Môi trường kinh doanh minh bạch giúp thu hút đầu tư và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng là yếu tố then chốt để đạt được môi trường kinh doanh minh bạch
Với mong muốn đó, ngày 29/9, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm Hành động tập thể tăng cường liêm chính trong kinh doanh, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch”. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc Phạm Đại Dương tham dự và chủ trì Hội thảo, cùng đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội.
Tại Hội thảo, đại diện của ba khu công nghệ cao (CNC) quốc gia (TP.HCM, Hòa Lạc, Đà Nẵng) đã cùng trao đổi về kinh nghiệm thực hiện hành động tập thể tại Khu CNC TP.HCM, đồng thời thảo luận cách thức, lộ trình để nhân rộng mô hình tại Khu CNC Hòa Lạc và Đà Nẵng.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh: “Liêm chính và minh bạch là yếu tố cốt lõi để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh. Tính liêm chính và minh bạch sẽ thúc đẩy khả năng sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất của doanh nghiệp trong lộ trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Các chính sách, đường lối phát triển theo hướng kiến tạo, liêm chính và phục vụ hiện nay của Chính phủ Việt Nam đang rất cần những động lực và cam kết liêm chính mạnh mẽ từ cả Chính phủ và doanh nghiệp”.
Do đó, bên cạnh những cam kết mạnh mẽ của đối với việc xây dựng thể chế minh bạch, liêm chính và hành động về phòng chống tham những, Chính phủ Việt Nam khuyến khích sự tham gia, phối hợp của Doanh nghiệp, tổ chức xã hội và các bên liên quan cùng chung tay hành động với Chính phủ để xây dựng và thực hành những chuẩn mực, thông lệ tốt về liêm chính minh bạch, qua đó giảm tham nhũng, tiêu cực và thúc đẩy văn hóa kinh doanh lành mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực kinh doanh liêm chính. Việt Nam đã có khuôn khổ pháp luật tương đối toàn diện về minh bạch và phòng, chống tham nhũng (PCTN) nhưng công tác đánh giá việc thực thi pháp luật cho thấy hiệu quả đạt được chưa cao, chưa tạo được niềm tin để cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào công tác PCTN và thực hành liêm chính trong kinh doanh. Với những doanh nghiệp muốn xây dựng văn hóa kinh doanh phi tham nhũng, các nỗ lực đơn lẻ của họ khó mang lại hiệu quả cao vì thiếu vắng sự đồng thuận, khuyến khích hỗ trợ của các bên liên quan.
“Thông qua các chương trình hành động tập thể như mô hình tại Khu CNC TP. HCM, doanh nghiệp có thể chủ động liên kết chặt chẽ hơn với nhau, hợp tác với các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội… để biến cam kết minh bạch, liêm chính thành hành động, giải pháp PCTN cụ thể. Hợp tác là cách thức bền vững để khu vực doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng minh bạch, liêm chính”, ông Phạm Ánh Dương, Phó Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch chia sẻ.
Tại Hội thảo, bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng Ban, Ban Quản lý Khu CNC TP. HCM cho biết, khi áp dụng chương trình kinh doanh liêm chính, chúng tôi đã thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu tiêu cực, nhũng nhiễu, từ đó lan tỏa những giá trị của một môi trường đầu tư lành mạnh đến cộng đồng doanh nghiệp trong Khu CNC TPHCM. Đội ngũ cán bộ công chức cũng thể hiện những chuyển biến tích cực về đạo đức và văn hóa ứng xử, nhận được đánh giá cao của doanh nghiệp.
Kết thúc Hội thảo, với sự chứng kiến của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và các đối tác hỗ trợ kỹ thuật, đại diện của ba Khu CNC đã ký kết thỏa thuận “Hợp tác hành động tập thể thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh”.
Ngoài ra, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cũng ký cam kết với Công ty Cổ phẩn công nghệ công nghiệp Bưu chính Viễn thông về cam kết thực hiện các hành động liêm chính và minh bạch trong kinh doanh và đầu tư.
Tin, ảnh: Bùi Hiếu