Là con số được đưa ra tại Hội thảo KH&CN phục vụ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội do UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức diễn ra vào ngày 29/4 tại Hà Nội.
Theo Báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, từ năm 2008 – 2014, các chương trình KH&CN cấp thành phố đã triển khai 616 đề tài nghiên cứu và 56 dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó, lĩnh vực KH&CN có 481 đề tài, tỷ lệ ứng dụng có kết quả vào thực tiễn đạt trên 70%.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, các hoạt động khoa học tập trung phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, đạt yêu cầu Hiệu quả - Chất lượng – Sạch theo hướng phục vụ cho đô thị, du lịch và khu công nghiệp; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học vào bảo quản, chế biến, chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn theo hướng quy mô công nghiệp và trang trại.
Bên cạnh đó, việc đầu tư, phát triển tiềm lực KH&CN tập trung vào một số dự án đã đem lại hiệu quả tích cực như: Dự án Trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ và Giám định công nghệ; Dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên; Dự án Trung tâm công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm,…
Toàn cảnh Hội thảo
Ngoài ra, các lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước về thẩm định công nghệ, Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục được chú trọng triển khai và đã đem lại những kết quả tốt. Công tác thanh tra luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dung và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Hoạt động an toàn bức xạ hạt nhân đã góp phần bảo vệ sức khỏe cảu người dân, kịp thời khắc phục các sự cố phóng xạ xảy ra trên địa bàn. Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ giúp cá nhân, tổ chức doanh nghiệp, các địa phương xây dựng các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống nhằm nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm.
Đặc biệt, trong công tác cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, tính đến tháng 4/2014, Sở KH&CN Hà Nội đã tiếp nhận 18 hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, trong đó, có 13 doanh nghiệp đã được thẩm định hồ sơ và cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN bao gồm các lĩnh vực như: công nghệ thông tin – truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ bảo vệ môi trường, công nghệ vật liệu mới,…
Theo đó, ngoài việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN của Thành phố Hà Nội đến năm 2020 nhằm đưa ra những định hướng về KH&CN, xác định các sản phẩm ưu tiên có sức cạnh tranh của Thành phố, định hướng công nghệ của các ngành, lĩnh vực cụ thể gồm: Xây dựng và triển khai các Chương trình trọng điểm của Thủ đô; Triển khai Chương trình nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa,… UBND Thành phố Hà Nội mong muốn Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ Thành phố về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị cho các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KH&CN; Tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, mời các chuyên gia nước ngoài sang đào tạo, giảng dạy nhằm tạo điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội với các nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ,…
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp