Hút thuốc lá là nguyên nhân khiến hàng triệu người trên thế giới tử vong và mắc các bệnh nghiêm trọng về phổi và tim mạch. Chính vì vậy, trong cuộc chiến chống lại tác hại của nó, rất nhiều quốc gia đã có những biện pháp cấm và chế tài xử lý mạnh mẽ.
Cộng hòa Ireland là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá vào năm 2004. Từ ngày 20/5/2021, Ireland cấm bán thuốc lá cũng như các sản phẩm thuốc lá có hương bạc hà. Lệnh cấm trên được Chính phủ Ireland công bố ngày 19/5/2021. Mục đích của lệnh cấm là để đảm bảo thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá không chứa các thành phần làm tăng hương vị hấp dẫn người hút thuốc hoặc dễ lôi kéo người tập thói quen hút thuốc. Hút thuốc lá là thói quen gây nghiện có hại cho sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh bùng phát dịch viêm đường hô hấp COVID-19 hiện nay càng cần phải tử bỏ thói quen này.
Tiếp đó, Scotland cũng trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên hiệp Vương quốc Anh thực hiện điều luật văn minh này. Những người vi phạm sẽ phải nhận mức phạt lên tới 3347 USD (khoảng 73 triệu VNĐ).
Mỹ là quốc gia có tỷ lệ số người hút thuốc lá trong độ tuổi thanh thiếu niên rất cao, chính vì vậy để hạn chế con số ấy tăng lên từng ngày, Chính phủ Mỹ đã ban hành luật cấm bán thuốc lá cho người dưới 21 tuổi. Trước đó, Mỹ cũng đã ban hành quy định chỉ những người trên 18 tuổi mới được mua thuốc lá.
Ngoài việc cấm bán thuốc cho người dưới 21 tuổi, rất nhiều tiểu bang của Mỹ cũng ra lệnh không hút thuốc lá tại những nơi công cộng, thậm chí là mọi khu vực trong tiểu bang. Điều này đã giúp nâng cao ý thức về thuốc lá và phần nào ngăn chặn được sự nguy hiểm âm thầm của thuốc lá tới cộng đồng.
Tại Singapore, chỉ những nơi có treo biển báo được phép hút thuốc lá thì bạn mới có thể thoải mái hút thuốc. Tuy vậy, nếu bị phát hiện vi phạm hút thuốc lá tại khu vực cấm, bạn có thể bị phạt từ 200 đô Singapore cho tới 1.000 đô Singapore và bị kết án tại tòa.
Nhằm hạn chế tình trạng hút thuốc lá, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng chính sách tăng thuế đối với thuốc lá. Mỗi loại thuốc lá tại Nhật Bản đều có giá bán như nhau tại mọi địa điểm và có giá cực kỳ cao hơn 460 Yên tương đương khoảng 90,000 đồng/gói, đặc biệt mua nhiều không được giảm giá. Những chiếc máy bán thuốc tự động xuất hiện khá nhiều tại Nhật, tuy vậy, để có thể mua thuốc lá tại đây bạn phải có thẻ chứng nhận đã đủ 20 tuổi và nếu vi phạm có thể bị bắt và phạt tiền lên tới 10,000 Yên khoảng 2 triệu đồng.
Tại Philippines, luật cấm hút thuốc dựa trên các điều khoản của Luật Không khí sạch năm 1999 và Luật Quản lý thuốc lá năm 2003. Luật Không khí sạch cấm hút thuốc bên trong tòa nhà hoặc một khu vực công cộng khép kín, trên các phương tiện vận tải. Luật Quản lý thuốc lá cũng cấm hút thuốc tại những nơi công cộng như trường học, bến bãi giao thông công cộng, siêu thị, trạm xăng.
Tại Ba Lan, tháng 11/2010, cũng cấm hút thuốc ở nhà hàng, quán rượu, công sở, bệnh viện, trường đại học, trạm xe. Người vi phạm có thể bị phạt 500 zloty Ba Lan (136 USD). Chủ doanh nghiệp không treo biển cấm hút thuốc có thể bị phạt tới 2.000 zloty (545 USD).
Tại Nga, từ 15/11/2013, nếu hút thuốc gần các cơ sở giáo dục, văn hóa, thể thao và y tế, ga tàu, sân bay có thể bị phạt từ 500 - 1.500 rúp (15 - 45,5 USD). Từ tháng 6/2014, luật nước này cấm hút thuốc ở nhà hàng, quán bar, ký túc xá, khách sạn và các chuyến tàu đường dài.
Pháp - quốc gia châu Âu từng “khét tiếng” với nạn hút thuốc lá tràn lan, cũng đã đưa ra những quy định khắt khe hơn nhằm hạn chế tỷ lệ người trưởng thành hút thuốc lá từ 1/3 hiện nay xuống còn 1/5 vào năm 2024. Cũng trong năm 2016, Pháp đã quyết định đánh thuế rất nặng nhằm vào các tập đoàn sản xuất thuốc lá và đẩy mạnh việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cộng đồng...
PV (tổng hợp)