Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Năng lượng nguyên tử Thứ tư, 22/01/2025 , 01:51 pm
Cập nhật : 13/09/2024 , 10:09(GMT +7)
Cần Thơ: Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp thành phố năm 2024
Robot hỗ trợ chữa cháy tại khu vực xảy ra cháy.
Ngày 12/9/2024, tại Công viên Lưu Hữu Phước (phường An Phú, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ), Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Phòng Hóa học - Bộ Tham mưu Quân khu 9, Công an thành phố, Bệnh viện Ung bướu thành phố và các Sở, ngành có liên quan tổ chức Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp thành phố Cần Thơ năm 2024.

Đây là hoạt động nhằm triển khai Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 21/5/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về việc tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp thành phố năm 2024, nhằm chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố mất an toàn bức xạ xảy ra.

Kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ cho lực lượng ứng phó của bệnh viện.

Kịch bản diễn tập được lựa chọn trên cơ sở tình huống giả định “Sự cố bức xạ tại Phòng Hotlab, Khoa Y học hạt nhân của Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ (có lưu giữ thuốc phóng xạ I-131 và Tc-99m) cháy không rõ nguyên nhân”. Nội dung diễn tập tập trung vào thực hành các kỹ năng phân vùng khu vực an toàn và an ninh, kiểm soát nguy hiểm phóng xạ và nhiễm bẩn phóng xạ, phân vùng khu vực nhiễm bẩn phóng xạ, xử lý nhiễm bẩn nguồn phóng xạ ngoài hiện trường cũng như tiếp cận và sử dụng hiệu quả các thiết bị chuyên dụng trong công tác ứng phó.

Nhân viên y tế hỗ trợ đưa người bị thương và bệnh nhân ra khu vực an toàn.

Phát biểu khai mạc diễn tập, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, trong những năm gần đây, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử, kỹ thuật hạt nhân đã có những bước tiến vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị, nhất là điều trị bệnh ung thư; cũng như việc sử dụng các thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ trong các lĩnh vực đã phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho xã hội.

“Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích và hiệu quả của ứng dụng năng lượng hạt nhân mang lại, thì chúng ta cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức liên quan đến an toàn bức xạ, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường. Việc đảm bảo an toàn bức xạ và hạt nhân là một nhiệm vụ vô cùng cần thiết và quan trọng. Các sự cố bức xạ và hạt nhân có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu, đòi hỏi các ngành các cấp đặc biệt là ngành khoa học phải luôn sẵn sàng và có kế hoạch ứng phó hiệu quả”, ông Nguyễn Ngọc Hè cho hay.

Bộ Chỉ huy quân sự thực hiện thu hồi nguồn phóng xạ và tiến hành tẩy xạ.

Trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có hơn 100 cơ sở bức xạ, bao gồm 80 cơ sở X-quang y tế và 20 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ. Trong lĩnh vực y tế, bình quân mỗi năm thực hiện hàng vạn lượt chụp X-quang phục vụ cho chẩn đoán và điều trị bệnh.

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, Diễn tập là hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kinh nghiệm cho các cơ quan ban ngành, các cơ sở tiến hành công việc bức xạ và người dân về các tình huống sự cố bức xạ có thể xảy ra để sẵn sàng ứng phó và chủ động phòng ngừa sự cố, đồng thời chủ động yêu cầu trợ giúp khi cần thiết trong quá trình hoạt động ứng dụng bức xạ và hạt nhân.

PGS.TS. Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân phát biểu tại buổi Diễn tập.

Tin, ảnh: Lê Chi


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner