Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, công tác văn thư, lưu trữ như thế nào? Cơ hội và thách thức đặt ra đối với công tác văn thư, lưu trữ là gì? Chính sách quản lý về văn thư, lưu trữ cần thay đổi như thế nào?...
Những câu hỏi trên đã được giải đáp phần nào trong tọa đàm “Cách mạng Công nghiệp 4.0 và những tác động đến công tác văn thư, - lưu trữ” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức sáng ngày 15/5.
Tọa đàm có sự tham gia của đại diện 29 cơ quan, bộ ngành, đại diện các cơ sở đào tạo về văn thư, lưu trữ và các chuyên gia về công nghệ, các thành viên Ban xây dựng đề án “Quản lý lưu trữ tài liệu điện tử tại các cơ quan lưu trữ nhà nước”, công chức, viên chức các đơn vị chức năng và tổ chức sự nghiệp thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cùng các báo cáo viên.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Cục trưởng Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng khẳng định, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động và thúc đẩy xu hướng chuyển dịch từ cách thức truyền thống sang tự động hóa ở mọi ngành, mọi lĩnh vực trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian từ nay đến năm 2020 tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm để phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp này.
Ban Tổ chức nhận được 10 báo cáo, tham luận với những nội dung cơ bản đề cập đến Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự tác động đến các lĩnh vực của đời sống xã hội và sự chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, các báo cáo bước đầu làm rõ những cơ hội và thách thức của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với công tác văn thư, lưu trữ, xu hướng và tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến môi trường thông tin số; quản lý lưu trữ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, những tác động của Internet đến công tác văn thư, lưu trữ; Big Data và vai trò của quản lý tài liệu điện tử trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; truyền thông xã hội trong lĩnh vực lưu trữ; chính sách quản lý hồ sơ trong kỷ nguyên công nghệ số; thách thức đặt ra trong quá trình tạo lập phương thức tự động hóa trong quản lý và tổ chức khai thác sử dụng tài liệu lưu trữ,...
Ngoài ra, các ý kiến trao đổi từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia tại Tọa đàm đã góp phần làm rõ những tác động; những cơ hội, thách thức của Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với công tác văn thư, lưu trữ hiện nay.
Lê Văn (Vụ Công nghệ cao)