Phóng sự ảnh Thứ bảy, 27/04/2024 , 06:45 pm
Cập nhật : 31/10/2023 , 09:10(GMT +7)
10 nhà khoa học trẻ nhận Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023

10 gương mặt nhà khoa học trẻ vừa được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Khoa học công nghệ (KHCN) Quả cầu vàng năm 2023, diễn ra vào ngày 27/10/2023 tại Hà Nội. Giải thưởng do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp tổ chức. 

Giải thưởng nhằm tôn vinh các tài năng trẻ không quá 35 tuổi có thành tích xuất sắc về nghiên cứu, phát triển đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực KHCN. 

Hội đồng giải thưởng đã chọn 10 gương mặt tiêu biểu từ 18 ứng viên xuất sắc thuộc 4 lĩnh vực xét giải gồm: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa (3 giải), công nghệ y-dược (3 giải), công nghệ môi trường (2 giải) và công nghệ vật liệu mới (2 giải).

TS. Trịnh Văn Chiến (34 tuổi), Trưởng phòng thí nghiệm Nghiên cứu mạng máy tính và công nghệ truyền thông thế hệ mới, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội với công trình nghiên cứu xem xét việc tích hợp công nghệ cực nhiều ăng-ten trong mạng phi tế bào và bề mặt phản xạ thông minh dưới ảnh hưởng của tương quan không gian giữa các phần tử tán xạ. 

 

TS. Phạm Huy Hiệu (31 tuổi), giảng viên Viện Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe thông minh VinUni-Illinois, Trường Đại học VinUni với nghiên cứu "Hệ thống VAIPE theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt". 

 

TS. Nguyễn Trọng Nghĩa (33 tuổi), giảng viên Khoa kỹ thuật điện và cơ khí, Đại học Adelaide, Nam Australia, nghiên cứu phát triển một loại anten có thể đồng thời tái cấu hình với các tham số khác nhau, có thể được ứng dụng rộng rãi trong nhiều loại anten đa chức năng cần tự điều chỉnh một cách linh hoạt tần số và độ phân cực. 

 

TS.BS. Ngô Quốc Duy (34 tuổi), Phó trưởng Khoa Ngoại Đầu cổ, Bệnh viện K với nghiên cứu phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt tuyến giáp qua tiền đình miệng thông qua ứng dụng kỹ thuật trong nạo vét hạch cổ bên điều trị ung thư tuyến giáp.

 

TS. Hà Thị Thanh Hương (34 tuổi), Trưởng Bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, Khoa Kỹ thuật Y sinh, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM nghiên cứu phần mềm Brain Analytics, phân tích hình ảnh MRI sọ não người bệnh và chẩn đoán bệnh Alzheimer một cách chính xác, tự động, nhanh, đã được huấn luyện và kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ADNI (Mỹ) với độ chính xác khoảng 96%. 

 

TS.BS. Trịnh Hoàng Kim Tú (35 tuổi), Nghiên cứu viên Trung tâm Y Sinh học phân tử, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh với nghiên cứu "Khảo sát kỹ thuật tế bào trong chẩn đoán dị ứng hải sản". Công trình phân lập và sản xuất được các dị ứng nguyên phù hợp, đặc trưng cho bệnh nhân Việt Nam và phát triển các kỹ thuật xét nghiệm in vitro giúp tăng độ chính xác trong chẩn đoán, tiên lượng dị ứng thức ăn, nguy cơ phản ứng của bệnh nhân với từng loại thức ăn tiêu thụ; hỗ trợ giảm phản ứng dị ứng nặng cho người bệnh. 

 

TS. Lê Đình Anh (34 tuổi), giảng viên Viện Công nghệ Hàng không vũ trụ, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nghiên cứu biên dạng cánh cải tiến giúp tăng mô-men và công suất khí động cho tua-bin gió Savonius 5,5% ở tỉ tốc gió thấp và tới 185% ở dải tỉ tốc cao ~1,5. 

 

TS. Ngô Ngọc Hải (32 tuổi), Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu hệ Gen, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam với nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu tới các loài động vật nói chung và nhóm các loài bò sát nói riêng, dựa trên các mô hình thuật toán dự đoán. Từ đó đề xuất các biện pháp và vùng ưu bảo tồn tại Việt Nam, xác định các nhóm loài có nguy cơ tuyệt chủng cao dưới tác động của biến đổi khí hậu.

 

ThS. Nguyễn Hồ Thùy Linh (33 tuổi), Trưởng nhóm nghiên cứu Vật liệu Hóa, Sinh và Môi trường, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc nano và Phân tử, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, với công trình nghiên cứu có ý nghĩa trong lĩnh vực khoa học vật liệu mới khi đã nghiên cứu khả năng xúc tác của Zr và Hf-MOF trong phản ứng tổng hợp 2-arylbenzoxazole. 

 

PGS.TS. Huỳnh Trọng Phước (35 tuổi), Giảng viên cao cấp Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Bách Khoa, Trường Đại học Cần Thơ, nghiên cứu đưa ra giải pháp tận dụng hiệu quả lượng lớn bùn lắng từ các nhà máy xử lý nước và tro bay nhiệt điện để sản xuất vật liệu cường độ thấp có kiểm soát (CLSM). 

 

Tại Lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng, Ban tổ chức cũng đã lựa chọn 20 cá nhân xuất sắc nhận Giải thưởng Nữ sinh KHCN Việt Nam để tôn vinh những nữ sinh tiêu biểu trong KHCN, góp phần lan tỏa phong trào học tập sáng tạo trong các trường học; phát triển nguồn nhân lực nữ trong lĩnh vực KHCN, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

 

Thùy Linh

 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Video  
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner