KH&CN địa phương Thứ tư, 24/04/2024 , 02:31 am
Cập nhật : 23/11/2017 , 18:11(GMT +7)
Bình Phước: Ứng dụng tiến bộ KH&CN giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường
Sơ đồ khối tạo ra sản phẩm của công nghệ Hudavil.
Với mục tiêu xây dựng được mô hình sản xuất các chế phẩm sinh học Hudavil và phân bón Hudavil Bình Phước từ các chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại địa phương, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Bình Phước đang triển khai một Dự án do Bộ KH&CN giao và sử dụng công nghệ từ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) trực tiếp chuyển giao.

Báo động vấn đề ô nhiễm môi trường

Bình Phước hiện có 449.586ha cây trồng gồm cây lương thực có hạt, cây công nghiệp hàng năm, cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, hồ tiêu, điều, sắn. Theo số liệu thống kê, Bình Phước vẫn là một tỉnh thuần nông, để hướng theo một nền sản xuất nông nghiệp bền vững, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh rất cần thiết.

Ông Trịnh Kiều Dung – Chủ nhiệm Dự án cho biết, đánh giá điều tra thổ nhưỡng cho thấy, quá trình thâm canh tăng năng suất do sử dụng quá nhiều phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đã làm đất bị thoái hóa, các vi sinh vật có ích rất khó phát triển. Để duy trì phát triển bền vững, mỗi ha cây trồng ngoài lượng phân chuồng, phân vô cơ còn cần khoảng 1.000kg phân hữu cơ vi sinh, nhằm cải tạo bổ sung mùn hữu cơ và các chủng vi sinh vật hữu ích cho đất.

Ông Dung cũng cho biết thêm, hiện Bình Phước có 6 nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động, công suất thấp nhất 400 tấn/ngày, cao nhất 1.800 tấn/ngày. Bình quân công suất hoạt động của các nhà máy khoảng 180 ngày/năm, tương đương với lượng chất thải rắn khoảng 63.000 tấn/năm và lượng bùn thải từ các hồ sinh học hàng năm khoảng 60.000 tấn. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang báo động do nước thải, vỏ củ sắn, trong khi công nghệ xử lý ô nhiễm nguồn nước thải hiện có chủ yếu áp dụng phương pháp hồ sinh học truyền thống, một số nghiên cứu áp dụng kỹ thuật sản xuất Biogas, nhìn chung chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt bùn lắng các hồ sinh học và vỏ củ sắn (7% số lượng củ sắn tươi) là đối tượng gây ô nhiễm bao gồm các chất hữu cơ, xianua, H2S, các vi khuẩn gây hại.

Hiện cũng đã có 4 doanh nghiệp khai thác, chế biến than bùn phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ nhưng đều sản xuất ở quy mô nhỏ và chưa được đầu tư đầy đủ về dây chuyền sản xuất, đặc biệt là công đoạn sản xuất dịch men vi sinh. Do đó, sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng về số lượng cũng như chất lượng như mong muốn.

Theo ông Dung, xuất phát từ tình hình kinh tế xã hội, các vấn đề và điều kiện của tỉnh, nhóm nghiên cứu đã đề xuất thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học Hudavil và sản xuất phân bón Hudavil Bình Phước từ các chất thải rắn và bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột sắn tại tỉnh Bình Phước” và đã được Bộ KH&CN phê duyệt triển khai từ tháng 01/2017 đến tháng 01/2020. Công nghệ do Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trực tiếp chuyển giao.

Hiệu quả kép

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc triển khai Dự án sẽ tạo ra hiệu quả kép. Dự án sẽ góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Trung ương và địa phương về tập trung “tái cấu trúc” ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất “nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao”. Đồng thời, sẽ xử lý ô nhiễm nguồn chất thải sau sản xuất tinh bột sắn và tái chế nguồn chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh (hiện thiếu hụt 429.568 tấn/năm so với nhu cầu tối thiểu). Đưa tiến bộ KH&CN về sinh học đến với bà con nông dân vùng sâu vùng xa, giảm chi phí phân bón, tăng hiệu quả kinh tế và sản xuất nông nghiệp bền vững. Không chỉ các địa bàn xây dựng mô hình mà còn nhân rộng ra các loại cây trồng khác với quy mô lớn hơn.

Sản phẩm từ công nghệ Hudavil đã được chuyển giao cho tỉnh Cà Mau.

Nói về công nghệ chuyển giao, ông Dung cho biết, công nghệ Hudavil cho phép cơ sở tiếp nhận làm chủ hoàn toàn trong quá trình sản xuất dịch men vi sinh và tạo ra sản phẩm (bao gồm dây chuyền, thiết bị, kỹ thuật, bí quyết sản xuất). Mỗi modul của công nghệ Hudavil cho phép mỗi ngày xử lý 100 tấn chất thải rắn của các nhà máy. Đây là kết quả nghiên cứu của các đề tài dự án cấp Quốc gia do Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên chủ trì. Hudavil đã được cấp bằng độc quyền về Giải pháp hữu ích và có 5 nhãn hiệu, kiểu dáng độc quyền. Dự án này sẽ sử dụng 8/12 chủng vi sinh vật hữu ích đã được tuyển chọn của các nghiên cứu nói trên. Hudavil tạo ra 6 loại sản phẩm phân bón sinh học và vi sinh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép sản xuất, lưu thông ở Việt Nam từ năm 1994 đến nay và đã nhận được nhiều giải thưởng về KH&CN.

Ông Đoàn Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHKT Bình Phước cho rằng, mô hình này rất thích hợp áp dụng ở Bình Phước khi mỗi ngày 6 nhà máy tinh bột sắn thải ra 350 – 500 tấn vỏ lụa, sắn vụn. Việc đầu tư xây dựng ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học Hudavil từ chất thải rắn, bùn hồ sinh học của các nhà máy chế biến tinh bột sắn có ý nghĩa rất lớn. Ngoài việc xử lý triệt để chất thải rắn thải ra môi trường gây ô nhiễm còn tận dụng được sản phẩm sau xử lý cho việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, đặc biệt giá thành rẻ hơn so với than bùn.

Dự kiến, các loại phân bón Hudavil được bán ra thị trường giảm 15 - 20% giá thành so với các loại phân bón khác tương đương. (Giá than bùn tại Bình Phước trung bình khoảng 600.000đ/tấn còn giá của sản phẩm sau xử lý chất thải của nhà máy tinh bột mì vào khoảng 150.000đ/tấn (trong đó 50.000đ cho xử lý sơ bộ và lựa chọn, 100.000đ cho cước phí vận chuyển). Đơn vị tiếp nhận công nghệ sẽ làm chủ được quy trình sản xuất dịch men vi sinh vật trên thiết bị liên hoàn, mật độ tế bào vi sinh vật đạt 109 - 1010CFU/ml và đủ khối lượng để xử lý chất thải ở quy mô sản xuất công nghiệp. Công nghệ (bao gồm kỹ thuật và thiết bị) còn cho phép sản xuất ra các chế phẩm vi sinh giúp bà con nông dân tự xử lý chất thải gia súc, gia cầm ở quy mô hộ gia đình, đồng thời xử lý tốt hơn nguồn nước thải ở các hồ sinh học của các nhà máy sản xuất tinh bột sắn.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất cũng như nguồn lực con người, tài chính và đã có kết quả bước đầu. Ngoài những kết quả như trên đã đề cập, dự kiến sẽ có 5 mô hình ứng dụng (sản phẩm do công nghệ tạo ra) cho 5 loại cây trồng chủ lực (cây ăn quả, sắn, cà phê, hồ tiêu, điều). Mỗi mô hình tối thiểu 50ha tại 5 huyện miền núi tỉnh Bình Phước (Phú Riềng, Phước Long, Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh) với năng suất tăng 10 - 15%, lợi nhuận tăng 20 - 30% so với đối chứng. Dự án cũng sẽ đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở làm chủ công nghệ sản xuất, tập huấn kỹ thuật cho 150 lượt người dân.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên







 



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner