“Khi còn sống, Đại tướng đã tặng cho Quỹ VIFOTEC 8 chữ vàng: “Khoa học- công tâm - liêm khiết – hiệu quả” chúng tôi vẫn đang thực hiện theo. Tin Đại tướng qua đời không quá bất ngờ nhưng thật hụt hẫng, đau buồn và tiếc thương. Sự ra đi của Đại tướng khiến nhân loại mất đi một nhà thiên tài quân sự, một người ông, cha đóng góp cho sự nghiệp khoa học kỹ thuật rất lớn lao”.
TS Lê Xuân Thảo, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Bảo trợ Quỹ VIFOTEC, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chia sẻ khi hay tin vị tướng già đã từ biệt cõi đời về nơi vĩnh hằng.
Mong Quỹ VIFOTEC phải là Quỹ Nobel của Việt Nam
TS Thảo nhớ lại, từ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng phụ trách khoa học công nghệ, chính ông là người đã kêu gọi xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ của Việt Nam. Là người luôn động viên cổ vũ người làm khoa học, đưa các sáng kiến, kinh nghiệm vào thực tế sản xuất.
Vào dịp Đại tướng đến dự trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ I, ông đã gợi ý khi thấy trong hội thi có cả những kỹ sư, công nhân sáng tạo rất hiệu quả, thậm chí còn hơn cả những người đang ăn lương của sự nghiệp khoa học.
“Nên chăng có một Quỹ để khuyến khích những người sáng tạo khoa học công nghệ mà không phải nằm trong hệ thống nhà nước.
Nếu có Quỹ này có thể hỗ trợ những người công nhân, nông dân khó khăn nhưng say mê nghiên cứu sáng tạo, áp dụng sáng kiến tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có điều kiện để nuôi dưỡng đam mê của mình”, Đại tướng đã nêu vấn đề ra cho chúng tôi như vậy - TS Thảo nói.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn TNCSHCM mới xây dựng và tổ chức Quỹ hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam từ đó.
“Tôi còn nhớ khi đó bác rất quan tâm, thúc đẩy nhanh việc thành lập Quỹ và mong muốn những người yêu khoa học có thành tích phải được tôn vinh xứng đáng”, TS Thảo nhớ lại.
|
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo Chính phủ khi đó là Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm các công trình đoạt giải VIFOTEC |
Theo ông Thảo, Đại tướng thường dẫn lời Bác Hồ khi còn sống đã luôn luôn nhắc nhở sáng kiến và kinh nghiệm là của quý của dân tộc. Chúng ta phải biết trân trọng và phát triển. Do vậy Đại tướng muốn Quỹ VIFOTEC phải là Quỹ Nobel của Việt Nam. Phải xây dựng được phong trào toàn dân làm cách mạng, tiến quân vào khoa học kỹ thuật.
Ngay sau đó Quỹ VIFOTEC cũng được hình thành.Theo đề xuất của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam muốn mời Đại tướng làm Chủ tịch Danh dự Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC). Đại tướng đã rất vui vẻ nhận lời.
Sau đó Đại tướng có nhiều chỉ đạo sâu sắc đối với việc hoạt động của Quỹ. Đại tướng nói, phải thực hiện lời dạy của bác Hồ là cần kiệm liêm chính chí công vô tư.
“Đại tướng đã tặng cho Quỹ VIFOTEC 8 chữ vàng: “Khoa học - công tâm - liêm khiết – hiệu quả”. Đến bây giờ chúng tôi vẫn đang thực hiện theo 8 chữ vàng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng”.
Đại tướng dặn đi dặn lại, rằng người làm Quỹ phải liêm khiết và chí công vô tư. Nhất là khi đánh giá các đề tài. Ông muốn giải thưởng phải thu hút được nhiều nhà khoa học đi vào công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, sinh học…
|
Những khi bận việc hay sức khỏe không tốt Đại tướng đều có thư gửi tới Ban tổ chức Quỹ VIFOTEC |
Ba vấn đề chưa làm được
Điều mà những người làm khoa học kính phục và quý trọng ở con người Đại tướng là cả khi khỏe mạnh hay khi đau yếu, ông vẫn hướng tới việc chung. Khi sức khỏe không còn đủ để đến tham dự các lễ trao giải, tôn vinh nhà khoa học, Đại tướng vẫn dõi theo và các thành viên trong Quỹ và Liên hiệp các hội KH-KT Việt Nam đến báo cáo và nghe chỉ đạo.
|
Lãnh đạo Liên hiệp hội Việt Nam và Ban tổ chức giải thưởng Quỹ VIFOTEC đến chúc thọ Đại tướng tròn 99 tuổi |
Những năm cuối đời Đại tướng đã nêu Ba vấn đề cần được Quỹ lưu tâm. Đại tướng nói: “khoa học kỹ thuật là quan trọng rồi, nhưng khoa học quản lý quan trọng hơn. Phải đưa lĩnh vực này vào để xây dựng tiêu chí trao giải thưởng hàng năm”.
Thế nhưng khi đưa ra hội đồng bảo trợ thì mọi người đều thấy khó vì giải pháp quản lý luôn biến động. “Bởi hôm nay có thể rất hay nhưng ngày mai có thể không đúng. Trong khi đó lại chưa có kinh nghiệm, cho nên đánh giá vấn đề này là một quá trình. Do vậy chúng tôi vẫn chưa làm được”, TS Thảo băn khoăn.
Rồi Đại tướng cũng muốn đưa khoa học xã hội vào giải thưởng. Đây cũng là lĩnh vực khó vì khó đo đếm, khó xây dựng tiêu chí.
Một điểm quan trọng nữa là Đại tướng muốn chú trọng đưa vào khoa học nghiên cứu biển, kinh tế biển. Lĩnh vực này theo Đại tướng nhận định Việt Nam chậm chân hơn so với các nước trong khu vực. Do vậy cần phải thúc đẩy hơn nữa. “Đại tướng đã đưa chiến lược quân sự vào khoa học kỹ thuật. Muốn toàn dân tham gia vào sáng tạo khoa học kỹ thuật”, TS Thảo chia sẻ.
Cũng chính vì thấm nhuần quan điểm này nên Quỹ Vifotec đã cố gắng tổ chức các cuộc thi trên nhiều diện nhiều đối tượng có thể tham gia (từ nhà khoa học đến người nông dân, sinh viên các trường đại học, học sinh… tham gia vào nghiên cứu sáng tạo).
“Chúng tôi muốn cổ vũ các nhà khoa học Việt Nam, những người con của Việt Nam để đúng như lời Đại tướng căn dặn: “Với tinh thần yêu nước và trí tuệ sáng tạo nỗ lực vượt bậc đạt những thành tựu mới, những ĐIỆN BIÊN PHỦ lớn nhỏ trong lĩnh vực của mình để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, đưa nước Việt Nam tiến lên nhanh hơn, vững hơn, tiến kịp với các nước trên thế giới”, TS Thảo nhắc lại lời Đại tướng.
TS Thảo ngậm ngùi: "Nay Đại tướng đã không còn nữa. Ba vấn đề ông nhắc chúng tôi vẫn chưa thực hiện được. Đây là những vấn đề Đại tướng đã dặn dò, vì vậy cá nhân tôi và anh em cần quyết tâm thực hiện".