Theo chương trình "Phát triển công nghiệp vi mạch thành phố" đến năm 2017, TP.HCM sẽ có nhà máy sản xuất chip (vi xử lý) điện tử "made in Việt Nam" đầu tiên và đạt doanh thu 120-150 triệu USD.
Khi đó TP cần đến 2.000-3.000 kỹ sư lành nghề để vận hành nhà máy, thế nhưng khả năng hiện nay mới chỉ đào tạo được khoảng 100 người mỗi năm.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - phó giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA), Việt Nam hiện có 13 viện, trường, trung tâm đào tạo về vi mạch từ Bắc đến Nam, mỗi năm đào tạo được khoảng 7.000 kỹ sư, có thể đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn trong tương lai.
Không dễ đào tạo
Tuy nhiên khi đi sâu vào yêu cầu cụ thể, ông Ngô Đức Hoàng, tổng thư ký HSIA, cho rằng: "Mặc dù chúng ta có đến 7.000 kỹ sư tốt nghiệp trong lĩnh vực điện tử nhưng đó mới chỉ là ngành chung chứ chưa đi sâu vào chuyên ngành vi mạch. Những sinh viên này cần được lựa chọn và đào tạo thêm ít nhất một năm mới có thể tham gia ngành vi mạch".
Hợp tác quốc tế đào tạo kỹ sư vi mạch
HSIA vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Công nghệ thiết bị và vật liệu bán dẫn quốc tế (SEMI) về việc trao đổi học thuật và kinh nghiệm giữa các bên nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của TP.HCM, tiến tới hòa nhập ngành công nghiệp vi mạch thế giới.
Cụ thể, phía SEMI thông qua HSIA sẽ hỗ trợ một số khóa học, đào tạo chuyên đề ngắn hạn về lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn nhằm nâng cao trình độ của các đơn vị đào tạo phía Việt Nam (như các trung tâm, trường đại học, viện) của phía Việt Nam.
Theo ông Hoàng, nhân lực kỹ sư vi mạch hiện nay cần nhất cho hai mảng là thiết kế và chế tác (processing). Trong đó mảng đào tạo kỹ sư thiết kế đang được thực hiện khá tốt nhờ các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền TP.HCM như cơ sở vật chất, nhà thiết kế chung "Design House" với các gói phần mềm thiết kế vi mạch tiên tiến được chia sẻ giữa các trung tâm, trường, viện và doanh nghiệp trong cả nước.
Tuy nhiên, mảng đào tạo kỹ sư chế tác lại gặp rất nhiều khó khăn do sự thiếu thốn về cơ sở hạ tầng. Ông Hoàng cho biết: "Nói về hạ tầng hiện mới chỉ có một phòng sạch (cleaning-room) tại Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), thế nhưng máy móc ở đây chỉ ở dạng đơn giản nhất chứ chưa đủ khả năng để làm IC (vi mạch tích hợp). Chẳng hạn một con IC cần phải có lượng "mặt nạ" (layer) lên đến con số 50, trong khi máy móc của chúng ta mới chỉ làm được một".
Ông Nguyễn Thanh Sang, giảng viên Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), chia sẻ: "Hiện nay nhiều sinh viên cảm thấy học thiết kế vi mạch rất chán vì họ toàn phải tưởng tượng từ lý thuyết chứ không được thực hành. Nhiều sinh viên theo học rất muốn tham gia làm các dự án thực tiễn nhưng không thể được vì không có thiết bị máy móc".
Không những thiếu thốn về hạ tầng, việc thuyết phục sinh viên đủ đam mê theo học ngành vi mạch cũng không hề đơn giản. Ông Sang kể lại kinh nghiệm: "Thực tế qua quá trình đào tạo, chúng tôi nhận ra sinh viên nhìn thấy ngành vi mạch mơ hồ quá, chính vì vậy họ không đủ thông tin và cảm hứng say mê để chọn theo học. Trường đã tiến hành giải pháp dùng giáo viên giảng dạy truyền cảm hứng để nhiều sinh viên lựa chọn học thiết kế vi mạch. Nhưng đến đấy lại phát sinh nhu cầu phải đào tạo cho cả giáo viên".
Vừa đào tạo vừa hi vọng
Ngoài chương trình đào tạo dài hạn của các trường, viện, hiện nay Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐHQG TP.HCM đang bắt đầu tiến hành chương trình "Kỹ sư + 1" - đào tạo những sinh viên đã tốt nghiệp có đủ khả năng học thêm một năm về vi mạch nhằm phục vụ nhu cầu nhân lực tức thời trước mắt, cũng như đào tạo sẵn đội ngũ lành nghề cho nhà máy chip điện tử sắp hình thành. Việc đào tạo được tiến hành bằng cách cho sinh viên đã được lựa chọn đến thực tập trước tại SHTP, sau đó gửi ra nước ngoài thực tập ở nơi có đầy đủ điều kiện, thiết bị và máy móc trong thời gian ba, bốn tháng.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Singapore, ông Ng Kai Fai, đại diện Hội Công nghệ thiết bị và vật liệu bán dẫn quốc tế (SEMI), cho biết: "Ở Singapore, họ tìm mọi cách liên hệ với các công ty lớn của quốc tế đang đầu tư hoạt động trong nước như Intel, Micron... để gửi sinh viên đến thực tập và có trả lương nhằm đào tạo các kỹ sư tài năng phục vụ chương trình phát triển vi mạch của họ. Tuy nhiên việc này phải diễn ra khoảng sáu năm trước khi xây dựng nhà máy sản xuất trong nước".
TS Nguyễn Bá Tuân, chuyên gia cấp cao Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) - đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vi xử lý (chip) đầu tiên của Việt Nam, cũng cho rằng "nếu theo cách của Singapore, chúng ta có thể đưa các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy cho nhiều người trong nước. Một lớp đào tạo có thể 50, 60 người. Như vậy sẽ có nhiều người Việt Nam được đào tạo hơn là việc chỉ cử một, hai người ra nước ngoài học, vừa tốn kém vừa chậm phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao"...
Theo ông Ngô Đức Hoàng, mỗi năm chương trình của ICDREC đào tạo được khoảng 30 kỹ sư lành nghề. Nếu kết hợp với chương trình đào tạo của các bộ Giáo dục - đào tạo, Khoa học - công nghệ, mỗi năm chúng ta có thể đào tạo được gần 100 kỹ sư vi mạch lành nghề. Con số này, theo ông, vẫn chưa đủ so với nhu cầu thực tế vài năm tới. Như vậy chúng ta vừa đào tạo vừa phải hi vọng vào nhân lực từ các đơn vị khác trong nước, các chuyên gia, sinh viên từ nước ngoài về nước tham gia xây dựng và phát triển ngành công nghiệp vi mạch TP.HCM.