Đó là ý kiến của PGS.TS Lê Tất Khương – GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Vùng (Trung tâm) tại buổi “Tọa đàm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong xây dựng nông thôn mới – Kinh nghiệm của Thái Lan và Trung Quốc” do Trung tâm tổ chức vừa diễn ra sáng 18/12, tại Hà Nội.
Theo PGS.TS Lê Tất Khương, hiện nay Việt Nam chưa quy hoạch được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung để đầu tư thâm canh theo chiều sâu. Vì vậy, mặc dù có lợi thế một nền nông nghiệp nhiệt đới, sản phẩm phong phú đa dạng nhưng khối lượng của từng chủng loại còn ít, chất lượng sản phẩm chưa cao, yếu về sức cạnh tranh.
Một trong những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này là do chất lượng lao động ở khu vực nông thôn Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Các đại biểu dự tọa đàm cho rằng, để giải quyết vấn đề trên cần đẩy mạnh nghiên cứu, chọn giống cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu ứng dụng quy trình công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học trong khâu chế biến, chọn tạo giống có chất lượng cao, sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu sinh học phục vụ sản xuất hàng hóa nông sản.
Ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn
Bên cạnh đó cũng cần quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo vùng sinh thái như vùng sản xuất lúa gạo, vùng cây công nghiệp lâu năm, vùng rau, hoa, cây ăn quả,… Chú ý nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật cũng như nông dân để đủ điều kiện tiếp nhận KH&CN vào sản xuất.
Tin, ảnh: Phương Hoàn