Các chuyên gia trong nước và quốc tế nhận định như trên tại hội thảo của Nhóm làm việc về Biến đổi khí hậu (CCWG) và đại diện của tổ chức quốc tế về nghiên cứu môi trường ( DARA Internationa) diễn ra ngày 10/1, tại Hà Nội.
Theo đó, trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, đóng góp quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu. Điều này càng được khẳng định chắc chắn hơn nếu như Việt Nam đưa ra được những chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu hợp lí sẽ giúp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn cũng như góp phần bảo vệ sức khỏe người dân trước những biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện là một trong số các nước dễ bị tổn thương nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu, điều này sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế vĩ mô bởi ngành nông nghiệp tại Việt Nam hiện chiếm tới 20% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) và hơn một nửa lực lượng lao động tập trung cho ngành này. Ngoài ra, ô nhiễm không khí từ giao thông vận tải, đô thị công nghiệp (phát thải nhiều carbon), các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa bởi các hình thức nấu ăn, sưởi ấm độc hại do đốt củi, than,… cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.
Cũng theo báo cáo tại hội thảo, khí hậu tại Việt Nam sẽ tiếp tục nóng lên, gây ra những đợt hạn hán và thiệt hại về thủy sản do nhiệt độ ngày càng vượt xa các mức lịch sử trước đây. Các tác động được ước tính sẽ tăng mạnh về mức độ nghiệm trọng trong vòng 20 năm tới. Nghiên cứu cho thấy, số ngày và đêm nóng đã tăng lên tương ứng là 30 ngày và 50 đêm khi so sánh với khí hậu của Việt Nam những năm 1960.
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ những kinh nghiệm trên cơ sở nền tảng ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, thông qua các chương trình như: Bảo vệ, phát triển bền vững rừng, tăng cường hấp thụ khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học; Phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến trong ứng phó với biến đổi khí hậu; Đảm bảo an ninh lương thực và tài nguyên nước; Ứng phó tích cực với nước biển dâng phù hợp với các vùng dễ bị tổn thương,…
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ cũng như hiện đại hóa nông nghiệp qua hệ thống thủy lợi trong thời gian tới.
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp