Từ tháng 08/2020, Bộ KH&CN, Đề án 844 thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ năm 2021. Các nhiệm vụ tập trung nâng cao năng lực đội ngũ sáng lập của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tăng cường khả năng cạnh tranh của hệ sinh thái, cũng như thúc đẩy truyền thông và kết nối với các mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu.
Sau hơn 04 năm triển khai, Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844) đã đồng hành cùng hơn 100 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) và phát triển kế hoạch triển khai Đề án tại 53 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thành viên Ban Điều hành Đề án 844: “Trong năm 2020, tính đến tháng 5, số vốn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đạt hơn 184 triệu đô-la Mỹ với 28 thương vụ mới được thực hiện. Con số này là tương đối tích cực trong bối cảnh đại dịch Covid 19 có ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp toàn cầu. Có được kết quả này một phần là do sự phát triển tương đối mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam trong những năm qua. Trên cả nước hiện có 57 cơ sở ươm tạo (Business Incubator - BI) và 25 chương trình thúc đẩy kinh doanh (Business Accelerator – BA) cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tăng gấp 3-4 lần so với năm 2016.”
Tuy nhiên, theo phân tích từ của trang tin quốc tế TechinAsia, khả năng thu hút vốn đầu tư mạo hiểm của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam ở giai đoạn đầu (Seed, Pre-A, Series A-D) kém hơn so với các doanh nghiệp Indonesia. Do đó, trong giai đoạn mới, Đề án 844 sẽ đẩy mạnh việc hợp tác cùng các đơn vị có năng lực để thúc đẩy hoạt động ươm tạo (incubate) và thúc đẩy kinh doanh (acclerate) các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST theo các lĩnh vực chuyên sâu nhằm gia tăng số lượng doanh nghiệp có tầm nhìn và khả năng cạnh tranh trong khu vực, cũng như cải thiện nguồn doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đầu vào có thể phát triển lên ở các giai đoạn sau.
Theo đó, danh mục nhiệm vụ hằng năm định kỳ thuộc Đề án 844 thực hiện từ năm 2021 đã được Bộ KH&CN công bố mới đây theo Quyết định số 2148/QĐ-BKHCN với 13 nhiệm vụ, tập trung tìm kiếm các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm và tầm nhìn mong muốn đồng hành cùng Bộ KH&CN phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia. Những năm qua, Đề án 844 đã tiến hành tiếp nhận hơn 200 hồ sơ của các tổ chức tham gia thực hiện nhiệm vụ, tổ chức tuyển chọn 59 đơn vị chủ trì và 56 đơn vị phối hợp có năng lực, kinh nghiệm để triển khai 94 nhiệm vụ của Đề án trên toàn quốc.
Các đối tượng có thể tham gia thực hiện nhiệm vụ hàng năm, định kỳ của Đề án 844 tương đối đa dạng, bao gồm trường đại học, viện nghiên cứu; các tổ chức/ doanh nghiệp/tập đoàn/hiệp hội có hoạt động đào tạo, huấn luyện cho cá nhân khởi nghiệp ĐMST, huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp ĐMST, nhà đầu tư khởi nghiệp, cán bộ quản lý; Tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp ĐMST; Tổ chức truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST; Vườn ươm doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; Tổ chức thúc đẩy kinh doanh; …
Tham gia Đề án, các đơn vị được nhận hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án, kết nối chuyên gia về KNST trong và ngoài nước, cũng như đóng góp cho hệ sinh thái KNST trên nhiều phương diện. Đơn vị tham gia cần đáp ứng đủ điều kiện và có năng lực huy động nguồn lực trong nước/quốc tế để triển khai nhiệm vụ.
Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST có thể tham gia thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án 844 năm 2021 thuộc 05 nhóm nhiệm vụ chính, bao gồm: Đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp ĐMST; Truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến, tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam; Kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới, kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tham gia các khóa tập huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài; Tổ chức các sự kiện khởi nghiệp ĐMST của các ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu - cơ sở đào tạo có tiềm năng phát triển hoạt động khởi nghiệp ĐMST; Hỗ trợ hoạt động của một số tổ chức vườn ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung.
Theo thống kê của Văn phòng Đề án 844, đến hết năm 2019, thông qua các tổ chức trung gian hỗ trợ KNST được tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ và thông qua chuỗi Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest Vùng và Techfest quốc gia, Đề án 844 đã hỗ trợ được gần 2000 dự án khởi nghiệp ĐMST và 500 doanh nghiệp doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, trong đó có 52 doanh nghiệp kêu gọi được vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng.
Đối với Đề án 844, Nhóm nhiệm vụ Đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp ĐMST luôn được ưu tiên chú trọng hàng đầu. Đối với mục tiêu hình thành đội ngũ hạt nhân để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, nhiệm vụ đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực chuyên sâu cho người đào tạo về khởi nghiệp ĐMST (ToT), huấn luyện viên chuyên nghiệp (Coach), cố vấn, nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor), hướng đến việc nâng cao chất lượng và năng lực, hiệu quả hoạt động của các chủ thể của hệ sinh thái đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, đối tượng đào tạo được đẩy mạnh trong thời gian tới sẽ là các nhà sáng lập, đồng sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, hướng đến nâng cao năng lực quản trị và tầm nhìn quốc tế, qua đó hỗ trợ startup mở rộng thị trường, gia tăng quan hệ đối tác, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Trong năm 2019, sau khi tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện, ghép cặp cố vấn và dự án khởi nghiệp ĐMST trong khuôn khổ Đề án, trường Đại học Huế đã kết nối cho 06 nhóm/doanh nghiệp KNST nhận được quan tâm đầu tư hơn 5 tỷ đồng.
Nhóm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động các tổ chức ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung từ năm 2021 sẽ khuyến khích các sáng kiến giúp gia tăng sự tham gia của các tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các tổ chức cung cấp dịch vụ, sản phẩm giao dịch công nghệ để kết nối các nguồn lực đầu tư, và các gói dịch vụ ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đối với từng lĩnh vực chuyên sâu.
Việc hình thành các chuỗi liên kết từ các dự án khởi nghiệp ĐMST trong trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đến tập đoàn, hiệp hội, quỹ đầu tư mạo, chính quyền, sẽ thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST giải quyết các bài toán từ các doanh nghiệp lớn cũng như của xã hội. Điều này sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực chuyển đổi số, năng lực đổi mới sáng tạo trong các tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và trong các cơ quan chính quyền.
Nhìn lại một số thông tin nổi bật về nhóm nhiệm vụ này trong Đề án 844 những năm vừa qua, có thể kể đến Trung tâm Hỗ trợ Thanh Niên Khởi nghiệp (BSSC) đã tổ chức thành công sự kiện Startup Day và đưa vào hoạt động Sàn giao dịch và đầu tư khởi nghiệp Exchange, quy tụ hơn 200 mô hình khởi nghiệp cùng số tiền đầu tư, giao dịch, hỗ trợ cho startup được quy đổi lên tới hơn 37 tỷ đồng.
Đối với nhóm nhiệm vụ về Kết nối mạng lưới và tổ chức sự kiện khởi nghiệp, Đề án 844 sẽ hỗ trợ những sáng kiến mới nhằm kết nối HST khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với khu vực và quốc tế, có thể là hoạt động tổ chức các diễn đàn, ngày hội trong khu vực; xây dựng nền tảng đổi mới sáng tạo; cung cấp mạng lưới dịch vụ phát triển kinh doanh; các chương trình kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài.…. Một số sáng kiến hiệu quả đã được triển khai tại Việt Nam và trên thế giới thời gian qua như Falab, Impact hub, Youthco:lab, Acccerator Lab, Government Lab,...
Đồng thời, thông qua việc hỗ trợ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo mạnh trong hệ sinh thái, một số chương trình kết nối dịch vụ, đào tạo tập huấn cho KNST ở nước ngoài cũng đã được thực hiện như: Chương trình Runway to the world do Trung tâm Sáng tạo Sài Gòn (SIHUB) triển khai từ năm 2018 đến năm 2020, trao đổi và tập huấn cho 10 doanh nghiệp KNST tại Hàn Quốc, Singapore và Malaysia; Cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt toàn cầu Vietchallenge năm 2019 do Hội sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ và Thành đoàn Hà Nội tổ chức với sự hỗ trợ của Đề án 844 đã triển khai các chương trình kết nối đầu tư và giới thiệu hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam với cộng đồng quốc tế, thông qua chương trình, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đã được tham gia tập huấn tại với các chuyên gia tại Boston, Hoa Kỳ để được hỗ trợ về mặt pháp lý, kết nối đối tác để mở rộng thị trường và kêu gọi được gần 800.000 đô-la Mỹ đầu tư; Tổ chức thúc đẩy kinh doanh ThinkZone cũng đã ký hợp tác với CJCC của Campuchia (Tổ chức đại diện vốn của Jica Japan tại Campuchia) vào tháng 5/2020 để hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp với tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, nhóm nhiệm vụ truyền thông có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST kết nối với thị trường, cũng như thúc đẩy sự thấu hiểu về hoạt động khởi nghiệp ĐMST trong cộng đồng tiếp tục được triển khai trong năm 2021. Theo đó Đề án 844 đặt ra 02 nhiệm vụ cụ thể: Xây dựng các bài học điển hình có khả năng nhân rộng trong Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tại địa phương, ngành, lĩnh vực; và Truyền thông nhằm thu hút nguồn lực quốc tế cho khởi nghiệp ĐMST.
Các hoạt động này sẽ góp phần tăng cường chia sẻ thông tin về các điển hình doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các mô hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp có khả năng nhân rộng, qua đó cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong nước, quốc tế về khởi nghiệp ĐMST Việt Nam, gia tăng cơ hội tiếp cận các nguồn lực tài chính và chuyên gia.
Đến năm 2020, Đề án 844 đã hỗ trợ triển khai 16 nhiệm vụ truyền thông với nhiều chương trình ở phạm vi quốc gia đã được thực hiện trên Đài truyền hình (VTV1, VTV2, VTC, Truyền hình Nhân dân,...), Đài phát thanh (VOV), Báo điện tử và Báo giấy (Báo điện tử VNExpress, Báo Công Thương, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, , ...), thông qua các nhiệm vụ, đã có khoảng 300 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST được hỗ trợ truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng và mạng xã hội. Đáng chú ý, trong công tác truyền thông quốc tế về Techfest Vietnam 2019
do Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) chủ trì đã có hơn 120 trang tin của gần 20 quốc gia trên thế giới đăng tải về các kết quả của sự kiện, đặc biệt là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Sự kiện kết nối – gia tăng sự thấu hiểu dành cho hơn 200 sáng lập viên, nhà quản lý doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các đại diện từ các cơ quan truyền thông, báo chí.
Để tham gia thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 844, các đơn vị nộp bộ hồ sơ gồm thuyết minh, dự toán và các văn bản, giấy tờ chứng minh kèm theo về địa chỉ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (Phòng 1116, trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Số 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội). Hạn cuối nộp hồ sơ: 17h ngày 07/09/2020. Các đơn vị xem thêm về tài liệu đăng ký và hướng dẫn tham gia nhiệm vụ tại website
http://dean844.most.gov.vn/.
Tin, ảnh: Đăng Minh