Không thể phủ nhận vai trò của báo chí là cánh tay nối dài đưa khoa học công nghệ (KHCN) đến với công chúng. Thế nhưng, con đường đưa báo chí trở thành cầu nối truyền thông không hề dễ dàng khi lĩnh vực tiếp cận “khó”, “khô”, “khổ” và nguồn nhân lực viết về KHCN vừa thiếu, vừa chưa chuyên nghiệp.
Khó, khô và khổ
Khó, khô và khổ - đó là nhận định của Vụ trưởng Hà Huy Hồng, Trưởng ban Khoa giáo Báo Nhân dân khi nói về công tác truyền thông trong lĩnh vực KHCN. Cái khó được nói tới ở đây là nhà báo phải am hiểu bản chất KHCN của vấn đề, thậm chí khi đối diện với những thuật ngữ hóc búa, phải biết lý giải để biến vấn đề khó hiểu thành những điều dễ hiểu. Rõ ràng, độc giả không phải ai cũng biết về KHCN và đây cũng là trọng trách đặt ra cho những nhà báo viết về lĩnh vực này, làm sao đưa vấn đề khoa học vừa trúng, vừa đúng lại vừa gần gũi với đời sống người dân.
Song, nếu chỉ viết chính xác thôi sẽ rất khó thu hút độc giả quan tâm bởi lẽ đặc thù của lĩnh vực này là số liệu rất nhiều với thuật ngữ khô khan mà không phải ai cũng hứng thú. Điều này đòi hỏi những bài báo viết ra phải sinh động, “chân thành, nhiệt tình, nắm vững kiến thức và có nhiều dữ kiện cụ thể để minh chứng thêm cho thông điệp của mình” - PGs. Ts Đinh Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh.
Cũng như mọi lĩnh vực khác, phóng viên viết về KHCN phải điều tra, tìm tòi mới mong hiểu được bản chất của sự việc, vấn đề và rõ ràng muốn viết được hay, thu hút người đọc, việc tiếp cận các nhà khoa học - những người thường cần mẫn trong phòng thí nghiệm hoặc trên đồng ruộng là điều không hề dễ dàng. Thực tế cho thấy, đa phần các nhà khoa học ít đăng tải thông tin về những sáng tạo, ứng dụng KHCN của mình trên phương tiện thông tin đại chúng, nếu có thì thông tin cũng không dồi dào lại phức tạp nên khó hấp dẫn người đọc. Hầu hết thông tin KHCN được biên soạn ở dạng báo cáo khoa học khô khan nên công chúng rất khó tiếp nhận những bài báo như vậy. Đây cũng chính là thách thức đặt ra cho những người cầm bút, buộc họ phải đi, phải đến và tìm hiểu nhằm đưa thông tin thiết thực đến với người dân.
Nhân lực thiếu và yếu
Hiện các nhà báo chuyên viết về mảng KHCN còn mỏng về số lượng, chưa đều về chất lượng với tỷ lệ không nhỏ chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực KHCN là nhận định của nhiều chuyên gia. Thời gian gần đây, truyền thông KHCN phát triển nhanh tới mức các nhà quản lý truyền thông cũng khó nắm bắt hết được mọi ngõ ngách của sự phát triển này. Thế nhưng, không kể báo chí chuyên ngành mà hầu hết các cơ quan truyền thông đều theo xu hướng chính trị, kinh tế - xã hội phổ quát chứ không xoáy sâu vào nội dung cụ thể trong đó có KHCN.
Việc chạy đua thông tin để giành giật thị trường công chúng là một thực tế nên KHCN chưa thực sự trở thành mối quan tâm của giới truyền thông. Dễ dàng nhận thấy nhiều cơ quan thông tin đại chúng ít chuyên mục, chuyên đề về KHCN hay nói cách khác xu hướng KHCN đều mang tính bán hàng, đưa tin về những sản phẩm được ưa chuộng, nhất là báo mạng dành nhiều diện tích, thời lượng lớn cho những thông tin này. Nhiều báo đài lớn cũng chưa có ban chuyên đề, phóng viên chuyên ngành, chuyên sâu và đủ trình độ về KHCN. “Thậm chí có tờ báo khoa học cũng không mang tính đặc thù về KHCN mà chạy theo thị trường là chủ yếu” - Nguyên Tổng biên tập Nhà báo và Công luận Trần Đức Chính nói.
Không chỉ thiếu nguồn nhân lực mà tính chuyên nghiệp của phóng viên khi viết về KHCN cũng là vấn đề được đặt ra. Tốc độ phát triển kinh tế đã thúc ép các cơ sở hoạt động truyền thông “mọc lên như nấm sau cơn mưa” nhưng “thử hỏi có bao nhiêu phần trăm nhân lực làm truyền thông về KHCN được đào tạo một cách chuyên nghiệp” cũng là băn khoăn của nhiều chuyên gia. Nhìn một cách tổng thể, không chỉ thiếu nhân lực làm truyền thông chuyên nghiệp mà còn thiếu trầm trọng những người đào tạo truyền thông chuyên nghiệp.
“Sự thiếu chuyên nghiệp không chỉ từ nhận thức, phương pháp mà còn từ kỹ năng làm việc, nếu như sự thiếu hụt này không được khỏa lấp cơ bản thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu tính chuyên nghiệp về truyền thông KHCN trên phạm vi rộng” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Đang tồn tại một thực tế mà hầu hết các cơ quan báo chí truyền thông nào cũng vướng phải là sự thiếu ổn định khi phân công phóng viên chuyên theo dõi KHCN. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến kiến thức về lĩnh vực này của nhiều phóng viên còn hời hợt, chưa sâu rộng và thiếu chuyên nghiệp. Bản thân những nhà báo viết về đề tài này cũng thiếu kiến thức chuyên sâu, thường ít được tạo điều kiện trong các hoạt động chuyên nghiệp. Theo Phó trưởng Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Đỗ Thị Thu Hằng: “đề tài này vừa khó vừa ít được đánh giá cao nên nhiều nhà báo thiếu động lực để viết là thực trạng phổ biến hiện nay”.
Mặt khác, hiện quá hiếm các khóa đào tạo, tập huấn trong nước được tổ chức với nội dung đào tạo báo chí chuyên về KHCN với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này đối với kinh tế xã hội và phát triển bền vững quốc gia. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ công chúng tiếp cận thông tin về KHCN một cách phiến diện, thiếu tính khách quan, thậm chí là sai lệch về sản phẩm, dịch vụ gắn với KHCN mới.
Thực tế đó đã đòi hỏi phải có những cú hích, định hướng từ đội ngũ lãnh đạo làm công tác KHCN cũng như thay đổi quan điểm của những người đào tạo báo chí nhằm phát triển bài bản nguồn nhân lực truyền thông để thực sự là cầu nối đưa KHCN tới người dân.