Chính sách KH&CN Thứ năm, 25/04/2024 , 07:17 pm
Cập nhật : 18/05/2017 , 14:05(GMT +7)
Bắc Ninh ứng dụng nhiều tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống
Sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng nuôi cấy mô tế bào thực vật tại Sở KH&CN Bắc Ninh
Năm 2016, Bắc Ninh triển khai thực hiện 26 đề tài, dự án và nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN); triển khai 21 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống tại các huyện. Các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu, đề xuất những giải pháp phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng các chủ trương, chính sách phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tiến Nhường cho biết như trên tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội tại Bắc Ninh mới đây. Buổi làm việc nhằm mục đích đánh giá kết quả hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ (CGCN) và góp ý cho Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). 

Đưa nhanh thành tựu KH&CN vào đời sống, sản xuất

Phó Chủ tịch Nguyễn Tiến Nhường cho biết, trong năm 2016, tỉnh Bắc Ninh tổ chức thẩm định và triển khai thực hiện 26 đề tài, dự án và nhiệm vụ KH&CN; nghiệm thu đánh giá kết quả 16 đề tài (trong đó có 6 đề tài về nông nghiệp; 7 đề tài về khoa học, xã hội và nhân văn; 2 đề tài về công nghệ thông tin; 1 đề tài về y tế). 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bắc Ninh đã xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Quế Võ. Các cơ sở sản xuất tại tỉnh đã kết nối với Công ty CP Giống cây trồng Bắc Ninh và Viện Cây lương thực và cây thực phẩm để bước đầu tiêu thụ sản phẩm (145 tấn lúa) cho các hộ nông dân, giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân, bảo vệ môi trường sinh thái... Dự án áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình chế biến một số sản phẩm từ nông sản trên địa bàn tỉnh và dự án ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật (giống, phân bón, các chế phẩm vi sinh, kỹ thuật thâm canh, thu hoạch, sơ chế, bảo quản) nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm cà rốt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và các nước trong khu vực với quy mô 35ha tại huyện Gia Bình (mới đây đã xuất khẩu 100 tấn cà rốt sang Malaysia).

Cùng với đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển, nhân rộng. Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục triển khai 5 ha tại Khu Thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 25ha tại huyện Tiên Du do Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Công ty CP tập đoàn DABACO Việt Nam là cơ quan chủ trì đã tiến hành trồng các loại rau, su hào, bắp cải, cà chua ghép trong nhà màng, rau cải các loại,… năng suất đạt 14-35 tấn/ha/vụ (tùy từng loại). Tỉnh đã từng bước xây dựng được kênh tiêu thụ rau ổn định (rau thương phẩm được cung cấp cho các hệ thống siêu thị, trường học, bếp ăn của tập đoàn, đồng thời ký hợp đồng xuất khẩu lá tía tô sang Nhật Bản).

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, y tế, một số đề tài, dự án được triển khai có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao như “Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao năng lực quản lý của Thư viện tỉnh Bắc Ninh”; “Nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi đặt mảnh ghép nhân tạo điều trị thoát vị bẹn người lớn”;…

Đối với hoạt động KH&CN cấp huyện, năm 2016, các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai 21 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào các lĩnh vực như mô hình xử lý rơm, rạ bằng chế phẩm sinh học; ứng dụng màng phủ nông nghiệp trồng dưa lê; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất gấc cao sản kết hợp trồng mướp;…

Chuyển giao công nghệ: 80% từ nước ngoài vào

Về hoạt động CGCN, ông Nguyễn Tiến Nhường cho biết, hoạt động quản lý Nhà nước về CGCN có nhiều tiến bộ. Đa số những hợp đồng CGCN được thực hiện bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI chiếm 94% hợp đồng chuyển giao do các doanh nghiệp được thực hiện. Công nghệ chuyển giao tập trung vào 4 lĩnh vực chính: cơ khí, điện – điện tử, nông nghiệp, số còn lại thuộc lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm chức năng.

Thiết bị ươm tơ công nghiệp thuộc Dự án ứng dụng công nghệ dệt lụa tơ tằm xuất khẩu tại Bắc Ninh

Chia sẻ thêm thông tin về hoạt động này, ông Nguyễn Bá Thành – Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, có tới 80% các công nghệ do doanh nghiệp thực hiện được chuyển giao từ Hàn Quốc và 10% hợp đồng CGCN có nguồn gốc từ Nhật Bản. Số còn lại do các doanh nghiệp nhận chuyển giao từ các viện nghiên cứu trong nước sản xuất. “Phần lớn các hợp đồng CGCN được thực hiện dưới hình thức chuyển giao nội bộ giữa công ty mẹ ở nước ngoài chuyển giao cho công ty con tại Việt Nam”, ông Thành nói.

Sau khi có Thông tư số 03/2016/TT-BKH&CN của Bộ KH&CN, Bắc Ninh đã phối hợp với Vụ Đánh giá Thẩm định và Giám định công nghệ của Bộ tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật các cơ quan, ban ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh biết và thực hiện. Năm 2016, thành lập Hội đồng KH&CN đánh giá, thẩm định 4 dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực vật liệu xây dựng, xử lý môi trường, cơ khí và điện tử cho các cơ quan, ban, ngành trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định.

Chủ tịch UBND Nguyễn Tử Quỳnh cho biết, về cơ cấu kinh tế của tỉnh, nông nghiệp 5%, công nghiệp – xây dựng – dịch vụ 95%. Giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2016 đạt 760.000 tỷ, về giá trị chỉ đứng sau Tp.Hồ Chí Minh. Về xuất khẩu, năm 2016 đã xuất khẩu được 22,8 nghìn USD (khoảng 13-14% của cả nước); GDP bình quân đầu người hơn 5.000, gấp hơn 2 lần GDP bình quân đầu người của cả nước. Một số dự án công nghệ cao tại tỉnh như dự án của Công ty TNHH Samsung Display, dự án sản xuất camera do Canada liên doanh với Hàn Quốc, hiện tỉnh đang đàm phán dự án sản xuất pin và dự án sản xuất pin mặt trời,… Hiện tỉnh Bắc Ninh có 2 nhà máy xử lý nước thải, 3 cụm xử lý rác với quy mô 250 tấn/ngày và 70 tấn/ngày, có thể xử lý tốt toàn bộ chất thải công nghiệp, nguy hại,…

Về dự thảo Luật CGCN (sửa đổi), Bắc Ninh kiến nghị cần quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan thẩm định công nghệ khi có hậu quả xảy ra và quy định cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá các dự án có công nghệ lạc hậu đã đi vào hoạt động mà ảnh hưởng xấu đến môi trường; đề nghị có điều luật quy định rõ ràng về thẩm quyền cấp phép CGCN, cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng CGCN; nghiên cứu, bổ sung quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ… 

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Phan Xuân Dũng bày tỏ ấn tượng về sự phát triển vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội của Bắc Ninh sau 20 năm tái lập tỉnh. Xuất phát điểm từ tỉnh thuần nông, đến nay, Bắc Ninh trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động với nhiều chỉ tiêu nằm trong tốp đầu cả nước. Đồng thời, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, để đạt được những thành tựu nội bật đó, Bắc Ninh đã chủ động lựa chọn việc ứng dụng CGCN tiên tiến vào trong thực tiễn đời sống và sản xuất.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT khẳng định, từ thực tiễn phát triển của địa phương cũng như những ý kiến đóng góp tích cực, trách nhiệm của tỉnh vào dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sẽ là những căn cứ quan trọng để Ủy ban KH,CN&MT  của Quốc hội cũng như cơ quan soạn thảo – Bộ KH&CN có sự điều chỉnh phù hợp nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner