Các nhà khoa học tại Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu và đưa vào sản xuất mẫu áo hạ nhiệt dành cho nhân viên y tế đang thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 trên khắp cả nước.
Nghiên cứu gắn với thực tiễn
Trong quá trình lấy mẫu SARS-COVI-2, nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ cá nhân (PPE). Theo đánh giá của TS. BS. Nguyễn Hữu Quân, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, làm việc dưới tiết trời nắng nóng trong một thời gian dài, cộng với việc bộ quần áo PPE ngăn cản sự thoát nhiệt làm nhiệt cơ thể tăng nhanh, mất nước dẫn đến có hiện tượng nhân viên y tế bị bị sốc nhiệt và lả nhiệt.
Để làm hiệu ứng shock do nhiệt của nhân viên y tế trong lúc chống dịch, chiếc áo ACG (gi-lê làm mát) đã được cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, Viện Ứng dụng Công nghệ phát triển với sự tư vấn y khoa của các bác sỹ từ Bệnh viện các Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y tế Công cộng, Viện nghiên cứu Y Khoa Woolcock.
PGS. Mai Anh Tuấn, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Có lẽ dịch bệnh là một phần của cuộc sống và có lẽ không ai có thể chắc chắn rằng cho tới khi nào mồ hôi của nhân viên y tế mới thôi rơi. Họ vẫn đang gồng hết sức để sống chung với dịch bệnh, dưới cái nắng chang chang của mùa hè. Những nghiên cứu viên của Viện Ứng dụng Công nghệ đã phát triển sản phẩm này trong vòng hơn một tháng với nhiều cải tiến dựa trên trải nghiệm của chính nhóm nghiên cứu và tư vấn của các bác sỹ từ nhiều bệnh viện, Viện nghiên cứu y khoa, nhân viên y tế lấy mẫu và điều trị tại hiện trường.
Kỹ sư trong nhóm phát triển đánh giá sản phẩm
Hiện thực hóa nghiên cứu
Đây là mẫu áo được thiết kế để làm giảm nhiệt cục bộ trong không gian thiết bị bảo hộ y tế (PPE) mà nhân viên y tế mặc trong quá trình làm việc, lấy mẫu hoặc điều trị bệnh nhân COVID. Áo gồm 2 thành phần chính: vật liệu chuyển pha và áo gi-lê.
Áo gi-lê được làm từ vải không dệt tráng Polyphenyl Ether (chống nước và biết thở). Gi-lê được thiết kế theo chiều cao trung bình của người Việt, có thể dễ dàng thao tác (mặc/cởi áo/cúi…), dễ dàng vệ sinh, cấp đông và tái sử dụng.
Thời gian làm mát của của sản phẩm tốt hơn 3 tiếng
Vật liệu chuyển pha dùng trong sản phẩm này là hỗn hợp polyme và muối ăn đã được chứng nhận chất hợp chuẩn là chất không độc hại của ba thị trường khó tính nhất là Mỹ, EU (TSCA(USA): EINECS(EC)) và Nhật Bản (ENCS). Vật liệu được đóng thành gói riêng có thể tháo ra, thêm vào áo gi-lê một cách dễ dàng.
Phụ gia kích thước nano và thiết kế đặc biệt dạng cấu trúc tổ ong của bao gói vật liệu làm giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cơ thể và vật liệu PCM làm cho thời gian giữ nhiệt tổng cộng tăng lên, kéo dài khoảng nhiệt độ bão hòa. Thử nghiệm ở nhiệt độ 35oC (môi trường), áo cho thời gian tăng nhiệt từ 21 độ lên 32 độ trong vòng 2 giờ sau đó ổn định tốt ở 32 độ trong vòng hơn 1 giờ.
Áo được thiết kế đơn giản, có thể dễ dàng mặc vào hoặc tháo ra, với trọng lượng khoảng 1.3 kg, thời gian làm mát lên tới 3 tiếng đồng hồ, chiếc áo là dụng cụ rất hữu ích đối với các bác sĩ trong ngày hè nóng nực như hiện nay.
Với thiết kế gọn nhẹ giúp chiếc áo làm mát có thể nằm gọn bên trong bộ đồ bảo hộ, không gây cản trở đến hoạt động của các y bác sĩ nhưng vẫn đủ tác dụng làm giảm đi sự nóng bức. Sau mỗi ca làm việc các y bác sĩ có thể vệ sinh áo bằng cách xịt cồn lên bề mặt áo, sau đó cấp đông để tiếp tục sử dụng trong những lần tiếp theo. Riêng gel làm mát có thể tái sử dụng lên tới 30 lần.
“Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung cải tiến để tăng thời gian giữ nhiệt, tăng độ thoải mái khi sử dụng, số lần tái sử dụng của áo gi-lê, của vật liệu. Chúng tôi mong muốn nhữn sản phẩm này được người sử dụng gửi phản hồi để chúng tôi phát triển sản phẩm và hỗ trợ các bác sĩ trong thời gian có dịch”, PGS. Mai Anh Tuấn chia sẻ.
Mỗi chiếc áo hạ nhiệt có giá là 150.000 đồng. Tính tới nay, nhóm phát triển đã hoàn thiện 1000 sản phẩm và bàn giao cho hơn 20 đơn vị y tế trong cả nước như CDC Nghệ An, CDC Hà Tĩnh, Khoa Khám bệnh- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Việt Tiệp – Hải Phòng và một số bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh.
Sản phẩm phù hợp với "phom" của người Việt
Được biết, Công ty TNHH Địa Nguyên và Công ty in Thiêm Nam (cung ứng vật liệu, tài chính, khuôn mẫu); Công ty TNHH Thương mại sản xuất Vũ Đức (cung cấp vật liệu ngành may, gia công công nghiệp và cải tiến sản phẩm may) là những đơn vị đồng hành cùng nhóm nghiên cứu hoàn thành và hiện thực hóa nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.
Dự kiến sản phẩm được chuyển giao cho Công ty TNHH Địa Nguyên để phát triển và thương mại hóa, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng trong và ngoài nước.
Bài, ảnh: Bảo Chi