Trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp nhà nước “Nghiên cứu triển khai ghép đồng thời tụy thận từ người cho chết não", mã số KC.10.27/11-15, các nhà khoa học, bác sĩ thuộc Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y) đã xây dựng thành công các quy trình kỹ thuật ghép đồng thời tụy, thận từ người cho chết não. Đặc biệt, đã thực hiện thành công 01 ca ghép đồng thời tụy, thận lấy từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam.
Thông tin được đưa ra tại buổi họp Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước do Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.10/11-15 và Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (Bộ KH&CN) tổ chức ngày 21/12/2015 tại Hà Nội.
Đề tài KC.10.27/11-15 do PGS.TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 làm chủ nhiệm, thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước “Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” (KC.10/11-15) được thực hiện từ tháng 4/2013 đến tháng 6/2015.
Qua quá trình nghiên cứu thực nghiệm, tài liệu, học tập ở nước ngoài và thực tiễn lâm sàng, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Cụ thể, đã xây dựng thành công mô hình tổ chức ghép đồng thời tụy, thận lấy từ người cho chết não; qui trình tuyển chọn bệnh nhân ghép đồng thời tụy thận; quy trình chăm sóc, hồi sức người chết não cho tụy, thận; quy trình kỹ thuật lấy, rửa và bảo quản tụy và thận lấy từ người cho chết não; quy trình kỹ thuật ghép đồng thời tụy, thận lấy từ người cho chết não; quy trình hồi sức, điều trị theo dõi sau ghép đồng thời tụy, thận; thực hiện thành công 01 ca ghép đồng thời tụy thận lấy từ người cho chết não.
Theo nhóm nghiên cứu, người hiến tạng là một người 34 tuổi, sinh sống tại Hà Nội bị chết não do tai nạn giao thông. Người được ghép tụy, thận là một quân nhân 43 tuổi mắc bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin đã có biến chứng suy thận và tăng huyết áp. Thận ghép là thận phải, được ghép vào hố chậu trái. Toàn bộ tụy cùng khúc 2 tá tràng được ghép vào hố chậu phải, theo mô hình trung tâm/bàng quang.
Sau mổ, chức năng tụy và thận ghép phục hồi sớm, ổn định. Giai đoạn đầu sau mổ có một số biến chứng nhẹ, được kiểm soát tốt. Sau một năm theo dõi, toàn trạng bệnh nhân ổn định, sức khỏe phục hồi tốt, chức năng tụy và thận ghép bình thường, đạt tiêu chí thành công về ghép và không có thải ghép.
Toàn cảnh buổi họp Hội đồng KH&CN nghiệm thu cấp Nhà nước
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã khẳng định bước phát triển mới của ngành ghép tạng Việt Nam với khả năng triển khai ghép thêm một tạng mới - tụy tạng và tiến hành ghép đa tạng. Thành công của đề tài cũng thúc đẩy các chuyên ngành Y học liên quan phát triển, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời mang lại niềm hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường phụ thuộc insulin đặc biệt đối với những bệnh nhân có biến chứng suy thận và các bệnh nhân bị suy đa tạng do các nguyên nhân khác nhau.
Bệnh viện Quân y 103 là nơi diễn ra các ca ghép tạng thành công đầu tiên của Việt Nam, mở đầu là ghép thận (1992), tiếp đến là ghép gan (2004), ghép tim (2010) và nay là ghép tụy - thận, mở ra cơ hội sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo có nhu cầu ghép tạng.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao những nỗ lực cũng như kết quả của nhóm nghiên cứu. Hội đồng KH&CN nghiệm thu cấp Nhà nước đã nhất trí thông qua và đánh giá đề tài đạt loại Xuất sắc.
Tin, ảnh: Hạnh Nguyên