Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Chủ nhật, 03/11/2024 , 04:35 am
Cập nhật : 12/09/2016 , 17:09(GMT +7)
Busadco đang khởi đầu cho một sứ mệnh mới
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo
Cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” vừa được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (KH&CN) đợt V. Kỹ sư, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo tác giả của cụm công trình đã có chia sẻ với chúng tôi về tâm huyết và những đóng góp của mình thông qua các nghiên cứu, sáng chế, giải pháp công nghệ.

Đổi mới và thay thế các giải pháp truyền thống

PV: Trước tiên, xin được chúc mừng ông đã đạt giải thưởng cao quý nhất về KH&CN. Ông có thể giới thiệu về cụm công trình? 

- Ông Hoàng Đức Thảo: Cụm công trình đạt giải gồm 36 sản phẩm đang được ứng dụng tại 42/63 tỉnh, thành trên cả nước, được chia thành 4 nhóm. Tất cả các sản phẩm đều giúp giảm ít nhất 20% chi phí so với giải pháp truyền thống.  

Nhóm thứ nhất là nhóm công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới góp phần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tiêu biểu có hệ thống hào kỹ thuật đúc sẵn lắp ghép dùng để ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị kiểm soát được chất lượng, tiến độ, chống tiêu cực thất thoát; cải cách thủ tục hành chính. Sản phẩm này đã thay thế cho các giải pháp truyền thống, thi công đồng bộ với giao thông đô thị, loại bỏ các cột điện, thông thoáng cảnh quan, thu hẹp diện tích mặt bằng xây dựng, an toàn trên đường phố. Đồng thời khắc phục tình trạng kẻ đào người lấp. 

Tiếp đến là hệ thống hố ga thu nước mưa và ngăn mùi kiểu mới, được đúc sẵn lắp ghép, kiểm soát được chất lượng, tiến độ, thay thế cho các giải pháp truyền thống, chống mùi hôi trong lòng cống chung (nước mưa lẫn nước thải) thoát ra, hạn chế ngập úng thoát nước đô thị. Đồng thời góp phần tăng độ bền vững kết cấu bó vỉa hè đường phố, đảm bảo mỹ quan đô thị. 

Một sản phẩm nữa là hệ thống các loại hố ga bê tông cốt thép thành mỏng liên kết mối nối cống đúc sẵn, lắp ghép kiểm soát được chất lượng, tiến độ, thay thế cho giải pháp truyền thống, khắc phục các ổ gà, ổ voi, các hố tử thần; an toàn hệ thống giao thông đô thị, nông thôn và giao thông đường bộ. 

Nhóm thứ 2 là nhóm sản phẩm KH&CN góp phần xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật nông thôn, tiêu biểu có hệ thống kênh, mương tưới tiêu nội đồng kết cấu bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn, lắp ghép kiểm soát được chất lượng, tiến độ; chống tiêu cực thất thoát; tưới tiêu nhanh, phân phối nước đồng đều trên toàn lưu vực; tiết kiệm nguồn nước tưới, thuận tiện thi công tháo dỡ và lắp ghép; chất lượng an toàn bền vững. Sản phẩm thay thế các loại kênh mương thủ công truyền thống và góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nhóm thứ 3 là nhóm sản phẩm KH&CN mới góp phần bảo vệ môi trường. Có thể kể đến hệ thống thoát nước, xử lý nước thải cho đô thị nhỏ và các nhà hàng, khách sạn kiểm soát tận gốc các nguồn xả. Giải pháp này xử lý đồng bộ khép kín quy trình đấu nối - thu gom - báo đón - truyền tải - xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường bằng công nghệ sinh học tự nhiên. Kết cấu bê tông thành mỏng đúc sẵn, lắp ghép (modul); Hệ thống cụm tời máy thông tắc, nạo vét cống ngầm thoát nước đô thị giúp chống ngập úng, thay thế người lao động trực tiếp nạo vét thủ công truyền thống, tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khỏe người lao động; Hệ thống các loại bể phốt đô thị, nông thôn: được đúc sẵn, lắp ghép giúp giảm dung tích, tiết kiệm diện tích đất, linh động các vị trí lắp đặt, kiểm soát được ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm. Đặc biệt, có thể thông hút cặn từ ngoài hàng rào thay thế các loại bể phốt truyền thống, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Cuối cùng là nhóm công nghệ, giải pháp kỹ thuật, sản phẩm mới góp phần phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiêu biểu có công trình nghiên cứu và phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật chế tạo các loại cấu kiện bê tông cốt phi kim mỏng, cấu tạo rỗng, kết cấu lắp ghép nhằm chống xói lở, kiến tạo bờ, lấn biển quai đê tạo quỹ đất, gây bồi tạo bãi, bảo vệ rừng phòng hộ và thay thế các loại đê bờ giải pháp truyền thống. Công nghệ này có chất lượng bền vững lâu dài, giúp chủ động kiểm soát chất lượng, tiến độ, chống tiêu cực thất thoát, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cụm tời nạo vét cống ngầm thoát nước đô thị, giúp người lao động không phải tiếp xúc trực tiếp với ô nhiễm của Busadco

Công nghệ, kỹ thuật vượt trội

PV: Được biết, công nghệ làm kè chống xói lở và bảo vệ bờ, sông hồ và đê biển đã được đưa vào dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (TP. Hồ Chí Minh) dài 64km. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này và những điểm nổi bật của công nghệ này so với sản phẩm cùng loại nhập ngoại? 

- Ông Hoàng Đức Thảo: Đúng vậy. Chúng tôi đã thí điểm thành công Dự án kè bờ kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên thuộc Dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP. Hồ Chí Minh. Công trình thi công xong và đã được các cơ quan chức năng liên quan kiểm định chất lượng và đánh giá cao. 

Điểm đặc biệt của sản phẩm này là được đúc sẵn, kết cấu lắp ghép, không dùng thép, cụ thể là kết cấu bê tông cốt phi kim. Đây là một cấu tạo mỏng, rỗng, được lắp ghép dưới dạng modul, cấu tạo đa dạng theo kích cỡ và hình khối khác nhau. Nó có tính chất chống xói lở và kiến tạo bờ, kết cấu theo tường chắn đất, tường trọng lực nên đặc biệt phù hợp với điều kiện nền đất yếu. Ưu điểm của sản phẩm này là chủ động kiểm soát được tiến độ, chất lượng và chi phí chỉ bằng một nửa so với dùng công nghệ nước ngoài hiện nay. 

Tôi có thể khẳng định, công nghệ của Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) vượt trội cả về kỹ thuật, độ bền vững. Do kết cấu bê tông cốt phi kim, không dùng thép nên bảo đảm chống xâm thực, chống ăn mòn, đặc biệt trong điều kiện môi trường biển, môi trường xâm thực mặn và ô nhiễm như kênh Tham Lương ở TP.HCM hiện nay.

PV: Hẳn là ông phải đi thực tế và đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, tham khảo ý kiến chuyên gia,... mới tìm ra được giải pháp hữu hiệu này, thưa ông?

- Ông Hoàng Đức Thảo: Khi nghiên cứu về kè chúng tôi nghiên cứu các giải pháp nhằm chống xói lở và bảo vệ bờ biển trước. Thành công đầu tiên là công trình kè biển ở bãi biển Đồng Châu – Tiền Hải – Thái Bình dài 4km đã hoàn thành cách đây 2 năm. Một minh chứng rất rõ về sự phù hợp của công nghệ này là tháng 8/2016 vừa qua, Thái Bình là tâm điểm của cơn bão số 1, giật cấp 11-13 nhưng đê kè của Busadco vẫn được ổn định, bền vững. 

Chúng tôi đã nghiên cứu và đã đưa ra được nhiều giải pháp. Ví dụ như giải pháp cho biển bồi, biển lở, giải pháp phá sóng từ xa và các giải pháp cân bằng bùn cát, gây bồi tạo bãi. Còn đối với bờ sông, hồ, vì có rất nhiều loại bờ khác nhau nên chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật và sản phẩm khác nhau, phù hợp với điều kiện địa chất, địa hình và đặc biệt theo yêu cầu công năng sử dụng của công trình.

Chúng tôi đã đi đến nhiều nơi, tham khảo các chuyên gia đầu ngành, chuyên sâu trong lĩnh vực này. Đặc biệt, đối với công nghệ sử dụng tại kênh Tham Lương, đã tổ chức hội thảo khoa học chuyên ngành chuyên sâu và đồng thời đã nhận được các chứng chỉ tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, phù hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ KH&CN và các cơ quan chức năng liên quan. 

PV: Ông có dự định gì cho các công trình nghiên cứu thời gian tiếp theo? 

- Ông Hoàng Đức Thảo: Với việc nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm nay, tôi thấy bản thân đang khởi đầu cho một sứ mệnh mới. Bởi sứ mệnh xây dựng, phát triển nông thôn mới, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu đang đòi hỏi, đặt ra yêu cầu cho bản thân tôi cũng như Busadco phải cố gắng nhiều hơn nữa để có được những sản phẩm, giải pháp công nghệ mới đạt chất lượng tốt hơn, giảm giá thành nhiều hơn nhằm phục vụ thiết thực vào đời sống của nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

Không phải là nhà nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, nhưng Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Busadco đã là người sở hữu 3 kỷ lục Việt Nam gồm: “Người có nhiều công trình đoạt giải thưởng trong lĩnh vực sáng tạo khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam (VIFOTEC) nhất"; "Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo KH&CN trên thế giới"; "Người lãnh đạo Doanh nghiệp KH&CN đạt nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo KH&CN trong nước và trên thế giới”.

Bài, ảnh: Nguyễn Hạnh - Ánh Tuyết

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner