Nhiều sáng chế đã được cấp văn bằng bảo hộ nhưng vẫn chưa được áp dụng trong thực tiễn; các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ, trong khi đó việc xử lý vi phạm còn nặng biện pháp hành chính... Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi nói về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta.
Sáng chế chưa “sống khỏe”
Theo số liệu thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH-CN, hoạt động khai thác và phát triển quyền SHTT đã được sự quan tâm, chú trọng của nhiều tổ chức, cá nhân. Song, trong các đối tượng được chuyển giao và chuyển nhượng thì nhãn hiệu đã chiếm trên 90% trong khi các đối tượng liên quan trực tiếp đến KHCN như sáng chế lại khá ít ỏi. Ước tính đến năm 2011, mới có 4 sáng chế được chuyển giao quyền sử dụng và cũng chỉ có 23 sáng chế được chuyển nhượng quyền sở hữu. Đây thực sự là con số khiêm tốn so với gần 500 sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ mỗi năm, tức là chưa tới 10%. Mặc dù theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, không phải trường hợp nào đăng ký bảo hộ cũng được đưa vào sử dụng mà còn phục vụ cho nhiều mục đích khác cũng như việc khai thác và phát triển sáng chế không phải luôn gắn liền với chuyển giao quyền sử dụng và chuyển nhượng quyền sở hữu nhưng rõ ràng “để khẳng định rằng một sáng chế sống khỏe thì yếu tố được chuyển giao, chuyển nhượng là một trong những thước đo quan trọng” - Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh nhấn mạnh.
Đáng nói là cho đến nay hoạt động khai thác, áp dụng sáng chế vào sản xuất, kinh doanh còn khá hiếm; phần lớn các tổ chức, cá nhân chưa quan tâm cũng như chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc khai thác thông tin SHTT, đặc biệt là thông tin sáng chế. Không ít chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho các sáng chế ít được áp dụng trên thực tiễn là bởi một số tổ chức dịch vụ đại diện còn chưa tha thiết hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân trong việc đưa những sản phẩm trí tuệ đó vào cuộc sống.
Thực tế cho thấy, nước ta đang phát triển rất mạnh về công nghệ sinh học và không hiếm doanh nghiệp lớn ở nước ngoài đã ứng dụng thành công vào sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm thông qua việc mua lại sáng chế của cá nhân, tổ chức Việt Nam. Điều đó đã chứng minh rằng, rất nhiều sáng chế nếu đưa vào thực tiễn sẽ áp dụng thành công, mang tới lợi ích thương mại. Thế nhưng, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ, đối tượng này vẫn chỉ “nằm trên giấy” bởi vấp phải rào cản, “không phải cá nhân, tổ chức nào cũng muốn nói về sáng chế của mình” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Trước thực trạng đó, Bộ KH-CN đang triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 với những nội dung quan trọng như hỗ trợ “khai thác thông tin KHCN và SHTT phục vụ nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh”. Chương trình này không chỉ góp phần vào việc nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế mà còn thúc đẩy việc ứng dụng các sáng chế hữu ích vào phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường xử lý bằng biện pháp dân sự
Mặc dù nhận thức của người dân về quyền SHTT đã từng bước được nâng cao, song tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta đang có xu hướng gia tăng, diễn ra ở hầu hết các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và tập trung dưới dạng sao chép nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghệ cùng những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Năm 2012, các cơ quan thực thi quyền SHCN trong cả nước đã xử lý 1.627 vụ xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, 37 vụ liên quan đến kiểu dáng công nghiệp, 13 vụ về chỉ dẫn địa lý, 4 vụ về sáng chế với số tiền phạt vi phạm hành chính lên đến trên 7 tỷ đồng. Bên cạnh những nguyên nhân “truyền thống” như lực lượng làm công tác đấu tranh còn mỏng và thiếu so với yêu cầu thực tế hay sự phối hợp, trao đổi thông tin nghiệp vụ, chuyên môn giữa các cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế thì theo một số chuyên gia, chính việc áp dụng cơ chế thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính cũng là căn nguyên khiến hành vi xâm phạm ngày càng gia tăng.
Theo quy định của Luật SHTT, hành vi xâm phạm quyền có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự và hình sự (thông qua tòa án) hoặc biện pháp hành chính (thông qua các lực lượng thực thi hành chính như: Thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an). Nhờ những ưu điểm như nhanh chóng, đơn giản và ít tốn kém, ở nước ta việc áp dụng cơ chế thực thi quyền SHTT bằng biện pháp hành chính nhằm xử lý các hành vi xâm phạm quyền vẫn đóng vai trò chủ đạo. Số vụ việc được giải quyết trước tòa án rất ít ỏi, không đáng kể so với hàng ngàn vụ tranh chấp về SHTT được giải quyết trước các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, có quá nhiều lực lượng tham gia vào việc xử phạt hành chính không chỉ tạo ra sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà còn gây lúng túng cho chủ SHTT trong việc lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh đó, “hệ thống xử lý hành chính một mặt ở tình trạng hành chính hoá các quan hệ dân sự về SHTT quá mức, mặt khác không phát huy được vai trò của hệ thống thực thi hình sự như chưa dừng ở vai trò hỗ trợ cho hệ thống thực thi hình sự”, Trưởng phòng Thực thi - Giải quyết khiếu nại, Cục SHTT Nguyễn Danh Hồng cho biết.
Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về thực thi quyền SHTT trong thời gian tới cần tiến tới xóa bỏ tình trạng hành chính hóa hệ thống thực thi quyền SHTT, chuyển dần sang biện pháp dân sự, đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò và hiệu quả xử lý của hệ thống tòa án.