Đây là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định 97/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 21/9/2010 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN).
Nghị định này quy định, phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định, mức phạt tối đa là 500 triệu đồng. Phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại Điều 13 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và quy định tại điều khoản tương ứng của Nghị định này.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, nguyên vật liệu, tem, nhãn,…; tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không thời hạn chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, thẻ giám định viên, giấy chứng nhận tổ chức đủ điều kiện hành nghề giám định; đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh; phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, hàng hóa xâm phạm quyền SHCN; đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền SHCN hoặc buộc tái xuất với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý; tiêu hủy yếu tố vi phạm, hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm; sửa đổi, bổ sung chỉ dẫn về SHCN; thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà có;…
Nghị định này cũng quy định thẩm quyền xử lý vi phạm của các cơ quan: Thanh tra KH&CN, Thanh tra Thông tin và Truyền thông, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Cục quản lý cạnh tranh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.
Bộ KH&CN có trách nhiệm hướng dẫn việc xác định hành vi vi phạm, thủ tục áp dụng biện pháp thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà có và những nội dung khác liên quan đến việc thi hành Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 9/11/2010 và thay thế Nghị định 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về SHCN.
Nguồn: Nguyễn Hạnh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN