Năng lượng nguyên tử Thứ sáu, 26/04/2024 , 03:59 pm
Cập nhật : 16/10/2020 , 11:10(GMT +7)
An toàn bức xạ trong y tế
Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế sẽ tạo thêm cơ hội chữa trị cho bệnh nhân
Tại Việt Nam, thời gian qua, ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) và công nghệ bức xạ trong y tế đã có nhiều thành tựu, góp phần đáng kể vào việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đặc biệt phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị y học hạt nhân và xạ trị. Tuy nhiên,việc ứng dụng NLNT trong chẩn đoán và điều trị cũng tiềm ẩn một số nguy cơ về an toàn bức xạ cho nhân viên y tế và bệnh nhân.

Trong khuôn khổ Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần 4 tại Ninh Bình, ngày 15/10/2020, đã diễn ra Phiên họp toàn thể về chủ đề “An toàn bức xạ trong y tế”. Tại Phiên họp, có 9 báo cáo tham luận được trình bày và thảo luận liên quan đến bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế.

Hiện trạng chiếu xạ trong y tế

PGS.TS. Vương Hữu Tấn cho biết, theo báo cáo quốc gia năm 2018, toàn quốc có khoảng 8000 thiết bị X-quang chẩn đoán. Ngoài ra còn có gamma knife, cycber knife, thiết bị xạ trì từ xa và thiết bị xạ trị áp sát sử dụng nguồn phóng xạ. Năm 2011 có khoảng 23 triệu ca chẩn đoán X-quang, chưa tính các ca chẩn đoán gamma camera, spec, X-quang can thiệp và gần đây có PET/CT.

Ông Tấn cho biết, năm 2011 Cục ATBXHN đã có đề tài nghiên cứu “xây dựng quy trình đánh giá liều bệnh nhân và điều tra khảo sát điểm liều bệnh nhân trong X quang chẩn đoán”, cụ thể 3 loại X-quang quy ước, X-quang tăng sáng truyền hình (can thiệp), X-quang chụp cắt lớp vi tính – CT. Kết quả mới dừng ở việc xây dựng các quy trình đánh giá liều bệnh nhân và khảo sát điểm cho 13 bệnh viện.  Vẫn còn hiện tượng nhân viên bức xạ không đeo liều kế hoặc bỏ quên liều kế trong các buồng chiếu chiếu xạ. Nhân viên bức xạ đeo liều kế không đúng hướng dẫn làm cho kết quả đo không chính xác. Khuôn khổ luật pháp, đào tạo nhân lực, kiểm định và hiệu chuẩn, công tác cấp phép và thanh tra còn có những bất cập gián tiếp làm tăng liều chiếu bệnh nhân

Bà Dương Thị Nhung đại diện nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân cho biết, tại Việt Nam, xạ trị vẫn là một trong các phương pháp chính giúp bệnh nhân chống chọi với căn bệnh ung thư. Với vai trò như vậy, số máy gia tốc tuyến tính (LINAC) dùng trong y tế phục vụ cho lĩnh vực này cũng  ngày một tăng. Theo số liệu của Cục ATBXHN, đến 12/2019, số máy Linac của Việt Nam là 65 máy và con số này vẫn tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Các kỹ thuật điều trị cũng được cập nhật với xu thế mới của thế giới nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh. Nếu như trước đây chỉ đơn thuần là kỹ thuật xạ trị như: 3D CRT thì hiện nay các bệnh viện tuyến trung ương đã mạnh dạn đầu tư, cập nhật và áp dụng những kỹ thuật mới như IMRT, VMAT hay SRS, SBRT, IGRT.. Việc áp dụng các kỹ thuật này đã cho thấy tiên lượng bệnh tốt hơn so với kỹ thuật truyền thống.

 Hiện nay, tại Bệnh viện K đã tiến hành kiểm soát liều lượng bức xạ sử dụng thiết bị đo liều Matrixx và Dolphin trong khảo sát chỉ số GPR của Kế hoạch xạ trị. Theo đó, 30 kế hoạch IMRT, VMAT tại các vùng đầu cổ, vùng thân, vùng khung chậu trên máy gia tốc VesaHD được thực hiện kiểm tra trước điều trị trên thiết bị Dolphin và thiết bị Matrixx theo các tiêu chí đánh giá theo hiệp hội Y Vật lý Mỹ, Châu Âu (TG119, ESTRO2008) 3%/3mm, 2%/2mm, 1%/1mm tại các vùng. Kết quả cho thấy GPR trong các trường hợp kế hoạch IMRT/VMAT vùng đầu, cổ, bụng và khung chậu thì đo bằn Dolphin đều cho kết quả GPR cao hơn của Matrixx. Đặc điểm nổi bật hơn nữa của Dolphin là trong trường hợp các trường chiếu nhỏ.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy, ứng dụng NLNT và công nghệ bức xạ trong y tế đã có lịch sử phát triển từ thập niên 1960 với việc thành lập khoa Quang Tuyến (Khoa Chẩn đoán hình ảnh hiện nay), khoa Y Học Hạt Nhân. Từ năm 1962, bệnh viện bắt đầu ứng dụng công nghệ bức xạ với các thiết bị cơ bản như máy đo liều và máy chụp X-quang cho đến nay. Sau gần 60 năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đã triển khai ứng dụng công nghệ bức xạ đồng bộ trên 4 lĩnh vực chính bao gồm chẩn đoán hình ảnh, hình ảnh học can thiệp, y học hạt nhân và xạ trị ung bướu với 64 thiết bị bức xạ thuộc 8 chủng loại, trong đó có những thiết bị hiện đại ngang tầm khu vực như tổ hợp máy gia tốc Cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ 18F-FDG ghi hình chuyển hóa PET/CT, máy xạ phẫu Gamma-knife, hệ thống máy xạ trị gia tốc đa năng lượng, máy chụp cắt lớp vi tính (CT) mô phỏng 4D, hệ thống chụp mạch DSA 2 bình diện phẳng, máy CT 640 lát cắt, máy CT 2 lát cắt. Trung bình hằng năm có hơn 1,7 triệu lượt bệnh nhân được thụ hưởng các thành tựu khoa học công nghệ bức xạ trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau như ung thư, tim mạch, thần kinh... Công tác bảo đảm an toàn bức xạ luôn được ưu tiên và xem trọng tại bệnh viện Chợ Rẫy.

Liên quan đến xạ trị ung thư, phiên họp đã có các tham luận về: những sai số thường gặp trong xạ trị ung thư và biện pháp khắc phục; kỹ thuật hạt nhân mới trong y học và các vấn đề pháp quy đặt ra; kỹ thuật và công nghệ gia tốc trong xạ trị ung thư; thực trạng và một số yếu tố ảnh hưởng đến việc tuân thủ an toàn bức xạ tại các phòng X-quang trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ năm 2019.

Giảm thiểu rủi ro

Hiện nay, ở nước ta đã và đang có nhiều cơ sở sớm ứng dụng NLNT và công nghệ bức xạ trong y tế vào chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Điều đó đặt ra những vấn đề mới trong công tác quản lý nhà nước nhằm phát huy hiệu quả của trang bị kỹ thuật, giảm thiểu rủi ro phát sinh trong điều trị đối với người bệnh. 

 

 

  TS. Trần Ngọc Toàn, Phó Viện trưởng Viện NLNT Việt Nam, GS.TS. Mai Trọng Khoa và PGS.TS. Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân làm đồng chủ toạ Phiên họp sáng 15/10

 

Theo PGS.TS. Vương Hữu Tấn, việc ứng dụng NLNT trong chẩn đoán và điều trị cũng tiềm ẩn một số nguy cơ về an toàn bức xạ cho nhân viên y tế và bệnh nhân như bị nhận liều chiếu xạ cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh bức xạ nghề nghiệp, chiếu xạ quá liều, sai liều cho bệnh nhân gây tổn thương bức xạ tức thời, ảnh hưởng kết quả điều trị và tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.

 PGS.TS. Vương Hữu Tấn cho biết, hiện nay, chưa có số liệu điều tra về chiếu xạ y tế ở phạm vi quốc gia cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để biết chúng ta đã quản lý chiếu xạ y tế như thế nào, nhất là liều chiếu xạ bệnh nhân nằm ở điểm nào của khoảng sai 20 - 50% theo số liệu thống kế của quốc tế.

PGS.TS. Vương Hữu Tấn cho biết, chúng ta đã có các quy định cơ bản về quản lý chiếu xạ y tế đối với bức xạ ion hóa, nhưng vẫn chưa đủ, còn thiếu các hướng dẫn và có một số quy định chưa phù hợp. Trong nước chưa có số liệu thống kê định kỳ về liều chiếu xạ bệnh nhân, quản lý chiếu xạ nhân viên bức xạ y tế chưa đầy đủ và cùng còn chưa thực sự nghiêm túc.. 

Đồng quan điểm trên, ông Đàm Nguyên Bình, đại diện nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho rằng, vấn đề đảm bảo an toàn xạ cho nhân viên bức xạ và công chúng trong ứng dụng bức xạ đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn bức xạ. Tuy nhiên, vấn đề an toàn bức xạ cho đối tượng là người bệnh, chịu liều chiếu trực tiếp từ nguồn phát bức xạ cũng cần được quản lý, để đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong ứng dụng bức xạ trong kinh tế xã hội nói chung và trong y tế nói riêng, đặc biệt là ứng dụng bức xạ ion hóa trong y học hạt nhân và xạ trị, lĩnh vực thường cung cấp liều chiếu cao cho người bệnh. Quản lý liều bệnh nhân ở đây bao hàm cả luận cứ lợi ích đem lại của công tác khám chữa bệnh sử dụng bức xạ và tối ưu hóa liều bệnh nhân trong quá trình tiến hành công việc khám chữa bệnh sử dụng bức xạ.

Bên cạnh những ưu điểm mà kỹ thuật điều trị xạ trị mới đem lại, theo bà Dương Thị Nhung, việc áp dụng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như không có đủ năng lực, trình độ, trang thiết bị hiện đại cùng với đó là bộ máy quản lý, giám sát thì tai nạn xảy ra đối với người bệnh là điều khó tránh khỏi. Để khắc phục vấn đề nêu trên, các bệnh viện cùng các đơn vị quản lý cần nghiêm túc thực hiện các chương trình kiểm tra đảm bảo chất lượng (QA/QC) một cách tỷ mỉ. Đồng thời, phía cơ sở và các cơ quan quản lý cũng cần chú trọng hơn tới nguồn nhân lực (đội ngũ kỹ sư vật lý) trong việc thực hiện và giám sát thực hiện chương trình này trong xạ trị nhằm mang đến hiệu quả tốt nhất cho người bệnh.

Từ các vấn đề nêu trên, theo các chuyên gia, thời gian tới cần tăng cường năng lực cho các đơn vị quản lý nhà nước về cấp phép, thanh tra bảo đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ trong y tế, đặc biệt ở các Sở KH&CN. Các cơ sở y tế phải xây dựng và thực hiện tốt chương trình QA/QC cho các hoạt động điện quang, y học hạt nhân và xạ trị, cũng như xây dựng văn hóa an toàn an ninh cho các cơ sở này theo quy định của quốc tế. Bộ KH&CN cần thực hiện chương trình kiểm soát chiếu xạ y tế nhằm thực hiện các nội dung Tuyên bố chung giữa Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về tăng cường quản lý chiếu xạ y tế ở phạm vi quốc gia. Cùng với đó là quan tâm đến vấn đề đào tạo an toàn, an ninh và đào tạo chuyên môn nghiệp của các loại hình nhân viên bức xạ y tế về điều kiện tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT, trong đó bổ sung thêm một loại hình nhân viên bức xạ mới là kỹ sư vật lý y học theo hướng dẫn của IAEA.

Bài, ảnh: Bảo Chi

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner