Tối 31/12/2016, Chương trình Chào Xuân với chủ đề “Ấn tượng khoa học công nghệ 2016” đã chính thức được phát sóng trên kênh VTV2. Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức nhằm tổng kết và tôn vinh các sự kiện, thành tựu tiêu biểu trong năm của ngành KH&CN.
Chương trình đã công bố các sự kiện KH&CN ấn tượng năm 2016, được bình chọn bởi các nhà quản lý uy tín, các nhà khoa học lớn trong cả nước, thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách phát triển KH&CN, khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng, y dược, khoa học trong nông nghiệp, đồng thời, ghi nhận những đóng góp của các nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước… Những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực này đều có bước đột phá, tạo tiền đề lớn cho ngành KH&CN trong những năm tiếp theo.
Theo đó các sự kiện nổi bật được Hội đồng bình chọn lựa chọn gồm:
Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết 297/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa XIV
Nghị quyết của Hội Nghị trung ương 4 khóa XII
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chương III mục 2.3 của Nghị quyết khẳng định: Ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để thực hiện được điều này cần nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ. Thực hiện cơ chế đối ứng hợp tác công - tư để doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các dự án đổi mới công nghệ, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; Tiếp tục phát triển mạnh các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Xây dựng và thực hiện chính sách nhập khẩu công nghệ; Xây dựng, vận hành có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu và thực hành tốt nhất về năng suất lao động để theo dõi tình hình thực hiện và phân tích, đánh giá, dự báo.
Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội khóa XIV
Ngày 02/11/2016 , Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 về nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Nghị quyết nêu rõ: Năm 2017, rà soát để đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo; đề xuất giải pháp nâng cao vai trò quản lý nhà nước đủ mạnh để quản lý về cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ; tăng cường năng lực chế tạo của các doanh nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tạo cơ chế để các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển giao công nghệ, triển khai hoạt động thiết kế và chế tạo tại Việt Nam, giảm gia công, lắp ráp và sử dụng nhiều lao động. Xây dựng chính sách nhập khẩu công nghệ nguồn, công nghệ cao.
Ưu tiên phát triển và chuyển giao KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp
Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844); Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc tế -Techfest VietNam 2016
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”
Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025”. Mục tiêu của đề án: Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.
Đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2.000 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua sắm và sáp nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc tế - Techfest VietNam 2016
Ngày 12-13/11/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest VietNam 2016) nhằm kết nối các nhà đầu tư trong nước và quốc tế với các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; chia sẻ những kinh nghiệm, bài học sâu sắc về khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tôn vinh các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình tài trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế. Techfest VietNam 2016 đã có hơn 3.000 lượt người tham gia, 250 lượt gặp gỡ, kết nối đầu tư, gần 150 nhà đầu tư trong và quốc tế cùng khoảng 180 doanh nghiệp KH&CN, hơn 1000 gian hàng, 80 diễn giả.
Chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2016 và Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5 năm 2016
Chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2016
Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội Gặp gỡ Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp tổ chức trong 2 ngày 7-8/7 tại thành phố biển Quy Nhơn, Bình Định.
Mục tiêu của các chuỗi hội thảo khoa học trong các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” trước đây - đặc biệt là từ năm 2013 đến nay tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) Quy Nhơn - là đưa các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam để chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam những kết quả nghiên cứu mới nhất cũng như sự phát triển của khoa học quốc tế.
Trong khuôn khổ của chương trình Gặp gỡ Việt nam 2016 đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội”. Hội thảo được sự hỗ trợ của UNESCO, đồng tổ chức bởi Bộ KH&CN và Hội Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Châu Âu (CERN), Viện quốc tế SOLVAY để kỷ niệm 50 năm Gặp gỡ Moriond (Rencontres de Moriond) sáng lập từ 1966 bởi GS. Trần Thanh Vân. Hội thảo với 07 chủ đề tham luận: Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi; Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; Nghiên cứu cơ bản và hòa bình; Nghiên cứu cơ bản và khí hậu; Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; Nghiên cứu cơ bản và sự phát triển giáo dục toàn cầu, kiến thức và công nghệ; Nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế.
Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5 năm 2016
Từ ngày 15-16/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình – Thủ đô Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5 năm 2016 với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”. Hội thảo không chỉ có sự tham gia của các nhà khoa học và các cơ sở học thuật mà còn có sự quan tâm của cả các Bộ, ngành.
Tiếp nối bốn kỳ Hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào các năm 1998, 2002, 2008 và 2012, Hội thảo quốc tế về Việt Nam học lần thứ 5 năm 2016 do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) làm đầu mối, cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và các bộ ngành liên quan phối hợp tổ chức.
Hội thảo quốc tế Việt Nam học là diễn đàn học thuật thảo luận và đề xuất giải pháp góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam và đẩy mạnh sự phát triển mạng lưới Việt Nam học toàn cầu, quy tụ đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, tiến tới hình thành một tổ chức quốc tế về Việt Nam học.
Nếu như các hội thảo trước đây chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì nội dung của Hội thảo lần này được mở rộng hơn, tạo ra diễn đàn học thuật góp phần giải quyết các vấn đề đương đại của Việt Nam, từ vấn đề ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế, đến nguồn lực văn hóa; giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; chuyển giao tri thức và công nghệ; kinh tế, sinh kế và biến đổi khí hậu…
Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 với các kết quả nổi bật:
Quy trình công nghệ nhân giống cây và sản xuất củ giống khoai tây sạch bệnh bằng công nghệ khí canh đã được nâng cấp lên quy mô công nghiệp
Với công nghệ này nhiều địa phương có thể sản xuất ra củ giống sạch bệnh đạt chất lượng đạt tiêu chuẩn 10 TCN 316-2003 và cơ hội tốt để xây dựng được mô hình sản xuất củ giống quy mô hàng trăm hecta với giá thành cạnh tranh với giá giống nhập ngoại. Đến nay, quy trình nhân giống này đã và đang chuyển giao cho các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang và một đơn vị của Bộ KH&CN Indonesia (Chương trình KC.04).
Hệ thống cảnh báo lũ lụt trực tuyến được xây dựng dựa trên sự tích hợp của công nghệ thông tin và thiết bị truyền thông
Không quá phức tạp nhưng đã mang lại hiệu quả rất lớn về mặt kinh tế xã hội. Hệ thống này cung cấp cho người dân, chính quyền địa phương các thông tin hữu ích, chính xác về tình trạng lũ lụt trên các lưu vực sông, qua đó hỗ trợ cho việc ra quyết định di tản người dân, tài sản một cách chủ động. Ngay sau khi được kiểm chứng trên lưu vực sông Vu Gia –Thu Bồn, hệ thống đã được Ủy ban Phòng chống lụt bảo Trung ương chấp nhận và cho triển khai lắp đặt 2 hệ thống cho các lưu vực sông tại miền Trung nhằm giảm thiểu những thiệt hại do lũ lụt gây ra (Chương trình KC.01/11-15).
Kết quả nổi bật của chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2011-2015”, mã số: KX.04/11-15
Kết quả của 31 đề tài đã tập trung vào việc cung cấp luận phục vụ trực tiếp xây dựng Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới và soạn thảo các dự án thảo văn kiện Đại hội XII, đồng tời đưa ra nhận thức mới về kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; những đề xuất, quan điểm giải pháp mới cho giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030; đề xuất bổ sung, hoàn thiện một số quan điểm của Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa; đưa ra hệ giá trị con người Việt Nam, nêu ra 5 nhóm giải pháp chủ yếu để hiện thực hóa hệ giá trị định hướng cốt lõi vào cuộc sống…
Các đề tài trong chương trình đã xuất bản 40 cuốn sách chuyên khảo “một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới”, hơn 400 bài báo đăng ở tạp chí trong nước, 10 bài báo đăng quốc tế…
Việt Nam thử nghiệm lâm sàng thành công vaccine phối hợp sởi-rubella (MR)
Bộ Y tế vừa thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng cho vaccine phối hợp sởi-rubella (MR) do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất. Đây là vaccine MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực sản xuất vaccine phối hợp sởi-rubella” do JICA hỗ trợ. Dự án được POLYVAC triển khai từ tháng 5/2013 và kéo dài gần 5 năm. Tháng 3/2016, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, vaccine MR do Polyvac sản xuất đã được thử nghiệm lâm sàng và được đánh giá là an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.
Vắc xin phối hợp sởi-rubella (MR) do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất
Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai hoạt động đến tháng 10/2016, đơn vị chuyển giao công nghệ phía Nhật Bản là Công ty TNHH Kitasato Daiichi Sankyo Vaccine (KDSV) đã cử 197 lượt chuyên gia sang chuyển giao công nghệ cho Polyvac và tiếp nhận 36 lượt cán bộ của Trung tâm sang học tập công nghệ tại nhà máy của Công ty ở Nhật Bản. Trong thời gian tới, Polyvac sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm để có thể cung cấp vaccine MR cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017.
Trước đó, năm 2015, ngành sản xuất vaccine của Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA). Năm 2016, Việt Nam đã tự sản xuất được vaccine MR chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản.
Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á có thể sản xuất vaccine MR, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Bước đầu thành công ứng dụng Robot trong phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý ở trẻ em
Lần đầu tiên ở Việt Nam, Bệnh viện (BV) Nhi trung ương đưa công nghệ phẫu thuật nội soi bằng robot vào điều trị các bệnh lý phức tạp cho trẻ em. Nhiều bệnh nhi được “người máy” mổ thành công sau hơn 2 năm đã khẳng định năng lực của các phẫu thuật viên Việt Nam.
Ở Việt Nam, tính cho tới thời điểm hiện tại mới chỉ có duy nhất bệnh viện Nhi Trung ương được trang bị hệ thống phẫu thuật Robot Davinci. Trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp quốc gia, nhóm nghiên cứu của PGS.TS. Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã bước đầu thực hiện thành công ứng dụng Robot trong phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh ở trẻ em như: cắt thùy phổi, điều trị bệnh nang ống mật chủ, điều trị bệnh thận ứ nước do hội chứng khúc nối bể thận niệu quản, điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh ở trẻ em với kết quả tốt. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên thực hiện thành công ở Việt Nam, kết quả kỹ thuật phẫu thuật nội soi Robot đã cho thấy có nhiều ưu việt so với phẫu thuật thông thường như: giảm sang chấn, giảm đau sau mổ, giảm biến chứng, rút ngắn thời gian điều trị sau mổ và giá trị thẩm mĩ cao hơn; tỉ lệ biến chứng chung trong và sau mổ của phẫu thuật nội soi Robot thường rất thấp.
Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa công nghệ phẫu thuật nội soi bằng robot vào điều trị các bệnh lý phức tạp cho trẻ em
Lần đầu tiên trao tặng “Giải thưởng Trần Đại Nghĩa”
Ngày 11/9/2016, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức lễ trao giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ nhất nhân kỷ niệm 103 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm nay vinh danh công trình nghiên cứu có giá trị khoa học xuất sắc và đã triển khai ứng dụng ở Việt Nam, có đóng góp lớn vào việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước.
“Giải thưởng Trần Đại Nghĩa” là Giải thưởng của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu xuất sắc về khoa học tự nhiên và công nghệ; trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó để đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước.
Giải thưởng Trần Đại Nghĩa không chỉ tôn vinh nhà khoa học, công trình nghiên cứu mà còn khơi dậy tinh thần khoa học trong giới trẻ để nhiều nhà khoa học trẻ tiếp tục dấn thân trên con đường nghiên cứu khoa học. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trao tặng mỗi năm một lần. Năm nay, Ban tổ chức nhận được 15 công trình tham gia Giải thưởng thuộc ba lĩnh vực: Khoa học thông tin và khoa học máy tính; hóa học; khoa học sự sống.
Phát hiện, nghiên cứu nhóm di tích khảo cổ học giai đoạn sơ kỳ thời đại đồ đá cũ ở An Khê (Gia Lai)
Trong 2 năm từ năm 2015 đến 2016, các nhà khoa học của Viện khảo cổ học Việt Nam và Viện khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga đã phát hiện một số lượng lớn các hiện vật đá tại các điểm di tích Gò Đá, Rộc Tưng và một số điểm di tích khác tại thị xã An Khê, Gia Lai. Nổi bật là các loại rìu tay và các mẩu tectit (đá thiên thạch), được xác định là thuộc sơ kỳ Đá cũ - thời buổi bình minh xuất hiện loài người.
Kết quả của cuộc khai quật đã đưa ra khỏi lòng đất rất nhiều hiện vật có giá trị: 58 hiện vật đá tại di tích Gò Đá (phường An Bình, thị xã An Khê), gồm: 9 công cụ mũi nhọn, 5 công cụ chặt, 9 nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch không định hình, 12 mảnh tước và 12 hạch đá. Tìm thấy 123 hiện vật đá tại di tích Tộc Rưng (xã Xuân An, thị xã An Khê), gồm: 1 công cụ ghè 1 mặt, 7 công cụ mũi nhọn, 2 công cụ nạo cắt, 1 công cụ chặt thô, 18 mảnh cuội, 4 mảnh tước và 13 hạch đá, 102 mảnh tectit...
Việc phát hiện khảo cổ học tại An Khê không chỉ có ý nghĩa trong một quốc gia, mà đó là niềm tự hào của cả khu vực Đông Nam Á. Việc phát hiện nhóm di tích sơ kỳ Đá cũ ở An Khê là bằng chứng khẳng định, thượng lưu sông Ba, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm. Đây cũng tạm thời được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.
Nhóm PV