Chính sách KH&CN Thứ bảy, 20/04/2024 , 09:19 am
Cập nhật : 15/12/2016 , 14:12(GMT +7)
Bài 3: Giải pháp nào cho phát triển nguồn nhân lực KH&CN?
Sử dụng nhân lực KH&CN đứng trước nhiều thách thức.
Có thể khẳng định, lực lượng cán bộ nghiên cứu và phát triển (KH&CN) - lực lượng nòng cốt, trực tiếp tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo, là động lực phát triển KH&CN và kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, các chính sách nhân lực khoa học và công nghệ (KH&CN) có liên quan đến tiền lương, điều kiện hoạt động nghiên cứu và phát triển (NC&PT), quản trị nhân sự NC&PT đang là các trở lực lớn. Vậy, đâu là giải pháp để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực này trong thời gian tới?

Nhiều thách thức

Theo Báo cáo tổng quan của OECD và Ngân hàng Thế giới năm 2014 về KH, CN và Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, trong năm 2000 có tới 40% người Việt Nam có tay nghề cao (sau trung học phổ thông) di cư, và trong năm 2003 có 80,8% cán bộ nghiên cứu (CBNC) Việt Nam di cư sang Hoa Kỳ. Nguyên nhân thiếu hụt nhân lực NC&PT, hiệu quả hoạt động KH&CN thấp, không kích thích, phát huy được tài năng sáng tạo của đội ngũ CBNC, không thu hút, “giữ chân” được nhân tài, đặc biệt là lực lượng cán bộ NC&PT trẻ.

Theo ông Nguyễn Đình Minh – Tổng Thư ký Hội đồng Chính sách KH&CN Quốc gia, mặc dù cơ chế, chính sách phát triển nhân lực KH&CN đã được chú trọng. Số lượng các văn bản có nội dung liên quan đến chính sách đối với nhân lực KH&CN đã tăng lên nhưng việc sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN hiện nay đang đứng trước những khó khăn, thách thức do áp lực toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nguy cơ “chảy máu chất xám” ngày một gia tăng.

Về cơ bản, chính sách đối với nhân lực KH&CN nằm trong chính sách chung đối với viên chức nhà nước, chưa có chính sách chung đối với toàn bộ nhân lực KH&CN nói chung. Gần đây, một số chính sách mới được ban hành, trong đó có chính sách trọng dụng với nhóm những nhà khoa học có trình độ cao, có thâm niên hoặc tài năng nhưng vẫn bị ràng buộc bởi những quy định chung về cơ chế tài chính, về khung chính sách dành cho viên chức nói chung.

Cũng theo nhiều chuyên gia, mức thù lao, đãi ngộ cho nhà khoa học chưa căn cứ theo trình độ chuyên môn mà theo cơ chế tiền lương chung của khối sự nghiệp. Vì thế, các tổ chức KH&CN công lập ít có cơ hội tuyển dụng được nguồn nhân lực trẻ, có trình độ khá, giỏi, chuyên tâm nghiên cứu khoa học để đào tạo, kế cận. Đa số các ngành hiện nay đều có quy định áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nhưng nhân lực KH&CN trong các tổ chức KH&CN không có bất cứ chế độ phụ cấp nào. Hoạt động KH&CN có tính đặc thù nhưng chế độ sử dụng nhân lực trong lĩnh vực này đến nay chưa có nhiều khác biệt so với nhân lực trong các lĩnh vực khác.

Sớm đưa các chính sách vào cuộc sống

Theo các chuyên gia, các chính sách nhân lực KH&CN có liên quan đến tiền lương, điều kiện hoạt động NC&PT, quản trị nhân sự NC&PT đang là những trở lực lớn, phải coi là khâu đột phá cần được tập trung giải quyết sớm để có thể duy trì, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực KH&CN nói chung, nhân lực NC&PT nói riêng và đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để giải quyết các khó khăn, thách thức nói trên. Đồng thời, cần triển khai quyết liệt các giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các văn bản quy phạm pháp luật, sớm đưa chính sách, pháp luật về đào tạo, sủ dụng và phát triển nhân lực KH&CN vào cuộc sống.

Nhiều tổ chức KH&CN đã có chiến lược thu hút nhân tài riêng.

Ông Đỗ Việt Trung – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN cho rằng, để tiếp tục phát triển nhân lực KH&CN thời gian tới cần tiếp tục quán triệt và thực hiện những nội dung liên quan đến phát triển nhân lực KH&CN được nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI về phát triển KH&CN; đẩy mạnh triển khai các văn bản về chính sách đối với nhân lực KH&CN đã được ban hành; xây dựng và tổ thức thực hiện Đề án “Xây dựng mạng chuyên gia người Việt ở nước ngoài”; thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; tăng cường huy động đầu tư ngoài ngân sách để phát triển tiềm lực; hình thành, phát triển các tổ chức KH&CN có tính liên vùng để tăng cường sự trao đổi, hợp tác giữa nhân lực KH&CN của các địa phương; tập trung đầu tư để phát triển nhân lực KH&CN trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên được xác định trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020;…

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, đại diện Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, Viện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm, trang thiết bị nghiên cứu, hạ tầng thông tin KH&CN, khu triển khai công nghệ đạt tiêu chuẩn tiên tiến ở Đông Nam Á đến việc triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ,… Trong đó, việc thu hút, sử dụng, đãi ngộ những cán bộ khoa học trẻ - tài năng, cán bộ có trình độ cao có vai trò quyết định. Một số chương trình đã được Viện triển khai có hiệu quả như chương trình hỗ trợ cán bộ trẻ, cụ thể hỗ trợ hoạt động KH&CN cấp cơ sở theo phương thức khoán cho các cán bộ biên chế trẻ, có thời gian tốt nghiệp (Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ) không quá 3 năm (Cử nhân không quá 28 tuổi, 31 tuổi đối với Thạc sĩ, 35 tuổi với Tiến sĩ tính đến thời điểm làm kế hoạch). Các cán bộ này chủ động thực hiện nhiệm vụ KH&CN của mình. Kinh phí cho nội dung này khoảng 5-6 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, mở thêm các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ giành cho các nhóm nghiên cứu trẻ, dưới 40 tuổi và có chính sách thu hút các nhà khoa học trẻ, tài năng chưa là cán bộ của Viện.

Chương trình sau tiến sĩ và việc đẩy mạnh hoạt động Học viện KH&CN và Đại học KH&CN Hà Nội trực thuộc Viện cũng là giải pháp hiệu quả thu hút nguồn nhân lực cho Viện.

Ông Ngô Đức Hoàng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) chia sẻ, mục tiêu của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2020 là đào tạo được khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên... hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử; ươm tạo được khoảng 25 doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử. Do đó, cần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ vi mạch để đáp ứng nhu cầu, ổn định thị trường nguồn nhân lực, hạn chế tình trạng chảy máu chất xám. Theo ông Hoàng, việc mời chuyên gia rất quan trọng. Tuy nhiên, cần xác định nhu cầu xuất xuất phát từ thực tiễn và định hướng phát triển. Quy hoạch cán bộ nguồn để bố trí vị trí việc làm, đãi ngộ tương xứng. Đầu tư xây dựng hạ tầng tập trung và dùng chung.

Với việc phát triển nhân lực KH&CN trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), ông Nguyễn Thế Cường - Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao cho rằng, cần đổi mới nhận thức về tầm quan trọng của việc thu hút trí thức Việt kiều đối với phát triển kinh tế đất nước. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Việt kiều hướng về quê hương đất nước, trọng dụng, đề cao vai trò của họ trong việc đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Xây dựng chính sách, cơ chế, điều kiện để huy động các trí thức Việt kiều, các doanh nhân trí thức hợp tác với các cơ sở khoa học trong nước nhằm giúp đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, tạo điều kiện, phương tiện để các trí thức Việt kiều có điều kiện tiếp tục làm việc tại Việt Nam. Bố trí các nhà khoa học vào vị trí làm việc phù hợp với ngành nghề chuyên môn được đào tạo, hoặc rất có kinh nghiệm. Tận dụng vai trò cầu nối quốc tế của trí thức Việt kiều trong việc giới thiệu các dự án, tìm kiếm các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao hay nghiên cứu khoa học.

Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, các tổ chức xã hội, câu lạc bộ của giới trí thức cần chủ động gặp gỡ, tìm hiểu nắm được những thông tin căn bản về năng lực, khả năng đóng góp của những nhà khoa học Việt kiều, nhất là những trí thức giỏi, đang nắm giữ những ví trí có tính chất then chốt trong các lĩnh vực KH&CN hoặc đang hoạt động trong các lĩnh vực khoa học mũi nhọn, công nghệ cao để có thể giới thiệu cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp; phát huy sự tham gia, đóng góp chất xám của trí thức Việt kiều thông qua các phương tiện thông tin, liên lạc hiện đại, mạng internet, ông Nguyễn Thế Cường đề xuất.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên

Cơ chế chính sách phát triển nhân lực khoa học và công nghệ như: Luật KH&CN năm 2013; Kết luận 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị ban hành chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định chính sách sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN và 02 Thông tư hướng dẫn thi hành; Nghị định 87/2014/NĐ-CP ngày 22/9/2014 Quy định về thu hút cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam; Quyết định 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; Quyết định 4009/QĐ-KHCN ngày 29/12/2011 của Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành KH&CN giai đoạn 2011 – 2020.

Bài 1: Nhân lực KH&CN đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội truyenthongkhoahoc.vn/vn/Phat-trien-nhan-luc-KH-CN-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-c1026/Phat-trien-nhan-luc-KH-CN-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-n9248

Bài 2:  Đào tạo nhân lực KH&CN tại Việt Nam: Thuận lợi và thách thức truyenthongkhoahoc.vn/vn/Bai-2-Dao-tao-nhan-luc-KH-CN-tai-Viet-Nam-Thuan-loi-va-thach-thuc-c1026/Bai-2-Dao-tao-nhan-luc-KH-CN-tai-Viet-Nam-Thuan-loi-va-thach-thuc-n9249


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner