Chính sách KH&CN Thứ bảy, 27/04/2024 , 03:15 am
Cập nhật : 26/01/2018 , 16:01(GMT +7)
Bộ KH&CN giải đáp nhiều vấn đề báo chí và dư luận quan tâm
Tổng Cục trưởng Tổng cục TDC Trần Văn Vinh chia sẻ với báo chí tại họp báo
Vấn đề chủ động trong việc tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (I4.0); tiêu chuẩn, quy chuẩn và kiểm soát chất lượng xăng E5; lộ trình phát triển Hệ tri thức Việt số hóa; chính sách phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN);… Đó là những nội dung được các phóng viên báo chí dành nhiều sự quan tâm, đặt câu hỏi với Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tại buổi Họp báo thường kỳ Quý IV/2017 do Bộ KH&CN tổ chức chiều ngày 25/01/2018, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Công Tạc.

Chủ động tiếp cận I4.0

Tại họp báo, nhiều nhà báo đã đặt câu hỏi liên quan đến vai trò, trách nhiệm của Bộ KH&CN trong việc triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận I4.0, phát triển nguồn nhân lực phục vụ I4.0;… Thông tin về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Đàm Bạch Dương cho biết, trong Chỉ thị 16, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho nhiều Bộ, ngành, trong đó Bộ KH&CN được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Đồng thời, triển khai các công việc cụ thể của Bộ KH&CN, ví dụ như đề án Hệ tri thức Việt số hóa, khởi nghiệp, phối hợp với Bộ TT&TT triển khai công tác tuyên truyền. 

Cùng với đó, Chính phủ cũng giao Bộ KH&CN nghiên cứu, xây dựng và triển khai chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia về I4.0, trong đó tập trung hỗ trợ nhóm đối tượng là các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để đổi mới công nghệ và có những công nghệ phù hợp với I4.0.

Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào cuộc Cách mạng 4.0, ví dụ như ưu đãi về tín dụng. “Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và sẽ sớm đưa ra văn bản hướng dẫn và triển khai hoạt động này”, ông Đàm Bạch Dương nói. 

Cung cấp thêm thông tin, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, năm 2017, Bộ KH&CN đã thành lập tổ công tác và đã đến làm việc với các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn, đôn đốc, trao đổi và Bộ cũng đã có báo cáo Chính phủ về I4.0. Năm 2018, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, địa phương điều chỉnh các chiến lược của mình để phù hợp với cuộc Cách mạng 4.0. 

Tăng cường kiểm soát chất lượng xăng dầu 

Từ ngày 01/01/2018, xăng A92 được thay bằng xăng sinh học E5. Trả lời câu hỏi của các nhà báo về tiêu chuẩn, quy chuẩn và kiểm soát chất lượng xăng E5, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh cho biết, xăng E5 nói riêng và toàn bộ xăng, dầu nói chung tại Việt Nam hiện có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đầy đủ, phù hợp theo thông lệ quốc tế, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng xăng dầu. Chất lượng xăng E5 đảm bảo yêu cầu từ quá trình pha chế đến bán ra thị trường và chưa có bất cứ khiếu nại nào về xăng E5. 

Tuy nhiên, ông Trần Văn Vinh cũng chia sẻ, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại về xăng dầu vẫn đang diễn ra khá nóng. Cụ thể, tại Nghệ An, Bắc Giang, Tp. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Thuận... thời gian qua diễn ra nhiều vụ buôn lậu, gian lận về xăng, dầu. Bộ KH&CN đã có công văn yêu cầu các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN các tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đồng thời Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng làm việc với Ban Chỉ đạo 389 của các tỉnh để kiểm soát hiện tượng buôn lậu, gian lận về xăng dầu. “Chúng tôi cũng đã có kế hoạch phối hợp với các địa phương để giám sát, lấy mẫu liên tục nhằm kiểm tra, phát hiện sai phạm”, ông Vinh cho biết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đại biểu bấm nút khởi động Hệ tri thức Việt số hóa

Tập trung phát triển Hệ tri thức Việt số hóa

Đúng 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 01/01/2018, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” đã chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng – Vì tương lai Việt Nam”. Hệ tri thức Việt số hóa được triển khai nhằm mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái toàn diện, đáp ứng nhu cầu của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam về một sân chơi sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, IoT, trí thông minh nhân tạo.... 

Chia sẻ với báo chí về kế hoạch phát triển Hệ tri thức Việt số hóa sau khi chính thức khởi động, ông Lê Xuân Định – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính cho biết, trong lễ khởi động Hệ tri thức Việt số hóa, đã có 30 đơn vị tham gia ký kết gồm các bộ, ngành, địa phương, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ thông tin,… Hiện Ban Điều hành Đề án (tạm thời) đang tiếp tục hoàn thiện khung và đưa các nội dung tải lên Hệ tri thức Việt số hóa. Phần dữ liệu mở là nơi tập hợp dữ liệu được công bố từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp có thể khai thác dữ liệu trong phần này để tạo ra giá trị riêng. 

Cây tri thức là nơi tập hợp tri thức trong mọi lĩnh vực. Với đặc thù tri thức của thế giới phần lớn là tiếng Anh, nhóm đề án sẽ huy động thanh niên tham gia Việt hóa, đồng thời bổ sung tri thức của người Việt theo hệ thống được cấu trúc thuận lợi cho người dân nghiên cứu ở các trình độ.

Còn ngân hàng hỏi đáp, phần này cho phép mọi người đặt câu hỏi ở các lĩnh vực, đồng thời có thể tham gia trả lời. Nhóm nòng cốt sẽ xây dựng phần hỏi đáp với nhiều điểm khác biệt so với những hệ thống hiện nay. Hỏi đáp trên Hệ tri thức Việt số hóa dự kiến có sự liên thông và kết hợp với các trang mạng xã hội, diễn đàn ở Việt Nam để khi ai đó đăng một câu hỏi lên hệ thống, hệ thống sẽ quét và đưa ra phương án gợi ý trả lời từ các nguồn thông tin. “Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với Trung ương Đoàn Thanh niên để huy động tất cả các đoàn viên thanh niên ở các tỉnh, thành phố tham gia đặt câu hỏi”, ông Định cho biết.

Cuối cùng là kho ứng dụng, cung cấp hệ thống công cụ, dịch vụ để doanh nghiệp startup có thể sử dụng công nghệ về trí tuệ nhân tạo, big data...

Theo kế hoạch, năm 2018, sẽ tạo lập và phát triển nội dung đa dạng của Hệ tri thức Việt số hóa. Mở rộng xây dựng các ứng dụng trong tất cả lĩnh vực trên quy mô toàn quốc. Đẩy mạnh triển khai Hệ tri thức Việt số hóa trên website, ứng dụng di động, ứng dụng thông minh, Internet vạn vật, tài nguyên giáo dục mở, dịch vụ giá trị gia tăng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông,...

"Từ năm 2019, sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy khai thác sâu Hệ tri thức Việt số hóa để trở thành một hệ sinh thái số do người Việt làm chủ, có năng lực tích hợp mọi tri thức, thông tin, dữ liệu công cộng, tài nguyên số của Việt Nam và được sử dụng phổ biến trong xã hội", ông Lê Xuân Định chia sẻ. 

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner