Ngày 5/9, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đã có chuyến thăm và làm việc tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc. Bộ trưởng Nguyễn Quân tham dự và chủ trì cuộc họp
Báo cáo tại buổi làm việc, Trưởng ban quản lý khu CNC, thứ trưởng Nguyễn Văn lạng cho biết, Khu CNC Hoà Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ- TTg ngày 12 tháng 10 năm 1998. Khu CNC Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao tầm cỡ quốc gia, nơi ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao. Khu CNC Hòa Lạc bao gồm các khu chức năng: công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu và triển khai, công viên phần mềm, giáo dục và đào tạo, khu trung tâm, khu nhà ở, văn phòng, dịch vụ công nghệ cao.
Đặc biệt, với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, quy hoạch chung điều chỉnh Khu CNC Hòa Lạc đã được nghiên cứu và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008.
Thăm nhà máy liên doanh y tế Vikomech
Hiện tại, Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc đang triển khai xây dựng và phát triển khu theo quy hoạch này. Cơ sở hạ tầng trong khu CNC Hòa Lạc đang ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, khu CNC Hòa Lạc đã nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản qua việc cho vay khoản vốn ODA 59 tỷ Yên cho hai giai đoạn. Hiện nay, giai đoạn I về thiết kế kỹ thuật đang được triển khai với tổng số vốn khoảng 1,005 tỷ Yên. Theo kế hoạch, hạ tầng kỹ thuật của toàn bộ khu CNC Hòa Lạc sẽ hoàn thiện vào năm 2015 và đây sẽ là khu công nghệ cao hiện đại bậc nhất Việt Nam cũng như trong khu vực.
Dự kiến, đến năm 2020, tổng số người sinh sống và làm việc trong khu CNC Hòa Lạc khoảng 229.000 người, trong đó dân số thường trú là 99.300 người.
Tính đến nay, Ban Quản lý khu CNC Hòa Lạc đã cấp chứng nhận đầu tư cho 53 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 21.975,44 tỷ đồng trên diện tích 259,12 ha. Tính đến hết năm 2010, đã có 29 dự án khởi công xây dựng công trình, trong đó 17 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng doanh thu trong năm 2010 đạt 1200 tỷ đồng.
Tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng chia sẻ, hiện nay các dự án vẫn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin, sinh y học, điện tử, tự động hóa...(nằm trong quy hoạch tại Quyết định số 27/2006/QĐ-BKHCN) mà chưa có dự án sản xuất công nghệ cao có quy mô lớn nào đăng ký đầu tư vào khu CNC Hòa Lạc; nhiều dự án quá thời hạn triển khai song không triển khai được, một số dự án phải thu hồi giấy phép đầu tư.
Thăm công trường xây dựng đại học FPT
Lý giải về điều này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng khẳng định do một số nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng chậm, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, thu hút đầu tư và triển khai các dự án còn nhiều bất cập... Bên cạnh đó, bộ máy quản lý của khu CNC còn thiếu; chưa có chính sách thu hút người làm việc cho Ban quản lý; một số cơ chế chính sách còn chưa có hướng dẫn cụ thể rất khó áp dụng thực tế...
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ với những thành tựu, khó khăn vướng mắc cần giải quyết của Ban Quản lý khu CNC và đưa ra một số giải pháp tháo gỡ. Bộ trưởng chỉ đạo: về giải phóng mặt bằng, yêu cầu Văn phòng bộ chủ trì phối họp với Ban Khoa học công nghệ địa phương làm việc với UBNDthành phố Hà Nội để có tiến độ cụ thể. Làm sao tới năm 2012 cơ bản giải phóng hết mặt bằng để triển khai được cơ sở hạ tầng.
Thăm công ty TNHH công nghệ cao FC
Về đội ngũ nhân lực, Bộ trưởng giao cho Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ Công nghệ cao giải quyết để có chế độ ưu đãi cho cán bộ yên tâm làm việc, xây dựng cơ chế chính sách cho các nhà khoa học làm việc tại khu CNC Hòa Lạc.
Về xúc tiến đầu tư, Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Vụ Công nghệ cao, trước mắt nghiên cứu về mô hình R&D (chính sách, cơ chế hoạt động...) của các quốc gia có khu CNC như Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... để đề xuất mô hình khu R&D Hòa Lạc cho phù hợp.
Bên cạnh đó, các đơn vị có hoạt động liên quan đến Hòa Lạc cần có kế hoạch đưa chương trình phối hợp làm việc trong kế hoạch hoạt động của đơn vị mình để tạo sự gắn kết, cùng phát triển.
Cuối cùng về truyền thông, Bộ trưởng cho biết, ngoài nỗ lực của các đơn vị trong bộ, cần sự đồng thuận của xã hội cho phát triển CNC của đất nước, cụ thể cho Hòa Lạc...vì vậy vai trò của truyền thông là đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông khoa học công nghệ là đầu mối với các cơ quan của bộ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá cho Khu CNC Hòa Lạc để nâng cao nhận thức của KHCN nói riêng, CNC nói chung.
Với những nhiệm vụ mà Bộ trưởng giao, Bộ trưởng nhấn mạnh quyết tâm, từ nay đến năm 2020, khu CNC Hòa Lạc về cơ bản được định hình như phê duyệt của Thủ tướng và có những công nghệ mũi nhọn cơ bản để tạo tiền đề phát triển cho lĩnh vực công nghệ cao.
Mai Hà - Lê Hạnh