Báo Đất Việt ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, khoa học về nhìn lại một năm hoạt động KH – CN và triển vọng năm 2011.
Trước tiên phải nói về đầu tư cho KH – CN. Từ năm 2000 Quốc hội đã quyết định đầu tư cho khoa học là 2% ngân sách Nhà nước (như vậy chỉ tương đương với 0,4 – 0,5% GDP).
Suốt 10 năm qua vẫn duy trì con số đó. Với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản con số đầu tư chiếm 3% giá trị GDP. Đó là còn chưa nói, giá trị tuyệt đối của con số GDP các nước này cao, vì thế giá trị đầu tư cho khoa học công nghệ sẽ cao hơn rất nhiều. Như vậy là không thỏa đáng, không xứng với các Nghị quyết của Quốc hội hay nhiệm vụ của Đảng,Nhà nước xác định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Theo tôi, phải tăng đầu tư cho khoa học. Ít nhất phải tăng lên 1% GDP (tương đương với 4 - 5% ngân sách Nhà nước). Song song với đó là cơ chế chi tiêu cho đúng để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, lôi kéo các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp của Nhà nước đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ.
Thực hiện cho bằng được chế độ ưu đãi để phát triển công nghệ cao; phát triển nguồn nhân lực; tuyên truyền tôn vinh khoa học, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm của nhà nước cũng như tinh thần trong xã hội; hoạt động khoa học công nghệ phải bám sát thực tiễn và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong điều kiện nền kinh tế thị trường.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ phát triển KH – CN rất nặng nề để có thể đạt được mục tiêu CNH - HĐH vào năm 2020. Cần tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và đang có khả năng. Ví dụ như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y dược… Ngoài ra cũng nên phát triển, tạo dựng nền công nghiệp phụ trợ. Đây là lĩnh vực phù hợp với quy mô và khả năng của chúng ta. Các ngành đòi hỏi đầu tư lớn của Nhà nước, chúng ta cần thời gian với hướng đầu tư dài hơi hơn.
|
Ông Phan Minh Tân |
Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM:
Trong năm 2010, TP.HCM đã có nhiều đề tài được nhân rộng, định giá và chào bán trên thị trường, như: Thiết kế vi mạch, chip, kit; quy trình lai tạo, sản xuất hoa lan xuất khẩu…
Sở KH-CN TP.HCM đã đưa vào hoạt động một quỹ hỗ trợ đưa sáng chế ra ứng dụng với mức vay tối đa cho một sáng chế 15 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 0% - 50%so với lãi suất ngân hàng nhà nước quy định. Trong năm 2011, Sở KH – CN TP.HCM sẽ chi 110 tỷ đồng cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học (so với 90 tỷ đồng năm 2010). Một nguồn vốn không nhỏ cho các nhà khoa học, doanh nghiệp có thể tiếp cận để đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
TS Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm địa vật lý, Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam:
Trong năm 2011, nhu cầu địa vật lý sẽ tăng lên trong các lĩnh vực kỹ thuật như: Khảo sát các công trình ngầm, các tuyến metro, các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, … Tuy nhiên, hiện nay công tác địa vật lý chưa được chú trọng đầu tư một cách đúng mức, điều đó làm cho lực lượng các chuyên gia địa vật lý ngày càng thưa thớt. Do vậy, hiện nay trình độ và công nghệ của chúng ta vẫn còn đang trong tình trạng lạc hậu, đặc biệt là thiết bị.
|
GS-TS Trần Linh Thước |
GS.TS Trần Linh Thước - Chủ nhiệm chương trình Công nghệ sinh học TP.HCM:
Năm 2010, ngành CNSH đã đạt được một số thành tựu nhất định trong nghiên cứu: Tạo kháng thể đơn dòng. Đây là một công cụ rất mạnh được ứng dụng để phát triển các bộ sản phẩm chẩn đoán, chẳng hạn chẩn đoán phát hiện virus gây ung thư cổ tử cung.
Trong nước đã tạo thành công Insulin tái tổ hợp dùng làm nguyên liệu chế tạo thuốc trị tiểu đường, hay Công ty dược Nanogen của Việt Nam đã sản xuất được thuốc Pegano điều trị viêm gan siêu vi B, C. Mặc dù bản quyền vẫn còn tranh cãi, nhưng nếu Nanogen thật sự có thể tự tạo nguồn nguyên liệu protein tái tổ hợp để từ đó sản xuất thành thuốc, thì đây là một thành tựu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ mỏng, lương bổng chưa thật sự thu hút cán bộ nước ngoài, sự liên kết còn yếu giữa đơn vị nghiên cứu và đơn vị ứng dụng.
|
TS Dương Minh Tâm |
TS Dương Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triển khai (R&D) Khu Công nghệ cao TP.HCM:
Năm 2010, Trung tâm R&D, Khu Công nghệ cao TP.HCM đã đánh dấu thành tựu lần đầu tiên ở trong nước chế tạo cảm biến sinh học Bio-chip. Từ khâu ứng dụng nguyên tắc vật lý, thiết kế cấu trúc chíp đến chế tạo linh kiện, bao gói chíp thành cảm biến (sensor). Đến việc chế tiếp bộ kit chẩn đoán các tác nhân sinh học như vi khuẩn, vi rút, DNA... bán được cho các cơ sở y tế. Sở KH-CN TP.HCM khuyến khích nhóm làm đề tài đi sâu vào thiết kế, chế tạo một loạt Bio-chip phục vụ nông, ngư nghiệp.
Trung tâm R&D còn liên kết với Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM thiết kế chế tạo UV-LED (đèn LED phát tia cực tím). Hợp tác với Công ty Kim Đỉnh lắp đèn LED công suất lớn dành cho đánh cá mực, chiếu sáng, để tiến tới chế tạo vật liệu đèn LED. Thiết kế, chế tạo thành công hệ thống kho hàng tự động dùng robot lưu/xuất hàng, vật tư tại kho phụ tùng của nhà máy.
Để có được một nền công nghệ nội sinh, nhà nước nên tập trung hơn nữa vào doanh nghiệp. Tạo cơ chế để doanh nghiệp chủ động bắt tay với nhà khoa học. Năm mới 2011 đã bắt đầu, nhiều cơ hội đang ở phía trước, nhưng sẽ không chờ nếu chậm chạp.
|
PGS.TS Dương Anh Đức |
PGS.TS Dương Anh Đức, Chủ nhiệm chương trình CNTT và GIS TP.HCM:
Trong năm 2010 vừa qua, nghiên cứu thuộc chương trình CNTT và GIS do Sở KH&CN đề ra thành tựu nổi bật nổi bật nhất phải kể đến chip sinh học và bộ kít sinh học. Tuy nhiên, hiện chương trình CNTT và GIS vẫn phải đối diện với những thách thức, đây là thách thức chung của khoa học Việt Nam về: Tập hợp lực lượng chưa tốt, nguồn nhân lực thường tập trung vào các trường, viện, nhưng sự liên kết giữa các đơn vị vẫn chưa như mong muốn.
Mặc dù đã có một vài nghiên cứu có sự phối hợp giữa nhiều đơn vị nhưng nhìn chung vẫn chưa huy động được tổng lực. Vấn đề liên kết giữa khoa học và giới công nghiệp chưa giúp tạo ra môi trường để ứng dụng các nghiên cứu khoa học và ngược lại nghiên cứu khoa học nhiều khi không phù hợp với nhu cầu của các nhà sản xuất. Cuối cùng là vấn đề kinh phí, giới khoa học chỉ muốn tập trung vào chuyên môn, nhưng họ bị ảnh hưởng bởi những chính sách giải ngân rườm rà.
|
PGS.TS Nguyễn Văn Phước |
PGS.TS Nguyễn Văn Phước – Viện trưởng viện môi trường tài nguyên:
TP.HCM luôn xác định bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Năm vừa qua cũng là năm mà Viện Môi trường và Tài nguyên đã có những thành quả đáng ghi nhân. Viện đã triển khai thực hiện được tổng cộng 62 đề tài. Trong đó, nổi bật nhất là ”Xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường và thiệt hại về kinh tế, môi trường do hành vi gây ô nhiễm của công ty Vedan và các doanh nghiệp trên lưu vưc sông Thị Vải” . Báo cáo đã được sử dụng để đòi Vedan hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại gần 220 tỷ đồng.
Trong năm 2011, Viện sẽ tiến hành nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ môi trường tiến tiến để xử lý và kiểm soát ô nhiễm phục hồi môi trường; trọng tâm là nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất metan từ rác hữu cơ kết hợp phát điện nhằm giảm khí nhà kính, gây biến đổi khí hậu và thu hồi năng lượng từ rác; nghiên cứu các công nghệ thu hồi Biogas từ nước thải ô nhiễm hữu cơ cao như nước thải chăn nuôi, sản xuất tinh bột mì,…; nghiên cứu các công nghệ sinh thái để xử lý bùn nguy hại công nghiệp; Tập trung nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với từng khu vực, lĩnh vực, ngành nghề; Nghiên cứu đánh giá rủi ro sinh thái do các độc chất từ đô thị và công nghiệp, bao gồm dioxin/POPs/các phức cơ kim và đề xuất biện pháp giảm thiểu; Ứng dụng tin học (GIS - Viễn thám – Mô hình hóa – Cơ sở dữ liệu) trong quan trắc và quản lý chất lượng môi trường.
Thái Ngọc – Chi Giao – Thanh Mai - Bích Ngọc