về những định hướng và các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường nghiên cứu thị trường, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.