Nhiều trí thức Việt kiều cho biết sẵn sàng chấp nhận lương thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn khi về Việt Nam làm việc. Điều họ cần là sự trân trọng, cầu thị, tư duy cởi mở, từ đó tạo thành môi trường sống và làm việc tốt.
Những năm qua, sự đóng góp về chất xám của kiều bào góp phần rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 lượt kiều bào trở về (phần lớn là tri thức), muốn cống hiến chất xám cho đất nước nhưng chưa thể. Vì sao?
Loay hoay
Một thống kê gần đây cho thấy, trên địa bàn TP hiện có hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào ở nhiều quốc gia về làm việc; hơn 200 trí thức kiều bào hợp tác trực tiếp với các trường đại học, cao đẳng, khu công nghệ cao (CNC), các bệnh viện. Dù vậy, trong số này, lượng chuyên gia khoa học chiếm tỷ lệ khá nhỏ và đa phần thuộc diện đã hoặc sắp nghỉ hưu tại nước ngoài. Tuy vậy, sau một thời gian trở về làm việc, có không ít chuyên gia không trụ được lâu dài do gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, có thời điểm, Khu CNC TPHCM tiếp nhận gần 30 chuyên gia Việt kiều đầu ngành tại Mỹ, Úc, Canada, Nhật… nhưng đến nay chỉ còn vài người tiếp tục cộng tác. Một số khác do không tìm được một vị trí đúng chuyên môn đã phân tán đến các trường đại học, viện nghiên cứu làm công tác giảng dạy.
Việc mất đi lực lượng chuyên gia cũng diễn ra từng ngày tại các trung tâm nghiên cứu, khu công nghệ tập trung của TP. Đơn cử như Trung tâm Công nghệ sinh học (CNSH) TPHCM, trong năm 2012 đã mất 22 cán bộ nghiên cứu. Còn tại Khu Nông nghiệp CNC TP, những năm gần đây cũng mất 3 tiến sĩ, 7 thạc sĩ và 22 cử nhân. Về việc này, TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm CNSH TP, lý giải: “Có nhiều nguyên nhân để cán bộ nghiên cứu bỏ đi, trong đó chủ yếu do mức lương chưa thỏa đáng, nhà ở không có, cơ sở vật chất còn yếu…”.
Sức hút yếu, chất xám sẽ chảy máu, chuyên gia làm việc bị thâm hụt là điều tất yếu. Như Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (thuộc Khu CNC TPHCM) được đầu tư máy móc, trang thiết bị hơn chục triệu USD, có hệ thống máy móc hiện đại, nhưng nhiều năm qua, các loại máy kỹ thuật cao này phải “đắp chiếu” vì thiếu chuyên gia vận hành.
Đãi ngộ không chỉ bằng đồng lương
Một trong những điều kiện ban đầu để thu hút trí thức kiều bào về nước phục vụ chính là chính sách an cư. Các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã thực hiện tốt các chính sách này. Cụ thể trước khi thu hút mời gọi kiều bào về nước làm việc, phục vụ nghiên cứu, họ đã đầu tư xây dựng những khu chung cư, khu dân cư tiện ích cho các chuyên gia ổn định chỗ ở. Tiếp theo đó, trả lương tương xứng với sự đóng góp của các nhà khoa học. Việt Nam chưa làm tốt, thậm chí có nơi chưa thực hiện được điều kiện này.
Khu CNC TPHCM là một ví dụ. Dự án nhà ở chuyên gia có quy mô 60ha, sau nhiều năm thiết lập, xây dựng dự án, đến nay vẫn chưa triển khai thi công. Chưa hết, chính sách hỗ trợ mua nhà giá rẻ cho đối tượng kể trên cũng không được hướng dẫn một cách cụ thể. GS-TS Hoàng Ngọc Phiên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu công nghiệp Amata (Đồng Nai), cho rằng, chúng ta xác định thu hút chuyên gia thì họ phải giỏi. Nghĩa là khi ở nước ngoài họ đã có những thành công nhất định, bao gồm cả công danh và tài chính. Vậy cái cần là một môi trường sống thật tốt. Bởi đặc thù công việc nghiên cứu khoa học không thể giống như nhân viên văn phòng theo giờ hành chính. Nhiều khi phải ở phòng nghiên cứu làm việc đến khuya… Yêu cầu chỗ làm việc, nơi ở, các dịch vụ phải đầy đủ và gần nhau.
GS Nguyễn Đăng Hưng (Việt kiều Bỉ) thẳng thắn bày tỏ, trí thức Việt kiều sẵn sàng chấp nhận lương thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn. Vấn đề là họ cần sự tôn trọng, lòng tin và sự đánh giá nghiêm túc của nhà chức trách về vai trò của mình trong sự phát triển của đất nước. Sự trân trọng cầu thị, tư duy cởi mở dân chủ mới có thể tạo ra một môi trường hấp dẫn cho họ. “Và nếu không sớm tháo gỡ những tồn tại này bằng các chính sách đặc thù, riêng biệt, hẳn không bao giờ thu hút được chuyên gia, trí thức kiều bào trở về góp sức phát triển khoa học - công nghệ nước nhà” - TS Phan Bách Thắng, Phó Trưởng khoa Khoa học Vật liệu, Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, băn khoăn.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), trong số gần 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức có trình độ từ đại học trở lên. Hầu hết các lĩnh vực mũi nhọn, dự án công nghệ cao như: điện tử, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học, hàng không, vũ trụ, hải dương đều có sự tham gia của chuyên gia người Việt.