Tiềm lực KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 10:35 am
Cập nhật : 23/05/2017 , 12:05(GMT +7)
Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam
Các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học phân tích và quản lý dữ liệu
Thế giới đang bước vào một giai đoạn phát triển như vũ bão và mang tính đột phá. Trong khi phần lớn các thành phần của nền kinh tế quốc dân còn đang ở vị trí của cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (CMCN1), CMCN2, thì Việt Nam đã có một số ngành cố gắng bắt kịp CMCN3 và đã có một vài yếu tố của CMCN4. Mỗi ngành nghề đều có đặc thù trong sự phát triển đất nước nói chung và trong CMCN4 nói riêng.

PGS.TS. Tạ Cao Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Sáng tạo công nghệ (CTI), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết như trên.

Ngành nào cho cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam

Theo GS. Hồ Tú Bảo, Trường khoa học tri thức, Viện khoa học và công nghệ tiên tiến Nhật Bản, CMCN4 không phải là cuộc cách mạng được tiến hành bởi toàn dân, dù ảnh hưởng đến mọi người dân, mà bởi chiến lược và chính sách quốc gia, bởi thay đổi mạnh mẽ của các doanh nghiệp, và bởi lực lượng tinh hoa của khoa học và công nghệ đất nước. CMCN4 không thể làm chỉ bởi ý chí mà phải bằng tri thức, dẫn dắt bởi những cá nhân, những nhóm người nắm được những công nghệ tiên tiến của TTNT, của khoa học dữ liệu, của kết nối thế giới thực và không gian số, của công nghệ sinh học và khoa học vật liệu…

Có những thứ ta phải lựa chọn làm đòn bẩy để phát triển, như ta đã chọn nông nghiệp và du lịch, và có những thứ không thể chọn mà nhất thiết phải làm như giáo dục, môi trường và y tế. PGS. TS. Tạ Cao Minh đề nghị: “Phải chăng đi trong CMCN4 của ta trước hết chính là làm nông nghiệp và du lịch thông minh, là làm giáo dục, môi trường và y tế thông minh khi biết lựa chọn và có thể làm chủ những công nghệ số và các công nghệ cao cần cho mình?”. 

Nông nghiệp thông minh có thể nằm ở việc chuyển dịch một phần diện tích lúa sang các cây trồng, vật nuôi khác có giá trị cao hơn lúa. Việc dịch chuyển ở đâu, chuyển bao nhiêu, giá trị cao hơn bao nhiêu… đều cần và có thể tính toán được nhờ khoa học dữ liệu. Chẳng hạn trong việc nuôi tôm, tạo ra các giống tôm không thoái hoá cũng như thức ăn thích hợp cho chúng cần được nghiên cứu với việc sử dụng công nghệ số. Từ đây từng bước ta có thể tiến đến nông nghiệp chính xác.

Du lịch trong CMCN4 cũng cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số. Sự thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được lợi hại của các dịch vụ, tuyên truyền sâu rộng cho người dân thấy lợi ích của dịch vụ chất lượng cao cũng như thiệt hại của ‘ăn xổi’ để khách ‘một đi không trở lại’ hoặc khách lan truyền các điểm yếu kém của du lịch Việt Nam trên không gian mạng. Việc giới thiệu du lịch cũng cần dựa trên các công nghệ số hiện đại. Cách làm của Uber dùng công nghệ số để cung cấp tiện ích cho khách hàng rất đáng học tập cho các hoạt động du lịch ở Việt Nam. Dùng được công nghệ số có thể tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho du khách thật hài lòng khi đến Việt Nam.

“Cần tìm cách số hoá được sông ngòi, tính toán và mô phỏng được các tình huống lũ lụt có thể xảy ra để có phương án thích hợp, tránh tình trạng phải xả lũ nhưng không biết thiệt hại sẽ xảy ra thế nào”, PGS. TS. Tạ Cao Minh cho hay.

Công nghệ thông tin cơ bản lâu nay mới góp phần vào việc quản lý bệnh viện, nhưng chưa trực tiếp vào việc khám chữa bệnh. Tiến bộ của công nghệ số ngày nay cho phép số hoá tình trạng bệnh tật và chăm sóc y tế của mỗi người dân trong bệnh án điện tử, làm nền tảng cho y tế điện tử (e-Health). Có thể khai thác các bệnh án điện tử để tìm ra các tri thức y học, hỗ trợ chẩn đoán, cảnh báo sai sót, gợi ý điều trị, dự đoán tác dụng phụ của thuốc... 

PGS.TS. Tạ Cao Minh cũng đề xuất rằng, cần xem xét tác động của CMCN4 lên hầu hết mọi lĩnh vực của xã hội, cần sử dụng công nghệ số, dùng khoa học dữ liệu trong các ngành tài chính, ngân hàng, năng lượng, giao thông vận tải… Chẳng hạn, ùn tắc giao thông có thể được cải thiện nếu ta tự động phân tích được tình hình giao thông từ dữ liệu số thu bằng các cảm biến gắn trên một số xe và máy quay ở những điểm chọn lựa (thay vì các tình nguyện viên gọi điện thoại báo về tổng đài).

Cần có chiến lược phát triển trong việc đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng

Tự động hóa trong CMCN4 

PGS.TS. Tạ Cao Minh cho hay, làm “cách mạng công nghiệp” đôi khi cần một chút mơ mộng và trí tượng tượng. Các phát minh ra máy bay, điện thoại trước đây, hay các ứng dụng internet, facebook gần đây đã vượt xa trí tưởng tượng của mỗi chúng ta 10 năm trước đó. Tuy nhiên, việc tận hưởng các “hiện thực ảo” của CMCN4 cũng không làm cho chúng ta quên được những tác động của “hiện thực thật” đến cuộc sống, khi mà tắc đường là nỗi nhức nhối hàng ngày, khi mà những bất cập của hệ thống giáo dục, của y tế, của ô nhiễm môi trường đang làm cho cuộc sống của chúng ta xuống cấp nghiêm trọng. 

Cũng như vậy, các thành tựu của Trí tuệ nhân tạo, truyền thông không dây, của IoT sẽ trở nên mất giá trị ta muốn ứng dụng chúng vào các công xưởng mà ở đó phần lớn các máy móc, dây chuyền đều cũ kỹ, lạc hậu. Chúng ta đã từng nhói đau khi một công ty nước ngoài nhận xét là công nghiệp Việt Nam chưa sản xuất nổi một chiếu ốc vít. 

Là một người làm việc trong lĩnh vực Tự động hóa, PGS.TS. Tạ Cao Minh đã từng phát biểu tại nhiều diễn đàn, là “chúng ta không thể nói đến tự động hóa công nghiệp khi mà tất cả các thành phần cơ bản nhất là động cơ điện và các bộ biến đổi công suất đều chưa sản xuất được, mà phải nhập ngoại”. CMCN4 giúp chúng ta bay bổng, nhưng chúng ta vẫn cần đứng vững và đi trên hai chân.

Tự động hóa đã có vai trò lớn trong các cuộc CMCN trước đây, và tiếp tục là yếu tố quan trọng trong CMCN4. Trong bối cảnh CMCN4 đang diễn ra trên toàn cầu nên chăng chúng ta cần phải có chiến lược phát triển ngành tự động hóa và công nghệ cao.

Theo PGS.TS. Tạ Cao Minh cần có chiến lược phát triển trong việc đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có thành tích khoa học công nghệ xuất sắc; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển (R&D) và có chính sách khuyến khích R&D; hợp tác mạnh mẽ giữa khoa học công nghệ và sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp tư nhân; triển khai ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi các công nghệ mới; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. 

Đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, PGS.TS. Tạo Cao Minh cho rằng đây là cơ hội để phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp cần tích hợp công nghệ thông tin, ứng dụng khoa học phân tích và quản lý dữ liệu... Việc ứng dụng điện toán đám mây: Hệ thống mạng dựa trên các giải pháp đám mây tạo cơ hội tuyệt vời để lưu trữ và sử dụng hiệu quả các dữ liệu lớn được tạo ra bởi CMCN4. Các giải pháp dựa trên đám mây sẽ trở nên ngày càng quan trọng đối với CMCN4. 

CMCN4 sẽ tạo ra một mô hình chuỗi cung ứng mới gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của khách hàng. Chuỗi cung ứng mới sẽ tạo ra một cơ sở dữ liệu duy nhất, làm cho chuỗi cung ứng thông minh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn ở mọi giai đoạn, từ khi phát sinh nhu cầu cho đến khi giao hàng. Đồng thời, CMCN4 đã đẩy cao mức độ chia sẻ thông tin từ đó tạo ra một nhu cầu rất lớn về an ninh mạng....

CMCN4 mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam. Cuộc cách mạng công nghiệp này không như những cuộc cách mạng công nghiệp trước nhằm vào... công nghiệp, là lĩnh vực ta có khoảng cách rất lớn so với các nước phát triển mà nhằm vào công nghệ số, đưa tiến bộ của công nghệ số tới mọi lĩnh vực. Do vậy, xây dựng được lực lượng, phát triển khoa học dữ liệu và sử dụng được khoa học dữ liệu rộng rãi sẽ cho phép Việt Nam “thu hẹp khoảng cách số” trong nhiều lĩnh vực và có thể tạo ra sự đột phá cho nhu cầu phát triển đất nước.

Bài, ảnh: Phương Nga

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner