Hàng loạt những nguyên nhân gây thương tích cho Cụ Rùa Hồ Gươm đã được các nhà khoa học đưa ra “mổ xẻ”. Tuy chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần sớm chữa trị vết thương cho “Cụ”.
Việc cứu chữa thực sự cấp bách
Ngày 15/2/2011, tại Hà Nội, gần 50 nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng đại diện các cơ quan quản lý của TP Hà Nội đã cùng thảo luận về giải pháp tổng thể bảo vệ Rùa Hồ Gươm. Theo ông Hà Đình Đức – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện tượng Cụ Rùa xuất hiện nhiều là điều không bình thường. Hiện nay, việc cứu chữa vết thương cho Cụ Rùa không chỉ ở giai đoạn khám chữa bệnh từ từ mà đã ở giai đoạn cần cấp cứu.
“Sức khỏe của Cụ Rùa gần đây tỏ ra kém hẳn, bơi lội chậm chạp. Do đó chúng ta cần thống nhất quyết định xử lý vết thương ở cổ và các sây sát ở viền mai cho Cụ”, GS.TS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cũng đồng quan điểm, đồng thời nhấn mạnh: Cần đưa Cụ lên bờ ngay để rửa vết thương rồi thả lại hồ.
ThS. Kim Văn Vạn- Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội cũng đồng quan điểm việc đưa Cụ Rùa lên chữa trị rất khả thi vì rùa có thể hô hấp được trên cạn. Biện pháp xử lý hiệu quả nhất là đưa Cụ Rùa lên cạn để xử lý đồng bộ các vết loét trên người một cách triệt để, đồng thời xử lý môi trường trong hồ như nạo vét bùn, xử lý nước.
Về việc dùng thuốc cứu Cụ Rùa khi đưa lên bờ, TS. Phan Thị Vân - Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 nêu những vấn đề khó khăn khi sử dụng biện pháp này. Theo bà, trường hợp đưa thuốc vào cơ thể Rùa bằng đường thức ăn sẽ rất khó vì không biết Cụ Rùa Hoàn Kiếm có ăn hay không. Trường hợp tiêm thuốc cho Cụ Rùa cũng rất khó khăn vì tính toán liều tiêm bao nhiêu cho hiệu quả. Nếu bôi trực tiếp vào vết thương, sẽ phải thực hiện thao tác đưa Cụ lên nhiều lần. Còn phương án tắm thuốc cho Cụ Rùa có thể dẫn đến rủi ro về hô hấp.
Theo các nhà khoa học, một điều quan trọng là nên gắn chip vào Rùa để theo dõi sự dịch chuyển cũng như có những hình ảnh khi Cụ ở dưới nước. Có hình ảnh cụ thể thì việc giải quyết các tình huống rùa bị thương sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Bắt rùa tai đỏ và cải tạo môi trường hồ
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm cải tạo, phục hồi hiện trạng vốn có của hồ Hoàn Kiếm. Thậm chí, đã thực hiện giải pháp hút bùn ngầm sử dụng công nghệ và thiết bị của CHLB Đức, đã hút thử nghiệm khoảng 1000m2 mặt hồ. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, giải pháp này lại có nhược điểm là chỉ hút được bùn mà không loại bỏ được dị vật như gạch, đá, bê tông, chai lọ thủy tinh, cành cây,… có trong hồ. Trong khi, khả năng lớn nhất gây ra các viết thương, trầy xước cho Rùa là do các dị vật sắc cạnh trong lòng hồ.
Từ những dấu hiệu ô nhiễm nặng về nguồn nước của Hồ Gươm, các nhà khoa học cho rằng việc chữa trị cần phải tiến hành song song với các giải pháp cải tạo môi trường.
KS. Nguyễn Văn Thịnh – Phó Giám đốc Cty TNHH Kỹ thuật – Công nghệ và Thương mại HTH đã đưa ra ý tưởng chế tạo thiết bị bắt rùa tai đỏ dựa trên đặc tính thích phơi nắng và thích ăn xác động vật chết. Ông Thịnh cũng đưa ra ý tưởng chế tạo thiết bị nạo vét các dị vật có trong hồ như gạch, đá, bê tông, cành cây,…; thiết bị hút và lọc tuần hoàn nước hồ; nạo vét bùn cục bộ ở một vài vị trí để tạo rốn hồ; làm giàu Oxi cho hồ bằng thiết bị tạo vi bọt;…
Có thể thu gom rùa tai đỏ bằng cách sử dụng lồng bằng nhựa hoặc inox có kích thước phù hợp để không làm ảnh hưởng đến Cụ Rùa. Cũng có thể sử dụng bè nổi ở Hồ Gươm để rùa tai đỏ bò lên, vì loại rùa này rất thích sưởi nắng, sau đó sẽ rung cho rùa rơi xuống, ở dưới có lưới kéo lên để thu gom.
"Đưa Cụ Rùa lên bờ nên là giải pháp cuối cùng"
Trong khi hầu hết các nhà khoa học trong nước đồng tình với ý kiến đưa Cụ Rùa lên bờ để chữa trị thì ông Tim McCormack, điều phối viên Chương trình Rùa Châu Á lại cho rằng: việc đưa cá thể ra khỏi hồ để chữa trị nên được coi là giải pháp cuối cùng. Những rủi ro nghiêm trọng của chấn thương mới hoặc tử vong có thể xảy ra nếu di chuyển Rùa để điều trị mà không có đủ cơ sở vật chất, chuyên môn thú y. Trường hợp sức khỏe của Rùa ngày càng biểu hiện xấu đi, nên có sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm. Nhóm chuyên gia quốc tế về rùa mai mềm kích thước lớn sẵn sàng đến Việt Nam để giúp đỡ việc chữa trị nếu có yêu cầu.
Việc lấy mẫu AND để xác định rõ Rùa Hồ Gươm thuộc thể giống nào, có cùng giống với rùa ở hồ Đồng Mô (Sơn Tây – Hà Nội) hay không để phối giống cũng là điều vô cùng quan trọng. Ông Tim McCormack cho biết, Rùa Hồ Gươm nằm trong danh sách động vật quý hiếm, chuẩn bị tuyệt chủng. Ở Trung Quốc nơi ông đến họ cũng đã thực hiện để phối giống cho loại Rùa quý như Rùa ở Hồ Gươm này.
Tại Hội thảo này đã có hàng chục các giải pháp được đưa ra để cứu chữa vết thương cho Cụ Rùa. Tuy nhiên những giải pháp cuối cùng sẽ được chọn trong thời gian sắp tới. Ngay sau Hội thảo, các giải pháp tổng thể bảo vệ Rùa Hồ Gươm sẽ được UBND TP Hà Nội thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Nguyễn Hạnh