Lớp bồi dưỡng nhằm cung cấp cho học viên những kiến thức cơ bản về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST. Qua đó, học viên sẽ nắm bắt được các yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý và phát triển KH,CN&ĐMST, đáp ứng yêu cầu hội nhập toàn cầu trong bối cảnh mới.
Các học viên lớp bồi dưỡng.
Tham gia lớp bồi dưỡng các học viên sẽ được trang bị các nội dung cốt lõi, bao gồm: đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đáp ứng yêu cầu hội nhập; hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hội nhập quốc tế; phát triển nhân lực KH&CN, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thông qua lớp bồi dưỡng không chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết mà còn tạo cơ hội cho học viên trao đổi, thảo luận các bài học thực tiễn, từ đó tăng cường sự liên kết giữa lý thuyết và ứng dụng trong công việc.
Phát biểu tại buổi khai giảng, TS. Nguyễn Thái Hùng, Phó Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST, nhấn mạnh: “Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST không chỉ là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn là yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam bắt nhịp với các xu hướng toàn cầu. Chương trình bồi dưỡng được xây dựng nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết, giúp đội ngũ công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng”.
TS. Nguyễn Thái Hùng, Phó Giám đốc Học viện KH,CN&ĐMST phát biểu khai giảng.
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST đang trở thành yêu cầu cấp thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Khóa bồi dưỡng này không chỉ giúp học viên hiểu rõ hơn về những cơ hội và thách thức mà còn hướng tới việc xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, sáng tạo và linh hoạt.
Thông qua khóa học sẽ mang lại giá trị thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực KH,CN&ĐMST, nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ KHCN thế giới.