Chính phủ nhiều nước đã và đang đề ra nhiều biện pháp nhằm làm giảm số người hút thuốc lá, góp phần đảm bảo sức khỏe cho công dân phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và cấm hút thuốc tại nơi công cộng, văn phòng làm việc là biện pháp hiện đang được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Australia, Anh, Ireland (Ai-len), Nga.
Singapore sau một thời gian tham vấn đã quyết định nâng độ tuổi được phép hút thuốc lá từ 18 lên 21. Quy định này sẽ được đưa ra Quốc hội để luật hóa
Chính phủ Singapore cũng nghiên cứu các kinh nghiệm của nhiều nước khác như Australia, Pháp và Anh trong việc chuẩn hóa bao bì thuốc lá, như bao bì hình thức đơn giản, không có bất kỳ thông tin quảng cáo nào, đồng thời tăng cường hình ảnh cảnh báo về sức khỏe trên bao thuốc.
Trung Quốc là nước có khoảng 350 triệu người hút thuốc lá - chiếm 1/3 tổng số người hút thuốc toàn cầu. Ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 2 nghìn tỉ điếu thuốc được tiêu thụ.
Sau khi nước này ký Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, các lệnh cấm của Trung Quốc bắt đầu thực hiện. Hơn 150 thành phố ở Trung Quốc đã có những quy định hạn chế hút thuốc lá, trong đó Bắc Kinh là nơi đầu tiên cấm hút thuốc ở hầu hết địa điểm công cộng.
Tại nhiều quốc gia Châu Âu như Na Uy việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã khởi động từ tháng 6-2004. Đầu tiên, việc cấm đoán nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe của những người làm việc trong quán bar và khách sạn khỏi bị các tác hại của khói thuốc. Chính vì thế, nếu không tuân thủ lệnh cấm, các chủ bar và khách sạn phải chịu mức phạt rất nặng.
Cũng tương tự, điều luật cấm hút thuốc lá nơi công cộng được Đức triển khai từ giữa năm 2008. Không chỉ ở nhà ga, bến xe, phương tiện giao thông công cộng, người dân còn bị cấm hút thuốc ở nhà hàng, quán bar.
Do đó chỉ có thể hút thuốc ở nhà riêng, trong ôtô cá nhân và một số địa điểm cho phép. Ngoài ra, người hút thuốc cũng có thể đến câu lạc bộ đặc biệt dành riêng cho người hút thuốc với những tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt.
Chính phủ Nhật đánh thuế cao đối với thuốc lá (một gói thuốc rẻ nhất ở Nhật có giá tương đương 70.000 đồng VN) và khuyến khích người hút thuốc nên chọn những loại thuốc có hàm lượng nicotin thấp.
Các bao thuốc bán trên thị trường đều phải ghi rõ hàm lượng nicotin trong mỗi điếu thuốc. Áp lực xã hội ở Nhật giữ vai trò quan trọng đối với những người có thói quen hút thuốc bừa bãi.
Nếu hút thuốc không đúng nơi quy định, người hút sẽ nhận được những ánh mắt khác thường từ những người xung quanh. Ở một xã hội mà tính kỷ luật được đề cao như Nhật thì việc phải nhận những ánh mắt như thế còn nặng nề hơn nhiều so với việc bị phạt tiền...
Lệnh cấm hút và quảng cáo thuốc lá cho dù trực tiếp hay gián tiếp ở những nơi công cộng tại Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 2-5-2004. Theo đó, Ấn Độ cấm tất cả phương tiện truyền thông đại chúng quảng cáo các sản phẩm thuốc lá, ngoại trừ ở những điểm bán thuốc lá.
Hút thuốc ở những nơi công cộng như đường phố, xe buýt, tàu, khách sạn, sân bay và chợ sẽ bị cấm. Những người vi phạm có thể bị phạt. Sau khi có lệnh cấm, nhiều trường đại học đã tổ chức cai nghiện cho các giảng viên, sinh viên…
Ngoài các biện pháp nêu trên, theo đề xuất của Liên Hợp Quốc, trong thời gian tới, các quốc gia cần tiến hành những biện pháp bao gồm tăng thuế và tăng giá đối với các sản phẩm thuốc lá.
PV (tổng hợp)