Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hoạt động KH&CN Thứ năm, 07/11/2024 , 04:23 am
Cập nhật : 21/08/2012 , 14:08(GMT +7)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: Cơ chế cũ và nhận thức của các nhà quản lý là rào cản khoa học công nghệ
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân. Ảnh: Nguyệt Ánh
Báo Hànộimới đã có loạt bài "Hoạt động khoa học và công nghệ: "Đổi" từ đâu để "mới"?" đăng trên các số báo ra ngày 22, 23, 24-7, đề cập nhiều hạn chế của hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) nước nhà hiện nay. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Quân - UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ KHCN, về những bất cập và định hướng phát triển KHCN nước nhà thời gian tới.

Thiếu kinh phí cho khoa học nhưng vẫn phải trả lại ngân sách

- Thưa Bộ trưởng, có lần ông đã ví ngành KHCN đang ở trong cảnh “đười ươi giữ ống” khi nói về tài chính cho hoạt động KHCN hiện nay. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Từ khi Luật KHCN có hiệu lực năm 2001, hằng năm Quốc hội đều dành cho KHCN khoảng 2% tổng chi ngân sách. Về giá trị tuyệt đối, mức đầu tư hằng năm đều tăng do GDP quốc gia tăng. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, trong tổng số 2% nói trên thì kinh phí đầu tư phát triển dành cho hạ tầng KHCN (chiếm khoảng 41-44%) do Bộ Kế hoạch - Đầu tư trực tiếp quản lý và phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương. Kinh phí sự nghiệp khoa học dành cho chi thường xuyên và nhiệm vụ KHCN của các bộ, ngành, địa phương (chiếm khoảng 42-46%) được Bộ Tài chính phân bổ trực tiếp cho các tổ chức này. Bộ KHCN chỉ trực tiếp quản lý khoảng 11-14% còn lại, bao gồm kinh phí cho các chương trình KHCN trọng điểm cấp nhà nước, các nhiệm vụ cấp nhà nước khác, chi thường xuyên của Bộ và Quỹ phát triển KHCN quốc gia.

- Nhưng có thực tế là mỗi năm Bộ KHCN trả lại ngân sách nhiều tỷ đồng do không giải ngân được. Điều này có gì mâu thuẫn khi giới khoa học luôn kêu thiếu kinh phí nghiên cứu?

- Với những quy định hiện nay về việc lập kế hoạch, dự toán ngân sách cũng như chế độ tài chính cho các nhiệm vụ KHCN thì mâu thuẫn đó là khó tránh. Bởi cơ chế tài chính hiện hành mang nặng tính hành chính, không phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN. Ví dụ, theo thông lệ khi nhà khoa học có ý tưởng khoa học hoặc khi thực tiễn cuộc sống nảy sinh vấn đề cần giải quyết thì phải được xem xét, phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện ngay. Nhưng các đề tài, dự án đều bị mặc định là phải được phê duyệt trước khi tổng hợp dự toán ngân sách cho năm tài chính sau. Vì thế, các nhà khoa học phải đề xuất, hoặc Nhà nước phải đặt hàng trước khoảng 15-18 tháng, đến khi được cấp kinh phí thì nhiều nhiệm vụ không còn tính thời sự, thậm chí không cần thiết phải làm nữa. Nhiều nội dung phải điều chỉnh do trượt giá, lạm phát, khi điều chỉnh lại phải qua nhiều cấp xét duyệt không đủ thời gian thực hiện thủ tục đấu thầu mua sắm, giao kinh phí chậm trong khi vẫn phải quyết toán theo năm tài chính, phải làm thủ tục chuyển nguồn sang năm sau…

Nên trích thu nhập từ xuất khẩu cho nghiên cứu

- Để tăng kinh phí, từ nhiều năm qua đã có quy định doanh nghiệp (DN) được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KHCN. Tuy nhiên, chính sách này chưa đi vào cuộc sống. Nguyên nhân là gì, thưa Bộ trưởng?

- Có ba nguyên nhân. Thứ nhất, là do quy định của Luật Thuế thu nhập DN chỉ mang tính khuyến khích, không bắt buộc và không quy định mức sàn tối thiểu, nên hầu hết DN không thực hiện. Thứ hai, hơn 90% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên mức lợi nhuận trước thuế thấp, ngay cả trích đến 10% lợi nhuận cũng chỉ được mấy chục triệu đồng, không đủ đầu tư đổi mới công nghệ hay tạo ra sản phẩm mới. Vì thế, họ cũng không muốn trích lập quỹ, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay khi sản xuất bị đình đốn thì càng khó đòi hỏi DN phải làm điều này. Thứ ba, nhận thức của DN về vai trò của KHCN đối với sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế. Ngay một số tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước cũng không quan tâm đầu tư cho hoạt động KHCN.

- Gần đây, Bộ trưởng có nói thay vì để DN tự lập quỹ bằng việc yêu cầu họ nộp tiền để lập quỹ phát triển KHCN ở địa phương. Vậy  thì cơ chế nào để quản lý nguồn vốn này để  không rơi vào cảnh “cha chung không ai khóc”? Ngoài ra, họ sẽ được hưởng lợi gì với những khoản “đầu tư” sau này khi nguồn vốn được DN khác kinh doanh có lãi nhờ đổi mới công nghệ?

- Như trên đã nói, DN nhỏ và siêu nhỏ thì 10% lợi nhuận trước thuế không đủ cho họ đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dẫn tới các DN hầu như không trích lập quỹ phát triển KHCN. Nhưng nếu như hàng nghìn DN cùng đóng góp phần nhỏ của mình cho quỹ của địa phương thì có thể đủ nguồn tài chính cho các dự án lớn của địa phương, và lãnh đạo địa phương sẽ lựa chọn một số DN chủ lực để đầu tư trước, tạo sản phẩm có sức cạnh tranh, thu hút nhiều lao động và góp phần vào tăng trưởng GDP, sau đó sẽ lần lượt đầu tư cho DN khác. Quỹ do lãnh đạo địa phương quản lý, có ban kiểm soát, có kế hoạch sử dụng theo thứ tự ưu tiên, và đóng góp của mọi DN cho quỹ đều được miễn thuế, nên khó có thể xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”.

- Ở nhiều nước, ngoài việc kêu gọi DN tham gia đầu tư cho KHCN thì họ cũng bắt buộc một số ngành trích 1% tổng giá trị xuất khẩu để quay trở lại hỗ trợ cho các cơ quan nghiên cứu, phục vụ mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo Bộ trưởng, chúng ta có nên áp dụng cách này với một số lĩnh vực xuất khẩu như: gạo, hồ tiêu, cà phê, ca cao, da giày, may mặc... hay không?

- Cá nhân tôi ủng hộ quy định này. Đây là ý tưởng rất hay nhưng để thực hiện thì không đơn giản. Ví dụ, nếu quy định các DN xuất khẩu gạo phải trích lại 1% doanh thu thì riêng năm 2011 các viện nghiên cứu của ngành nông nghiệp có thể đã được đầu tư thêm hơn 25 triệu USD, gấp nhiều lần ngân sách nhà nước cấp cho họ và chắc chắn các nhà khoa học có thể sống, làm việc tốt mà không phải dựa vào ngân sách. Tuy nhiên để ý tưởng này thành hiện thực thì còn phải cân nhắc nhiều mặt, nhất là về pháp lý, phải đưa ý tưởng này vào các luật có liên quan và có chế tài buộc các doanh nghiệp phải thực hiện.

“Trải thảm đỏ” - Vì sao không thành công?

- Tôi nhớ là vài năm trước, hầu như địa phương nào cũng công bố chính sách trải “thảm đỏ” mời gọi GS, TS, thạc sỹ về địa phương công tác với nhiều ưu đãi về thu nhập, nhà... Tuy nhiên, chính sách này đến nay hầu như không phát huy tác dụng. Phải chăng chính sách đãi ngộ không chỉ là câu chuyện thu nhập mà là vấn đề khác?

- Trải “thảm đỏ” để thu hút cán bộ khoa học trình độ cao, nhưng sau đó nhà khoa học hầu như chẳng được giao nhiệm vụ gì và không có ai tham vấn ý kiến của họ về những vấn đề lớn của địa phương (đầu tư, môi trường, đổi mới công nghệ, quy hoạch…). Các nhà khoa học thường nói: Tiền lương phải đủ sống, nhưng quan trọng hơn là cần có điều kiện làm việc tốt, môi trường hoạt động khoa học thuận lợi. Tôi cho rằng để khuyến khích các nhà khoa học cống hiến cho sự phát triển của nền KHCN nói riêng và đất nước nói chung, chúng ta cần phải tháo gỡ những rào cản hiện nay về cơ chế, chính sách trong thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ.

- Nhưng chính sách đãi ngộ sẽ không thể nào có được sự đồng thuận của hơn 6 vạn nhà khoa học hiện nay. Vậy Bộ KHCN sẽ chọn đâu là điểm đột phá thời gian tới?

- Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn của đất nước hiện nay, việc đãi ngộ ở mức cao và trực tiếp cho tất cả những người làm khoa học là không thể. Vì không phải chúng ta chỉ có 6 vạn người làm nghiên cứu chuyên nghiệp, mà hơn 3 triệu người được đào tạo có trình độ ĐH đều có khả năng tham gia hoạt động nghiên cứu, và hàng triệu người dân yêu khoa học cũng có cơ hội đóng góp cho khoa học. Vì thế tôi cho rằng điểm đột phá chính là tạo điều kiện làm việc tốt và môi trường hoạt động khoa học thuận lợi cho giới khoa học. Cần phải có tư duy mới: Làm thế nào để cán bộ khoa học được sống tốt bằng chính kết quả sáng tạo của mình trong nền kinh tế thị trường, chứ không thể tiếp tục nếp nghĩ đã nhiều năm đi vào tiềm thức: Làm đề tài, dự án để có thu nhập.

Thay đổi nhận thức là yếu tố đặc biệt quan trọng

- Trong Đề án “Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN” trình Chính phủ, cũng như Đề án “Phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10-2012, Bộ KHCN đã “bắt bệnh” được hầu hết những hạn chế hiện nay. Để những đổi mới đó có thể triển khai được trên thực tế phải chăng đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao?

- Đúng là những tư tưởng đổi mới bao giờ cũng vấp phải rào cản của cơ chế cũ, nhưng khi thực hiện được sẽ đem lại hiệu quả và kết quả đột phá. Trước hết phải làm thế nào để thay đổi được nhận thức của các cấp quản lý và của chính những người làm khoa học. Nói một cách lý thuyết, đây là trách nhiệm của toàn xã hội và phải có quyết tâm chính trị rất cao. Bởi nếu mọi người dân, DN không quan tâm đến phát triển KHCN thì nguồn đầu tư xã hội cho KHCN mãi chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, mà chi tiêu ngân sách - tiền thuế của dân - thì vừa hạn chế, vừa phải tuân thủ theo Luật Ngân sách. Sau nữa, nếu các cấp lãnh đạo quản lý không giao quyền tự chủ cao nhất và thực chất nhất cho giới khoa học, không tin tưởng ở họ, không tạo môi trường thuận lợi cho họ thì không thể có sản phẩm khoa học đích thực.

- Thưa Bộ trưởng, nhiệm kỳ của Bộ trưởng là 5 năm mà những bất cập trong chính sách phát triển KHCN đã có từ cách đây rất lâu nhưng chưa thực sự được giải quyết triệt để bởi nhiều lý do. Ở nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng mong muốn (có thể xem là một lời hứa) điều gì nhất?

- Tôi đã từng nói còn nợ giới khoa học hai điều: Cơ chế tài chính cho KHCN và chính sách đãi ngộ, trọng dụng cán bộ khoa học. Để giải quyết được câu chuyện này là vô cùng khó khăn, bởi đây là những vấn đề không mới, ai cũng biết và đã lên tiếng từ lâu, nhưng không tháo gỡ được. Tôi sẽ cố gắng cùng các cơ quan khoa học phối hợp chặt chẽ và kiên trì thuyết phục, trước mắt xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KHCN”, sau đó là trình Quốc hội thông qua Luật KHCN (sửa đổi), trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XI xem xét Đề án “Phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế” để ban hành Nghị quyết mới của Trung ương Đảng về KHCN, với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, trong đó có bao hàm hai vấn đề then chốt nói trên. Nếu cả ba văn kiện quan trọng này được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành thì đó thực sự là luồng gió mới cho sự nghiệp phát triển KHCN và tôi tự cảm thấy mình đã làm được chút việc có ích “trả nợ” cho giới khoa học nước nhà.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Nguồn tin: Hà nội mới

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner