Liên kết, phối hợp các phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm là một trong những nhiệm vụ của đề án (Ảnh
Đề án đổi mới đồng bộ cơ chế quản lý và chính sách phát triển khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt mới đây.
Đề án được thực hiện với mục tiêu chung là xây dựng cơ chế, chính sách về KH&CN mang tính đồng bộ, tập trung khắc phục những tồn tại bất cập trong hoạt động quản lý KH&CN, đề ra những giải pháp mang tính thực tiễn nhằm đưa công tác quản lý, nghiên cứu và ứng dụng KH&CN phục vụ tốt cho phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, phấn đấu xây dựng Bình Thuận trở thành một tỉnh có trình độ KH&CN trung bình khá, vươn tới trình độ KH&CN phát triển khá đến năm 2020.
Theo đó đề án xây dựng và triển khai các nhiệm vụ: Xây dựng kế hoạch tập huấn, đào tạo các chuyên gia tư vấn, môi giới, dịch vụ chuyển giao và thẩm định công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, hạt nhân, thông tin KH&CN... thuộc các thành phần kinh tế; Hỗ trợ kinh phí để mua giải pháp hữu ích, sáng chế công nghệ để ứng dụng thông qua các đề tài, dự án; Quy chế liên kết, phối hợp các phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm; Xây dựng chương trình hợp tác trong lĩnh vực KH&CN với các cơ quan khoa học Trung ương và các trường Đại học; Xây dựng chợ ảo công nghệ trên mạng thông tin và mạng thông tin về thị trường KH&CN.
Sở KH&CN Bình Thuận được giao nhiệm vụ là cơ quan thường trực, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trên.
Diệu Huyền