Theo thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh hiện có 12 giải pháp và công trình đoạt giải từ cuộc thi Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ và Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc . Trong số đó, có hơn 50% giải pháp khoa học được ứng dụng vào thực tế sản xuất, góp phần vào việc đổi mới công nghệ sản xuất, làm gia tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Một trong số những công trình được ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả là công trình “Nghiên cứu giải pháp công nghệ để xác định tham số phục vụ đánh giá trữ lượng và thiết kế khai thác dầu khí trong đá móng nứt nẻ bằng phần mềm BASROC 3.0” của tiến sĩ Hoàng Văn Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và Thiết kế dầu khí biển, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (VSP). Công trình này đã đoạt giải nhất Giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTECH) năm 2006 và được trao tặng Huy chương vàng của Tổ chức sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) năm 2007. Tính từ khi được ứng dụng đến nay(năm 2007), giải pháp này đã mang lại hiệu quả kinh tế cho VSP (4 triệu USD) với 200 giếng được tính toán sử dụng. Công trình cũng đã được giới thiệu và trao đổi tại Hội nghị khoa học Quốc tế năm 2008 và đã được một số nước khác ứng dụng. Suđăng là nước đầu tiên được VSP cung cấp dịch vụ xử lý số liệu bằng phần mềm BASROC 3.0 cho việc nghiên cứu đá móng nứt nẻ. Nếu triển khai thành công hợp đồng kinh tế này, doanh thu từ phần mềm có thể đem lại cho VSP hàng triệu đô la, đồng thời mở ra cho VSP triển vọng lớn về hoạt động dịch vụ khoa học.
Cụm các công trình của kỹ sư Hoàng Đức Thảo, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thoát nước và Phát triển đô thị (Busadco) gồm: Chế tạo cụm tời máy nạo vét hệ thống cống ngầm thoát nước đô thị (giải ba VIFOTECH năm 2004); Nghiên cứu thiết kế hệ thống ngăn mùi và hố thu nước mưa kiểu mới tại các đô thị Việt Nam (giải nhì VIFOTECH năm 2005); Giải pháp cống điều tiết nước triều để súc rửa hòa loãng thoát nước nhanh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các kênh mương hồ “chết” tại tỉnh BR-VT (giải khuyến khích VIFOTECH năm 2008); Nghiên cứu vật liệu và công nghệ chế tạo bê tông cốt thép thành mỏng đúc sẵn ứng dụng cho hệ thống cấp thoát nước và vệ sinh môi trường ở Việt Nam (giải nhất VIFOTECH và huy chương vàng của tổ chức WIPO năm 2009). Các công trình nghiên cứu khoa học này đang cho ra đời những sản phẩm công nghệ không chỉ ứng dụng hiệu quả trong tỉnh mà còn triển khai nhân rộng ở 30 tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu sang Malaysia. Dự kiến năm 2010, doanh thu của Busadco là 250 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ kết quả nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ công trình đoạt giải chiếm 85%.
Giải pháp “Ứng dụng công nghệ “mềm” Stabiplage chống xói lở bờ biển Lộc An (huyện Đất Đỏ)” , Công trình đoạt giải nhì VIFOTECH năm 2008, của tiến sĩ Trương Thành Công, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu và ông Jean Cornic (Cộng hòa Pháp) đồng chủ trì thực hiện. Giải pháp đã góp phần chặn đứng tình trạng xói lở, tái tạo dải đồi cát để trồng cây phục vụ phát triển kinh tế, du lịch và môi trường. Công trình hiện đang được tiếp tục nghiên cứu triển khai tiếp tại khu vực xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh và các một số tỉnh, thành khác như: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Bình Thuận...
Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hơn 50% các công trình đoạt các giải thưởng khoa học được ứng dụng vào thực tế, số còn lại không được triển khai nhân rộng, hoặc có triển khai cũng chỉ trong phạm vi hẹp. Chính vì vậy, để có thể khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân đưa ra những giải pháp khoa học ứng dụng vào thực tế, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế, chính sách linh hoạt để động viên, khích lệ kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp khoa học, nhằm cho ra những sản phẩm khoa học có giá trị cao, được ứng dụng vào đời sống, sản xuất, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển./..
(ĐCSVN)