Áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong sản xuất gốm sứ
Tạo dáng gốm sứ Bát Tràng trên bàn xoay
Nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế là một thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ. Công nghệ tiết kiệm năng lượng "made in Vietnam" vừa giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, vừa giải quyết được bài toán về môi trường, góp phần giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Từ năm 2005 đến nay, Bát Tràng - một làng nghề truyền thống về sản xuất gốm sứ ở ngoại thành Hà Nội đã từng bước thay da đổi thịt khi các chủ nhân của các lò gốm mạnh dạn chuyển sang nung sản phẩm bằng lò đốt sử dụng ga hóa lỏng với công nghệ tiết kiệm năng lượng 'made in Vietnam'. Ðiều này gắn liền với thành công của Công ty cổ phần Thiết kế và Sản xuất gốm sứ Bát Tràng trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mới các lò nung bằng ga tiết kiệm năng lượng cũng như sửa chữa, nâng cấp các lò đốt bằng ga cũ tiêu tốn nhiều nhiên liệu.
Năm 2006, công ty đã thiết kế thành công buồng sấy sản phẩm mộc tự động tận dụng nhiệt khói thải từ lò nung, tạo ra cặp lò nung - buồng sấy liên hoàn, giúp giảm đáng kể chi phí năng lượng và chất lượng sản phẩm nung ổn định. Thiết bị và công nghệ được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong nước, cho nên có giá thành chỉ bằng khoảng 50% so với nhập khẩu; việc vận hành đơn giản và tiết kiệm tối đa nhân công; việc bảo hành, bảo trì thuận tiện, nhanh chóng... Tất cả những ưu điểm đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiếp thu chuyển giao công nghệ của các cơ sở sản xuất gốm sứ. So với trước đó, việc sản xuất bằng lò đốt sử dụng ga với công nghệ hoàn thiện đã tạo ra các lò có công suất lớn, nhỏ khác nhau, giúp cơ sở sản xuất có nhiều sản phẩm phong phú và chất lượng bảo đảm, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng. Khi áp dụng công nghệ này trong nung đốt gốm sứ, các doanh nghiệp cũng giảm hơn mười lần lượng chất thải (khí và rắn) gây ô nhiễm so với công nghệ cũ, góp phần tích cực bảo vệ môi trường.
Ðặc biệt, kể từ khi tham gia Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (PECSME), số lượng lò mới sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng ở Bát Tràng đã tăng nhanh đáng kể. Hiện nay, tại làng nghề này, số lò ga do công ty thiết kế đã lên tới 200, với nhiều dung tích khác nhau. Các doanh nghiệp ở làng gốm Chu Ðậu (Hải Dương), Quảng Ninh cũng đã tìm đến ký hợp đồng để xây lắp lò mới. Kết quả này là nhờ từ tháng 11-2006, Dự án PECSME đã lựa chọn và hỗ trợ công ty thực hiện mô hình trình diễn và chuyển giao công nghệ lò nung và buồng sấy gốm sứ tiết kiệm năng lượng cho một số cơ sở sản xuất. Công ty đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của dự án trong việc nâng cao năng lực và sự hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thông qua nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các đơn vị tiếp nhận công nghệ.
Ngoài ra, từ năm 2006, Công ty cổ phần Thiết kế và Sản xuất gốm sứ Bát Tràng đã bắt đầu thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ cho các xí nghiệp gốm sứ ở các địa phương này (như Bình Dương và Ðồng Nai). Ðặc biệt, vào cuối năm 2010, khi giá ga tăng lên 20.000 đồng/kg, nhiều cơ sở sản xuất gốm sứ ở hai địa phương này đã mời công ty đến tư vấn, giúp họ tiếp nhận công nghệ. Theo kế hoạch đề ra, công ty sẽ tiến hành chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm lực như: Công ty Long Trường, Công ty Phước Dữ Long, Công ty Minh Phương, Công ty Vạn Xuân... sau đó sẽ triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp khác có nhu cầu đổi mới công nghệ.
Có thể thấy, sản xuất gốm sứ tại một số địa phương trong nước đã được đẩy mạnh là nhờ các doanh nghiệp mạnh dạn và chủ động áp dụng các công nghệ mới với một niềm tin vào công nghệ nội và sự hỗ trợ của Nhà nước. Áp dụng công nghệ mới còn khẳng định quyết tâm lớn của các doanh nghiệp gốm sứ Việt Nam trong nâng cao năng lực để chủ động hội nhập. Mong rằng, các công nghệ tiết kiệm năng lượng 'made in Vietnam' đã được khẳng định trong lĩnh vực sản xuất gốm sứ sẽ được tiếp tục phổ biến rộng rãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho việc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.