85% văn bản trong Bộ sử dụng hình thức văn bản điện tử, được triển khai trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); tỷ lệ trao đổi văn bản với các cơ quan, đơn vị bên ngoài đạt 75%.
Đây là những con số được đưa ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin (CNTT) của Bộ KH&CN được tổ chức chiều ngày 29/6. Theo đó, hiện 91% các đơn vị trực thuộc Bộ đã sử dụng hệ thống thư điện tử phục vụ tốt yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ của các đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi trong việc trao đổi thông tin giữa các cán bộ, công chức trong Bộ. 95% cán bộ, công nhân viên sử dụng hộp thư điện tử trong công việc.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, ông Đào Ngọc Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN cho biết, Bộ KH&CN đang từng bước triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, các dịch vụ công của Bộ hầu hết đạt được mức độ 2, một số dịch vụ đạt tới mức 3. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã và đang triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành, góp phần quyết định vào mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu, triển khai KH&CN. Bộ cũng tích cực đẩy mạnh CNTT trong các hoạt động tiêu chuẩn hóa, sở hữu trí tuệ, các dịch vụ đăng ký tổ chức hoạt động KH&CN, đăng ký doanh nghiệp công nghệ cao…
Bộ KH&CN đã xây dựng Cổng thông tin điện tử của Bộ, thực hiện chức năng điều hành, tích hợp với các cổng thông tin của một số đơn vị trực thuộc như Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Cục Sở hữu Trí tuệ, Viện Năng lượng nguyên tử, Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân…
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin
Về công nghiệp CNTT, hiện nay, Bộ KH&CN không có các hoạt động trực tiếp phát triển công nghiệp CNTT nhưng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ đã xây dựng một số chương trình nhằm phát triển, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển CNTT, các sản phẩm CNTT và xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển nền công nghiệp CNTT. Cụ thể như: Chương trình ứng dụng và phát triển CNTT và Truyền thông (Chương trình KC.01), Chương trình phát triển sản phẩm công nghệ quốc gia đến năm 2020 với một số sản phẩm bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin, sản phẩm vi mạch điện tử. Chủ trì xây dựng và trình ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, tham gia góp ý dự thảo Nghị định của Chính phủ về khu CNTT tập trung.
Theo đánh giá chung, hoạt động CNTT của Bộ KH&CN được quy hoạch, phát triển, ứng dụng theo đúng tinh thần của Luật CNTT và các văn bản hướng dẫn Luật. Phát triển CNTT nhằm mục tiêu thúc đẩy và hỗ trợ các hoạt động quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ hướng tới người dân và doanh nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&CN.
Nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật CNTT, các đại biểu tham dự Hội nghị đã đưa ra một số kiến nghị trong đó nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về lợi ích của ứng dụng CNTT, đặc biệt chú trọng tới khai thác và ứng dụng CNTT như một công cụ tiếp cận KH&CN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các chương trình đào tạo và nghiên cứu nguồn nhân lực CNTT, bao gồm đội ngũ nghiên cứu, phát triển ứng dụng, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo CNTT. Đẩy mạnh ứng dụng và nghiên cứu phát triển phần mềm mã nguồn mở, chuẩn mở, cơ sở dữ liệu mở… nhằm giảm chi phí đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT, tránh lệ thuộc vào các đối tác.
Tin, ảnh: Minh Châu