Hoạt động KH&CN Thứ bảy, 27/04/2024 , 03:10 am
Cập nhật : 21/08/2014 , 22:08(GMT +7)
Bảo tồn, phát triển nguồn gen vật nuôi: Nhiều loài thoát khỏi tình trạng tuyệt chủng
Nhiều giống lợn đã thoát được nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: HN
Chương trình bảo tồn nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật nói chung và bảo tồn nguồn gen vật nuôi nói riêng ở Việt Nam đã trải qua hơn hai thập kỷ. Nhiều thành tích có ý nghĩa khoa học đã được tổng kết, có 74 nguồn gen đã được đưa vào danh sách cần được bảo tồn, lưu giữ, sử dụng có hiệu quả trong sản xuất, nhiều nguồn gen đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng Tuy nhiên, công tác này cũng đang gặp nhiều khó khăn cần sớm giải quyết trong thời gian tới.

Vấn đề cấp bách

Trong bối cảnh bùng nổ dân số và sự thay đổi không thuận lợi của môi trường, an toàn lương thực, thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của các nước nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhu cầu thực tế cũng đòi hỏi cần có các giống cho năng suất cao, trong khi rất nhiều giống vật nuôi bản địa đang có nguy cơ mất đi. Các giống vật nuôi lại là nguồn gen quý, đa dạng để khai thác, phát triển và lai tạo ra các giống thương phẩm trong tương lai và tạo ra hệ thống nông nghiệp bền vững.

Trước thực tế đó, từ những năm 1990 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã giao Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện chương trình Bảo tồn nguồn gen vật nuôi. Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chương trình giống vật nuôi, cây trồng đã coi việc bảo tồn nguồn gen là một bộ phận quan trọng nhằm thúc đẩy sản xuất, giúp việc chuyển đổi nhanh giống vật nuôi phù hợp với môi trường.

Chương trình hướng đến mục tiêu bảo tồn các nguồn gen vật nuôi Việt Nam hiện có nhằm đảm bảo sự đa dạng trong từng loài, giống/dòng và tránh đồng huyết đến mức tối đa, góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học; tìm kiếm nguồn gen vật nuôi tiềm ẩn, đánh giá nguồn gen của một số đối tượng và tư liệu hóa nguồn gen; khai thác và phát triển nguồn gen vật nuôi có tiềm năng đưa ra sản xuất;…

Viện Chăn nuôi đã tổ chức điều tra, khảo sát và thu thập bổ sung nguồn gen; nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để phục tráng các nguồn gen vật nuôi; nghiên cứu xây dựng, phát triển các khu vực nuôi các loài con quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc quan trọng phục vụ kinh tế - xã hội, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và môi trường; đánh giá chi tiết các nguồn gen; bảo tồn an toàn nguồn gen theo đặc điểm sinh học của từng đối tượng;… Đồng thời khai thác, phát triển nguồn gen vật nuôi dạng thuần và dạng lai tạo.

Nhiều loài thoát khỏi tình trạng tuyệt chủng

Tính đến hết năm 2013, Viện Chăn nuôi đã xây dựng được mạng lưới gồm 38 cơ sở/ đơn vị có nguồn gen tham gia thực hiện, phối hợp với các tổ chức quốc tế như FAO, UNDP, NGO,… làm công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi của Việt Nam. Đồng thời xây dựng cơ sở vật chất giúp công tác bảo tồn, lưu giữ và tạo giống được đảm bảo an toàn hơn. Hệ thống chuồng trại của các Trung tâm, Trạm trại dược xây dựng, cải tạo nâng cấp, mở rộng khu chăn nuôi để nuôi giữ các nguồn gen có năng suất cao một cách ổn định với quy mô hợp lý trên các địa bàn khác nhau trong cả nước. Bộ KH&CN đã phê duyệt cho xây dựng Phòng Thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật tại Viện Chăn nuôi với các hệ thống thiết bị máy móc hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu đánh giá di truyền phân tử, tinh, phôi, AND,...

Triển khai nhiệm vụ này, đã có 74 đối tượng nguồn gen được đưa vào danh sách cần được bảo tồn, lưu giữ. Trong số này đã có nhiều đối tượng nguồn gen được sử dụng có hiệu quả trong sản xuất và đưa ra phát triển nhân rộng như gà H’mông, gà Ác, gà Hồ, vịt Cỏ, vịt Kỳ Lừa, vịt Đốm, cừu Phan Rang, lợn Móng Cái,…

Ngoài việc bảo tồn, lưu giữ nguồn gen hiện có, công tác điều tra, tìm kiếm thu thập bổ sung nguồn gen cũng được thực hiện thông qua các đề tài dự án trong nước và quốc tế. Kết quả, đã phát hiện ra 20 nguồn gen mới, bổ sung vào danh sách các đối tượng nguồn gen đã có như trâu Langbiang (Lâm Đồng), trâu Bảo Yên (Lai Châu), gà Liên Minh (Quảng Ngãi), lợn Mường Lay (Cao Bằng), gà Kiến (Bình Định),…

Qua công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen, Viện đã phân loại mức độ đe dọa nguồn gen vật nuôi theo tiêu chí của FAO. Nhờ đó, đến nay một số đối tượng ở tình trạng báo động về nguồn gen đã thoát hiểm và được đưa ra phát triển như gà Liên Minh, vịt Đốm, vịt Kỳ Lừa,… Đặc biệt đã cứu vãn được một số nguồn gen khỏi nguy cơ tuyệt chủng như lợn Ỉ, lợn Ba Xuyên, lợn Móng Cái, gà Hồ, ngựa Bạch, vịt Bầu Bến,…

Ngoài ra, đã xây dựng được hệ thống dữ liệu về quỹ gen, tuyển tập kết quả nghiên cứu, xuất bản 5 cuốn sách, xây dựng 9 bộ phim phát trên truyền hình về bảo tồn nguồn gen vật nuôi.

Mặc dù các hoạt động bảo tồn quỹ gen được quan tâm hơn thời gian gần đây nhưng theo ông Hoàng Văn Tiệu - Viện Chăn nuôi, vấn đề lớn nhất vẫn là kinh phí. Các cơ quan tài trợ cũng đứng trước nhiều khó khăn. Thêm vào đó, nạn phá rừng vẫn phổ biến, biến đổi khí hậu đe dọa sự tồn vong của các giống, loài. Vì vậy, trọng tâm cho hoạt động này những năm tới là: bảo vệ an toàn tuyệt đối, khai thác triệt để các nguồn gen hiện có; tìm kiếm thu thập và đưa vào bảo tồn các nguồn gen bản địa được phát hiện; đầu tư hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở/địa phương nơi có đối tượng nguồn gen; đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn, lưu giữ để nhân thuần các đối tượng nguồn gen;…

Trước tình hình nói trên, thiết nghĩ nhà nước cần xây dựng chiến lược bảo tồn và khai thác nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật nói chung và nguồn gen vật nuôi nói riêng. Đồng thời tăng cường nguồn kinh phí hàng năm cho công tác bảo tồn gen cây trồng, vật nuôi. Có kế hoạch đào tạo cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về công tác lưu trữ và bảo tồn nguồn gen; từng bước đưa nội dung khai thác, phát triển nguồn gen vào chương trình khuyến nông quốc gia. Có như vậy, công tác bảo tồn và khai thác nguồn gen sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế lớn hơn nhằm góp phần an sinh xã hội đất nước.

Quỳnh Chi

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner