Sở hữu trí tuệ Thứ sáu, 26/04/2024 , 11:40 pm
Cập nhật : 28/07/2020 , 08:07(GMT +7)
38 năm tạo dựng “văn hóa sở hữu trí tuệ” cho cộng đồng.
Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã đồng hành cùng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ quyền SHTT, đưa SHTT trở thành công cụ quan trọng trong đổi mới sáng tạo.

Hoàn thiện thể chế

Trải qua chặng đường 38 năm thành lập và phát triển (29/7/1982- 29/7/2020), Cục Sáng chế (tiền thân của Cục SHTT) đã xây dựng được 04 Nghị định bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN). Đặc biệt, sự ra đời của Pháp lệnh bảo hộ quyền SHCN năm 1988 đã ghi nhận nhiều vấn đề mới như “quyền sở hữu công nghiệp”, sáng chế và các đối tượng SHCN khác được coi là tài sản và là đối tượng của quyền sở hữu, tạo điều kiện khuyến khích sáng tạo và cân bằng lợi ích của chủ thể quyền với lợi ích của xã hội,…
 
Năm 1995, Bộ Luật Dân sự lần đầu tiên được Quốc hội khóa IX thông qua, trong đó có 26 điều khoản quy định những nguyên tắc cơ bản trong xác lập và bảo hộ quyền SHCN. Để thực hiện những quy định của Bộ Luật Dân sự, Cục SHTT (khi đó có tên là Cục SHCN) đã nhanh chóng nghiên cứu, soạn thảo các văn bản hướng dẫn để trình các cấp có thẩm quyền ban hành 5 Nghị định, 4 Thông tư. Đây là hệ thống văn bản pháp luật về SHCN quan trọng đầu tiên khi đất nước ta bước vào giai đoạn đầu của hội nhập khu vực và thế giới.
 
Nhận thấy Sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động đàm phán gia nhập các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WTO. Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo văn bản luật đầu tiên về SHTT, đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua (Luật SHTT có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006). Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu một giai đoạn mới về hoạt động SHTT của Việt Nam, nhất là để đáp ứng yêu cầu của việc gia nhập WTO với 2 Nghị định, 2 Thông tư.
 
Bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế Cục SHTT tiếp tục chủ trì xây dựng hàng loạt văn bản quan trọng về SHTT như Luật SHTT sửa đổi năm 2009, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật SHTT, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 105/2006/NĐ-CP, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 103/2006/NĐ-CP,…
 
Đáng chú ý là trong năm 2019, bên cạnh việc xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT để thi hành Hiệp định CPTPP, Cục SHTT đã xây dựng một văn bản quan trọng khác là Chiến lược SHTT đến năm 20302. Chiến lược này có ý nghĩa đặc biệt khi Việt Nam khi bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế, thể hiện tinh thần chủ động trong việc tiếp nhận, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và đón nhận làn sóng đầu tư mới.
 
Đồng hành cùng chủ thể quyền trong hoạt động SHTT 
 
Từ lượng đơn đăng ký quyền SHCN còn hết sức khiêm tốn và công tác xử lý đơn còn đơn giản những ngày đầu tiên mới thành lập (gần 3.300 đơn), nhưng chỉ gần 10 năm sau, đặc biệt là 05 năm gần đây, số lượng đơn đăng ký quyền SHCN đã tăng gấp nhiều lần so với thời gian trước. Công tác thẩm định đơn đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, số lượng đơn được xử lý, thẩm định, cấp văn bằng bảo hộ gia tăng, khắc phục dần tình trạng tồn đọng đơn.
 
Có thể thấy qua những số liệu thống kê gần đây: Năm 2017, xử lý được 39.250 đơn (tăng 1% so với năm 2016), năm 2018 xử lý 42.867 đơn (tăng 9,2% so với năm 2017), năm 2019 xử lý 65.029 đơn (tăng 51,7% so với năm 2018). Bên cạnh Cục SHTT cũng đã chú trọng đầu tư, hiện đại hóa công cụ và trang thiết bị phục vụ công tác thẩm định như: Dự án hiện đại hóa hệ thống CNTT, Dự án phục hồi dữ liệu SHCN, Dự án dịch vụ công trực tuyến, đưa vào vận hành Phần mềm tra cứu nhãn hiệu (IP-Search) và tích hợp các đăng ký chỉ dẫn địa lý vào cơ sở dữ liệu của nhãn hiệu để phục vụ công tác thẩm định đơn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Cục SHTT từng bước khắc phục tình trạng đơn tồn đọng nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu quản lý, thực hiện tốt hơn nữa chủ trương đồng hành cùng các chủ thể quyền trong các hoạt động SHTT, đặc biệt là các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.
 
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
 
Hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ - góp phần đưa Việt Nam trở thành một “đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” của ASEAN, WIPO và cộng đồng quốc tế. Cục SHTT đang ngày càng khẳng định vai trò đầu mối quốc gia trong việc tham mưu cho Nhà nước về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực SHTT ở cấp độ khu vực và quốc tế 4.
 
Hoạt động hợp tác quốc tế trong năm vừa qua cũng đi vào chiều sâu, góp phần đắc lực trong việc nâng cao năng lực của Cục Sở hữu trí tuệ, công tác hợp tác quốc tế được mở rộng với hàng loạt các hoạt động hợp tác song phương về SHCN với các nước như Thái Lan, Úc. Cục SHTT đã được tham gia là một bên thụ hưởng trong Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam – Thụy Sỹ về SHTT năm 1999. Chương trình đã hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam trong việc nghiên cứu thể chế, tuyên truyền phổ biến pháp luật SHTT, đào tạo, nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác SHTT. Bên cạnh đó, Cục SHTT cũng được Chính phủ Nhật Bản tài trợ dự án Hiện đại hóa quản trị SHCN. Dự án này đã góp phần quan trọng trong công cuộc đưa công nghệ, tự động hóa vào các thao tác nghiệp vụ về xử lý đơn đăng ký quyền SHCN của Cục SHTT.
 
Trong tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Cục SHTT đã trực tiếp chuẩn bị nội dung, phương án và tham gia đàm phán về SHTT, góp phần kết thúc 12 năm đàm phán gia nhập, chính thức đưa Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO kể từ ngày 11 tháng 01 năm 2007. 
 
Nhiều hiệp định, dự án hợp tác song phương và đa phương đã được Cục SHTT tích cực tham gia đàm phán, ký kết và xúc tiến triển khai như: Hiệp định VCUFTA, Hiệp định EFTA, Hiệp định RCEP, Hiệp định CPTPP,  Hiệp định VEFTA… đã hứa hẹn mang lại nhiều thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường lớn. Bên cạnh đó, Cục SHTT đã ký kết các chương trình hợp tác thẩm định nhanh về sáng chế đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và phối hợp với Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý các sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận và cà phê Buôn Mê Thuột tại Nhật Bản.
 
Sự kiện Cục SHTT đảm nhận vị trí Chủ tịch Nhóm Công tác về Hợp tác SHTT các nước ASEAN (AWGIPC) nhiệm kỳ 2019 – 2021 - lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức này. Cục đang chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và thực hiện tốt vai trò Chủ tịch trong nhiệm kỳ. Sự kiện này là một bước khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam khi hội nhập sâu trong hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT.
 
SHTT đã trở thành một yếu tố quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động kinh tế xã hội, là động lực cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao vị thế của mỗi quốc gia. Nhưng để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi Cục SHTT ra sức nỗ lực, không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng ở mọi mặt công tác, từ hoạt động xây dựng chính sách pháp luật, đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đến nâng cao năng lực xử lý đơn SHCN, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao vai trò, vị thế của Cục trong các tổ chức quốc tế về SHTT.
 
Trải qua chặng đường 38 năm thành lập và phát triển (29/7/1982- 29/7/2020), với 17 đơn vị trực thuộc, 360 cán bộ công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Hà Nội và 2 Văn phòng đại diện Cục SHTT tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Cục SHTT đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất năm 2012, Huân chương lao động hạng Nhì năm 2007, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ các năm 2007, 2008, 2011, cùng nhiều Bằng khen và các danh hiệu cao quý khác. 
 
Cục SHTT đã biên soạn bộ tài liệu tập huấn về SHTT thuộc dự án “Đào tạo, huấn luyện về SHTT”). Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều sự kiện cộng đồng như: Chuỗi sự kiện chào mừng Ngày SHTT thế giới 26/4, các cuộc thi sáng chế, sinh viên nghiên cứu khoa học về SHTT,v.v.). 
 
Bài, ảnh: VH (Cục SHTT)
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner